Giấc mơ Việt Nam của họa sĩ Pháp gốc Việt

GD&TĐ - Sau hơn 50 năm xa quê hương, họa sĩ người Pháp gốc Việt là Vincent Monluc đã trở về Việt Nam. Trong 5 năm, ông hoàn thành 95 bức họa để giãi bày cảm xúc về giấc mơ Việt.

Vincent vẽ về một con phố ở Hà Nội.
Vincent vẽ về một con phố ở Hà Nội.

“Giấc mơ” cũng là tên một triển lãm mỹ thuật tại TPHCM mà Vincent Monluc tổ chức. Dù sắp khép lại, nhưng những tác phẩm vẽ trực họa của một người xa xứ đau đáu nghĩ về quê hương luôn gợi cho người xem cảm xúc khó tả.

Đau đáu nỗi nhớ Việt Nam

Vincent Monluc là một họa sĩ và nhà sản xuất phim người Pháp gốc Việt. Sinh tại Việt Nam vào năm 1952, 12 tuổi theo gia đình sang Pháp sinh sống và học tập. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bordeaux, ông trở thành giáo viên tại một trường trung học.

Vì niềm đam mê quá mãnh liệt với điện ảnh nên Vincent Monluc chuyển hướng sang sản xuất phim hoạt hình cho đài truyền hình Pháp và gắn bó với công việc này suốt 36 năm.

Năm 1983, Vincent Monluc là tác giả kiêm đạo diễn thực hiện bộ phim hoạt hình dài 13 phút mang tên Parfum De Nuit (Mùi hương của đêm). Bộ phim đoạt giải thưởng lớn của Ban giám khảo Liên hoan phim hoạt hình Pháp tại thành phố Marly-Le-Roi và giải Grand Prix du Public tại Liên hoan phim ngắn Belfort.

Dù dành phần lớn cuộc đời và sự nghiệp ở nước ngoài, Vincent vẫn luôn dành nhiều niềm yêu mến cho quê nhà và mong muốn được trở về để khám phá cội nguồn văn hóa, xã hội và con người của đất nước mà ông giữ sâu trong ký ức.

30 năm sau khi rời Việt Nam, vào năm 1994 Vincent có một quyết định quan trọng là trở về nước để thành lập một công ty chuyên về phim hoạt hình tên là Armada. Làm việc được một thời gian, công ty chuyển nhượng lại, ông qua Pháp tiếp tục công việc làm phim, nhưng từ đó những thương nhớ với quê hương luôn quay quắt, khiến ông luôn muốn trở về.

Sau khi về hưu, Vincent tiếp tục tìm niềm vui trong việc cầm cọ bằng cách chu du khắp nơi để vẽ tranh phong cảnh. Tuy nhiên, dù đặt chân đến bao nhiêu thành phố trên thế giới, trái tim của ông vẫn hướng về Việt Nam. Ông nói rằng, dù vẽ tranh ở Pháp, Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào nhưng nơi ông mơ về luôn là Việt Nam.

Từ năm 2016, Vincent về Việt Nam và rong ruổi trên khắp các vùng miền đất nước để thực hiện các tác phẩm ký họa và trực họa.

95 tác phẩm được Vincent chọn lựa ra mắt công chúng qua triển lãm “Giấc mơ” - được trở về Việt Nam, vẽ tranh về Việt Nam và cảm nhận tất cả những giai điệu sống đầy giản dị, thuần khiết trên khắp các phố phường, làng quê, bản mường.

Vincent nói rằng, chỉ khi xa quê hương người ta mới có cảm giác rất khó tả. Để rồi khi trở về nơi chôn nhau cắt rốn mới vỡ òa hạnh phúc. Đây là nơi mình sinh ra, lớn lên, là máu mủ và tình yêu lớn lao nhất. Hội họa giúp người con xa xứ hiểu quê hương ở nhiều góc độ thầm kín.

