Hoài cổ hài hước trong tranh Lim Khim Katy

GD&TĐ - Có một cái tên khá lạ, nhưng tranh của Lim Khim Katy lại quá quen thuộc với công chúng yêu hội họa Việt.

Bức tranh “Nhà trống”.
Bức tranh “Nhà trống”.

Sinh năm 1978 tại TPHCM, là người dân tộc Khmer An Giang. Cha của Lim Khim Katy là người Campuchia - một nghệ nhân sống bằng nghề chép tranh, mẹ quê Nam Định. Cô tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM, từng đoạt nhiều giải thưởng và tham dự nhiều cuộc triển lãm, được các nhà sưu tập nước ngoài chú ý… 

Tươi mới từ những tổn thương

Ngày 27/5 tới đây, tại Craig Thomas Gallery (TPHCM), 14 tác phẩm mới nhất trong bộ sưu tập An Gia của Katy - miêu tả cảnh gia đình an vui sẽ ra mắt công chúng.

20 năm qua, Katy đã miệt mài vẽ tranh với niềm đam mê và sự tận tụy. Ban đầu, cô gây chú ý với những bức vẽ về người lao động nghèo. Cô quan sát những người nghèo khổ và cố gắng thấu hiểu cảm xúc của họ để chuyển tải lên tranh, bằng tâm hồn và nội lực của chính mình.

Sớm trải nghiệm học vấn nhà trường thông qua các đề tài đặc trưng giai thoại, trên những “pastorales”, như: Nghỉ trưa, Thư xa, Chuyện đàn bà, Đàn bà nói chuyện đàn ông.

Trên thực tế, Katy đã vượt qua rất nhanh ảnh hưởng thường thấy của “những hình thái định sẵn” (formes écrites) - và, bắt đầu từ những: Sự im lặng (2001), Biển đen (2005)…

Có thể nói, Katy đã trở thành họa sĩ hi hữu có vị trí đặc biệt ở phía Nam - thể hiện được một cách độc đáo và chân xác cái thần, chất thơ, những thoáng nghiệt ngã của thiên nhiên, môi trường và của cuộc sống con người.

Các tác phẩm của Katy là sự pha trộn bất thường khó nắm bắt, của nhiều phong cách hội họa - từ hiện thực, biểu hiện đến siêu thực, phát triển trong mối quan hệ kín đáo và có chừng mực giữa nghệ thuật hàn lâm và pop-art, giữa thực tại nhạy cảm và đời sống nội tâm con người.

“Là một họa sĩ có nhãn lực và trực giác nhạy bén, lại có biệt tài điều khiển nét bút thật đậm, chắc, khi quánh ngọt, khi xù xì, gân guốc - Lim Khim Katy đặc biệt hay ở những nét phá ngang trên ranh giới hình và nền, làm rung rinh ảo giác về không gian”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Quang Việt nhận định.

Katy có khả năng sử dụng kỹ năng, và kỹ thuật để tạo nên những hiệu ứng tuyệt vời. Khả năng này càng thể hiện rõ hơn trong bộ tranh hiện thực mới nhất lần này. Katy cho biết: “Loạt tranh vẽ từ năm 2019 đến nay là những bức tranh tuyệt vời nhất của tôi.

Trước đây khi còn non trẻ trong kỹ thuật, thị giác và học thuật đã không chắp cánh cho tôi thực hiện được. Phải vẽ thật nhiều, trải nghiệm nhiều, đọc nhiều, nhạy cảm và tổn thương nhiều từ cuộc sống thì những yếu tố đó mới thẩm thấu đủ đầy đến lòng trắc ẩn để tôi tạo nên những bức họa hôm nay”.

Họa sĩ Lim Khim Katy có bố là người Campuchia, mẹ quê Nam Định.

Họa sĩ Lim Khim Katy có bố là người Campuchia, mẹ quê Nam Định.

