Đó là những câu chuyện tâm tình trong cuốn hồi ký “Hoài niệm và mộng du” của PGS.TS Đặng Anh Đào.
Những chiêm nghiệm về đời người
Cuốn hồi ký “Hoài niệm và mộng du” là những chiêm nghiệm về đời người của một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, hài hước và đã trải qua cuộc đời phong phú, nhiều biến động.
Hơn mười năm, sau tập hồi kí Tầm xuân, PGS.TS Đặng Anh Đào - con gái của GS. Đặng Thai Mai, lại tiếp tục mạch hồi ức trong cuốn hồi kí mới với một tinh thần mới mang tên: Hoài niệm và mộng du.
Cuốn hồi ký gồm có 7 phần là hành trình từ những kí ức tuổi thơ Mùa hè - Biển thứ nhất của đời tôi, Từ mùa đông đến mùa thu, Người ra đi đầu không ngoảnh lại, tiếp tục với Đường tản cư qua bao suối lạ sông ngàn, Đường vô xứ Nghệ quanh quanh cho đến khi Hòa bình trở lại và đoạn Vỹ thanh - chu kì của đời người.
Khi viết những dòng hoài niệm này, tác giả "đã đến mùa đông của cuộc đời, nhưng lòng tôi vẫn không thể nguội lạnh, thoát khỏi cõi phù vân. Hỉ, nộ, ái, ố - tấn trò đời vẫn cứ tiếp tục. Những người bạn cũ và bao người thân yêu đã đi vào cõi hư vô. Nhưng tôi vẫn còn niềm vui chia sẻ với con cháu, học trò bao thế hệ, những lo lắng vì bệnh tật, những hi vọng ngắn ngủi, những hồi ức vui buồn... Đời tôi giờ chỉ còn là một cuộc mộng du".
Những dòng kí ức tuổi thơ trở đi trở lại với các ngôi nhà ở Hà Nội và Sầm Sơn mà PGS.TS Đặng Anh Đào chẳng thể quên được vì "với tôi, gia đình là mái ấm của nơi sum họp".
Tuổi thơ của cô bé Đặng Anh Đào đầy ắp những món ăn ngon như "cần già, củ kiệu, mẹ muối theo kiểu dân làng Ngò. Rau cần già chỉ hớt bớt lá, và kiệu muối cả thân lẫn rễ, rất giòn và ngon…
Đó là hình ảnh người cha - GS Đặng Thai Mai tận tụy với công việc, mà cũng rất tình cảm với các con. Đó là chị Đặng Bích Hà vui tính, sôi nổi; chị Đặng Thị Hạnh tính tình dịu dàng, hay chăm nom các em; em Đặng Xuyến Như xinh xắn, trong trẻo; và chị Đặng Thanh Lê là người gần gũi, thân thiết nhất với Đặng Anh Đào.
Mạch ngầm của tình cảm
Nổi bật trên dòng hồi ức tuôn trào này là những mạch ngầm của tình cảm sâu nặng mà PGS.TS Đặng Anh Đào dành cho người chồng của mình - Trung tướng Phạm Hồng Sơn - mà như bà cảm nhận là "một con người suốt ngày hoạt động không biết mệt và tràn đầy sinh lực".
Cuốn hồi kí với những chiêm nghiệm về đời người. |
Bà nhớ lại những ngày chân chồng mình đang bị bó bột nhưng ông vẫn đập vỡ bột để tập trung chỉ huy; Những ngày lao động ở công trường, ông thức trắng đêm và tình cảm của những anh em bạn bè chiến hữu thân thiết dành cho ông mà bà cho rằng chỉ vào sinh ra tử cùng nhau mới có được.
Cuốn hồi ký khép lại với những chiêm nghiệm về đời người của một người phụ nữ thông minh, sắc sảo, hài hước và đã trải qua cuộc đời phong phú, nhiều biến động. Thời gian vật chất của Đặng Anh Đào lúc này chỉ còn lại những cuộc mộng du về quá khứ, nếu nằm mơ về những người đã mất thì bà cũng chỉ thấy hình ảnh của họ lúc còn trẻ.
Đã đến tuổi bát tuần, nhưng bà vẫn giữ sở thích hồi còn nhỏ, thích đi ra biển và chiêm nghiệm: "Lớp sóng này vào vỗ bờ, rút ra khơi, lại lớp sóng khác, bao giờ cũng mới và tinh khôi. Cuối cùng, là con người, từ cát bụi người sẽ trở về cát bụi. Xuân, hạ, thu, đông, một chu kỳ khép kín. Ta sẽ được là cát ngoài biển khơi, trong hằng hà sa số hạt cát long lanh, dưới những rạn san hô đỏ như phản chiếu ánh bình minh…".
“Hoài niệm và mộng du” được PGS.TS Đặng Anh Đào viết bằng lối văn phong hóm hỉnh, duyên dáng và thật sự trong trẻo. Tác giả cứ xưng "tôi" mà dẫn dắt người đọc trải qua từng chặng đường đời của mình với nhiều bất ngờ và thú vị.
Đây không chỉ đơn giản là một cuốn hồi kí mà chắc hẳn nó là cuốn tư liệu văn hóa hấp dẫn với tất cả các bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ tuổi để nhìn lại một giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước thông qua cuộc đời cụ thể của một người phụ nữ điềm đạm, thông minh và rất mực nhân hậu.
PGS.TS Đặng Anh Đào sinh năm 1934, nguyên là giảng viên khoa Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà là nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn, dịch giả.