Qua những nét vẽ màu nước của Vincent, cuộc sống đời thường ở đâu đó trên dải đất hình chữ S hiện hữu đầy thân thương. Những quán hàng, những góc chợ quê, những chén trà sáng hay đơn giản chỉ là những cảnh vật thiên nhiên đầy sống động, như đang cựa quậy, đang “thở” và hằn in trong tâm trí người thưởng lãm.

Những tác phẩm của họa sĩ người Pháp gốc Việt thu hút công chúng.

Những tác phẩm của họa sĩ người Pháp gốc Việt thu hút công chúng.

Những nét vẽ “hồn Việt”

 “Với tôi, Việt Nam vừa gần gũi lại mới mẻ. Gần gũi vì đó là quê hương, mới mẻ vì tôi ở nước ngoài quá lâu. Khi gặp lại quê hương mình, điều gì với tôi cũng vô cùng thú vị. Tôi nhìn ngắm quê hương bằng cách vẽ”. Họa sĩ Vincent Monluc

Họa sĩ Hồ Hưng - Chủ nhiệm CLB Màu nước Sài Gòn là một trong những người đầu tiên đồng hành cùng họa sĩ Vincent khi ông trở về Việt Nam - chia sẻ: “Triển lãm có tên gọi là “Giấc mơ”, vì mấy chục năm qua anh luôn khát khao cháy bỏng được trở về quê hương để vẽ tranh, đến khi thực hiện được rồi anh vẫn còn nghĩ đó là giấc mơ”.

Tranh vẽ màu nước về Việt Nam không hiếm, nhưng tranh của Vincent hội tụ kỹ thuật chuyên môn và sự lý tính của một người nghệ sĩ được đào tạo tại phương Tây, nhưng cũng có thể thấy cách bắt cảnh, cách rung động trước sự thi vị dân dã vô cùng thuần Việt.

Họa sĩ Vincent nói rằng, lần đầu ông vẽ là ở bến đò Trần Xuân Soạn (Quận 7 – TPHCM) có cảnh sông nước, có người lao động từ các miền quê vận chuyển, bốc vác. Về sau, ông vẽ ngoài đường khá nhiều, từ Nam ra Bắc khám phá Việt Nam thông qua lăng kính hội họa.

“Điều tôi quan tâm nhất chính là con người. Cảnh chỉ là phông nền, là cái cớ để con người xuất hiện. Tôi rất thích vẽ người lao động trên đường phố, bản làng, vùng quê... Đó có thể là một cụ già bán hàng rong giữa trưa nắng chói chang, người đàn ông đạp xích lô, chạy xe chở giao hàng, em bé bán vé số, người phụ nữ mua bán ve chai, người mẹ vùng cao biên giới…”, họa sĩ Vincent tâm sự.

Con người Việt Nam hiền hậu luôn mang cho họa sĩ người Pháp gốc Việt nhiều cảm xúc. Và chỉ có Việt Nam mới có hình ảnh sinh động, tràn đầy hơi thở cuộc sống đến như thế. Đó là đời sống, là hồn Việt.

Một trong những bức tranh mang lại cho Vincent ấn tượng và cảm xúc khó tả nhất chính là vẽ về Côn Đảo. Ở đó, Vincent đã khắc họa lại những khung cảnh về một dinh thự từng thuộc về cai ngục người Pháp, bức thứ hai là kiến trúc bên ngoài của nhà tù Côn Đảo.

Vincent mường tượng đến khung cảnh ngày xưa như trước mắt, để rồi đưa ra câu hỏi đầy ám ảnh: Ban ngày, người cai ngục đàn áp các tù binh nhưng đêm xuống họ trở về trong căn biệt thự với gia đình. Họ làm những công việc không có thiện lương, và không biết có lúc nào – họ mảy may nghĩ đến những hành động man rợ của bản thân đối với đồng loại đang bị gông cùm?

“Giấc mơ” không chỉ có những cảnh đẹp, mà còn có cả ác mộng. Một người xa xứ hơn 50 năm dù yêu mến quê hương, cũng không thể không giật mình trước hiện thực. Để rồi, ông chuyển tải tất cả tâm tư, cảm xúc bằng những nét cọ màu nước về một Việt Nam tươi đẹp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...