Hoài cổ nhưng hài hước

“Tôi đang trên con đường khám phá những bí ẩn hội họa và luôn cảm thấy thi vị với những hình ảnh mình vẽ ra. Khi tôi hoàn thành một bức tranh, tôi lại có cảm hứng mới cho bức tranh tiếp theo. Cứ thế qua 20 năm, tôi vẫn tiếp tục trăn trở hoàn chỉnh tác phẩm của mình qua từng giai đoạn” - Họa sĩ Lim Khim Katy.

Trong số các bức vẽ của bộ sưu tập mới, “Đời vui” có thể xem là ví dụ nổi bật cho sự xuất sắc về kỹ thuật của Katy thể hiện trong tranh. Một bé gái đang ngủ, con chó nép vào người em, các nhân vật trong bức vẽ tạo cảm giác gần như một bức ảnh chụp cận cảnh.

Đây là sáng tác của một nghệ sĩ thật sự làm chủ được tất cả các yếu tố trong nghề. Quá trình sáng tác của Katy có sự cân nhắc nhưng không quá tính toán. Cách miêu tả của họa sĩ đa dạng, mang tính tường thuật nhưng không tiểu tiết hay rối rắm khó hiểu.

Kể về quá trình sáng tác, Katy chia sẻ: “Trước đây tôi vẽ bằng bay vẽ đơn giản hơn, phóng khoáng và không mất nhiều giờ vì sự ngẫu nhiên của dụng cụ tự nó đã tạo ra nhiều hiệu quả cái đẹp vốn có.

Nhưng với cọ tôi dùng trong bộ tranh này thì đòi hỏi thời gian nhiều hơn. Nó đòi hỏi sự quan sát tinh tế màu sắc, sáng tối của mắt, sự khéo léo của bàn tay, trí năng phân tích học thuật và cảm xúc của trái tim.

Tất cả phải kết hợp đồng điệu, thống nhất với nhau mỗi ngày trong quá trình tạo nên bức tranh. Khó nhất là sự kiên nhẫn chờ đợi kết quả cuối cùng của bức vẽ, bởi tôi vẽ mà không làm phác thảo trước theo cơ bản học”.

Khi bày tỏ bản thân rất ngưỡng mộ các họa sĩ thời kỳ Phục Hưng của châu Âu, Katy bảo cô khá hài lòng khi nhận ra mình có chung “ngôn ngữ nghệ thuật” với họa sĩ vẽ minh họa vĩ đại người Mỹ vào thế kỷ 20 Norman Rockwell. Đã có sự so sánh trước đây và điều đó cũng đáng đặt câu hỏi.

Giống như Rockwell, tranh của Katy có thể được gọi là một hình thức “chủ nghĩa hiện thực hoài cổ” và thường phản ánh sự vui tươi, hài hước. Cô vừa có thể làm được điều đó, vừa tránh không bị sa vào sự sáo rỗng, uỷ mị.

Về mặt nghệ thuật, Katy nhận định bản thân luôn đam mê vẽ tranh mỗi ngày với “sự phấn khởi và hân hoan”.

Bởi vậy năm 2020, công chúng mộ điệu từng được ngắm những bức tranh thiên nhiên tươi vui của Katy. “Tôi cảm nhận được sự kết nối và tình yêu với rừng núi… trái tim tôi được xoa dịu và tìm được sự bình yên từ tiếng thì thầm của lá, cây, gió và nước”, họa sĩ Katy cho biết.

Trên tấm vải bạt, hình ảnh được tạo nên bằng vô số những đốm, mảng màu với các sắc thái khác nhau. Kỹ thuật này phân không gian thành nhiều lớp, góp phần tạo chiều sâu cho bức tranh, và nhờ đó mô phỏng được cảnh vật trong tự nhiên.

“Sức sống mộc nhiên” là tên bộ sưu tầm của Katy với 20 tác phẩm. Các tác phẩm đánh dấu bước chuyển mình của Katy sang dòng tranh phong cảnh. Đây là một ví dụ chân thực về nỗ lực thử nghiệm cái mới của người họa sĩ, góp phần mở rộng và phát triển mỹ thuật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