Hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

GD&TĐ - Sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9/2017.

Hoàn thành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga (bên trái ảnh) và Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Nguyễn Viết Lộc chủ trì họp báo
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga (bên trái ảnh) và Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Nguyễn Viết Lộc chủ trì họp báo

Đây là thông tin được cung cấp bởi Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại buổi họp báo thường kỳ qu‎ý I năm 2017 Bộ GD&ĐT tổ chức chiều nay (24/3).

Cấp THPT có nhiều điểm mới

Theo thông tin về dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ GD&ĐT công bố tại họp báo, các môn học bắt buộc ở cấp tiểu học gồm: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục lối sống, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên, Kỹ thuật và Tin học, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số.

Ở cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ và Hướng nghiệp, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn là Ngoại ngữ 2.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10 bao gồm các môn học bắt buộc là: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Thiết kế và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động nghệ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Môn học tự chọn: Ngoại ngữ 2.

Lớp 11 và lớp 12, các môn học chung (bắt buộc) bao gồm: Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Các môn học định hướng nghề nghiệp (tự chọn bắt buộc): Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Tin học ứng dụng, Thiết kế và Công nghệ, Mỹ thuật, Âm nhạc. Học sinh tự chọn tối thiểu 5 môn học trong các môn nói trên phù hợp với nguyện vọng của bản thân và điều kiện tổ chức của nhà trường.

Ngoài ra, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cũng đề cập tới định hướng xây dựng các chương trình môn học; định hướng về phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; điều kiện thực hiện chương trình phổ thông và phát triển chương trình giáo dục phổ thông.

Theo GS Nguyễn Văn Thuyết - Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, việc chia thành giai đoạn dự hướng, giúp học sinh có được sự chuẩn bị nhất định để chọn hướng nghề nghiệp (lớp 10) và giai đoạn giáo dục định hướng nghiệp (lớp 11, 12) là một trong những điểm mới nổi bật của dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Quan trọng là chất lượng và điều kiện thực hiện

GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại họp báo 

Cố gắng thực hiện để đảm bảo tiến độ triển khai chương trình theo đúng Nghị quyết 88, nhưng GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh, điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng; cùng với đó là điều kiện để thực hiện chương trình như giáo viên, trang thiết bị, cơ sở vật chất nhà trường.

Điều kiện về giáo viên là thuộc trách nhiệm của Bộ GD&ĐT. Do đó, Bộ có hẳn một dự án ETEP về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Các trường sư phạm cũng đã khởi động đổi mới chương trình đào tạo sư phạm phục vụ cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này. Những người ở Ban phát triển chương trình sẽ phải viết tài liệu bồi dưỡng giáo viên…

Chia sẻ về điều kiện vật chất trường học, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, điều này cũng có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, nhưng trách nhiệm chính vẫn là của địa phương. Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời bày tỏ sự trăn trở về việc số lượng trường phổ thông được học 2 buổi/ngày còn chưa nhiều.

“Ngay ở Hà Nội, Hải Phòng vẫn có trường tiểu học học sinh phải học luân phiên. Đây là những điều chúng tôi cho rằng phải khắc phục, nếu không sẽ hết sức khó khăn. Chúng tôi kiến nghị Bộ, Chính phủ sau khi chương trình thông qua, ngay trong quá trình chuẩn bị sách giáo khoa mới, phải làm việc với lãnh đạo các địa phương để giải quyết vấn đề này. Nếu không thực sự quan tâm đến cơ sở vật chất, rất khó để thực hiện thành công chương trình mới” – GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.

Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình mới có kế thừa những ưu điểm của chương trình hiện hành và cho biết thêm:

Định hướng phát triển năng lực đã có từ chương trình hiện hành, chỉ có điều những người thực hiện chưa thể hiện được tinh thần của chương trình. Lần này, chúng tôi cố gắng có cách làm mới để thể hiện được yêu cầu của chương trình.

Cụ thể, có 2 phương pháp được áp dụng. Thứ nhất là phương pháp sơ đồ ngược. Theo đó, đầu tiên phải xác định được nhu cầu đào tạo nhân lực của đất nước, mục tiêu giáo dục phổ thông; từ mục tiêu giáo dục phổ thông, phải xác định được những yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực cho học sinh; trên cơ sở yêu cầu cần đạt ấy, xác định nội dung cần dạy học, sau đó xác định phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá;

Thứ hai, Ban Phát triển Chương trình coi chương trình giáo dục phổ thông là một chính sách và chương trình phải được xây dựng theo đúng quy trình ban hành chính sách.

Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, chương trình giáo dục phổ thông nhằm cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu hoàn thiện nhân cách của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới. 
Chương trình giáo dục tiểu học giúp học sinh hình thành và phát triển những yếu tố căn bản đặt nền móng cho sự phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giáo dục về giá trị gia đình, quê hương, cộng đồng và những thói quen, nề nếp cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
Chương trình giáo dục trung học cơ sở giúp học sinh phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.       
Chương trình giáo dục trung học phổ thông giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức về quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc; khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động; khả năng thích ứng với những đổi thay trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.
Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu bao gồm: nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm. Đồng thời  hình thành và phát triển cho học sinh những năng lực cốt lõi: năng lực tự chủ, năng lực hợp tác, năng lực sáng tạo;  năng lực giao tiếp, năng lực tính toán, năng lực tin học, năng lực thẩm mỹ, năng lực thể chất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.