(GD&TĐ) - Một triển lãm cá nhân hoành tráng vừa diễn ra ở Hội Mỹ thuật TP.HCM (218A, Pasteur, Q.1). Tác giả là họa sĩ người Việt gốc Hoa, Lư Tòng Đạo, sau 12 năm định cư tại Hoa Kỳ, trở về “quê nhà” với những tác phẩm tranh thủy mặc làm mãn nhãn khán giả bởi những xúc cảm ân tình hướng về cội nguồn cuộc sống và tâm hồn Việt. Bên cạnh những tìm tòi đột phá về nghệ thuật, các tác phẩm của họa sĩ Lư Tòng Đạo đã tạo nên ấn tượng sâu đậm nơi người xem với tinh thần trọng nghệ, trọng tình…
Tự mình làm cả cuộc chia ly
Lư Tòng Đạo từng được tôn vinh là một trong “Tứ đại thiên vương” của dòng tranh thủy mặc thuộc “Lĩnh nam phái” (cùng với Lý Tùng Niên, Trương Hán Minh và Lý Khắc Nhu). Đây là một trong số ít họa phái phát triển rất mạnh tại Chợ Lớn từ trước giải phóng, do cố họa sĩ Lương Thiếu Hàng truyền thụ. Song những năm tháng sau chiến tranh, hoàn cảnh cuộc sống khó khăn, bút giấy mực màu thiếu thốn khiến nhiều hoạt động, trong đó có nghệ thuật vẽ thủy mặc, hầu như không có đất để phát triển.
Lư Tòng Đạo không phải ngoại lệ trong số đó. Một mặt phải lo tồn tại, mặt khác, chàng họa sĩ nghèo đã dành dụm tiền và sắp xếp thời gian, tới 1988, anh tự mình làm một chuyến đi thực tế xuyên Việt từ Nam ra Bắc, vừa đi vừa tìm hiểu đời sống, cảm nhận những sắc thái phong cảnh, vừa ký họa. Những ngày dừng chân tại Huế, Hà Nội rồi Hạ Long… để lại rất nhiều cảm xúc, ấn tượng, suy tư về đất nước, con người với sắc màu văn hóa Việt. Kết quả sau chuyến đi xuyên Việt trở về, Lư Tòng Đạo có được hơn bốn mươi tác phẩm tranh thủy mặc. Họa sĩ cho biết: “Lúc đó, tôi mới suy nghĩ nên làm một cuộc triển lãm. Anh Lý Khắc Nhu phấn khởi và khích lệ tôi… Như vậy, khởi nguồn cho dòng sáng tác tranh thủy mặc của tôi là từ 1988 - sau chuyến đi rồi triển lãm ‘lịch sử’ ấy”.
Họa sĩ Lư Tòng Đạo bên cạnh tác phẩm |
Tuy nhiên, ý định chưa thành hiện thực thì Lư Tòng Đạo phải cùng gia đình lo thủ tục sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện bảo lãnh. Thế là ôm cả “khối tình con” (chữ dùng của Tản Đà) gồm lô tác phẩm dọc đường nước Việt, Lư Tòng Đạo lo làm quen với cuộc sống, yêu cầu của môi trường mới. Và tất nhiên, phải lo kế sinh nhai trước tiên tại một xứ sở giá cả quá cao, con người rất năng động và sòng phẳng. Tuy vậy, nung nấu sâu thẳm trong lòng anh vẫn là những xúc cảm cội nguồn hướng chân trời nước Việt, những hẻm phố, con đường thân thuộc với biết bao kỷ niệm thuở thiếu thời…
Một trong những bức tranh xúc động mang tên Tụ về, vẽ những bông hoa hướng dương lớn có bầy ong đông nghịt. Phải chăng, giữa cảnh tha hương, càng thấy nhớ, thấy thương, càng mong có một ngày trở lại quê nhà sum tụ?! Tác giả cho biết: “Những năm 1970-1980, người ta hay bày bán hoa tết bên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Nhìn những đóa hướng dương, tôi rất ngạc nhiên, thích thú vì sắc vàng đẹp và lớn của mỗi bông hoa… Phải có những rung động thực sự sâu sắc trong cuộc sống, từ đó mới có những sáng tác nghệ thuật thực sự”.
Và những bức tranh vẫn hằng ấp ủ, những nỗi lòng cố hương vẫn cháy lên trên giá vẽ mỗi khi có dịp. Thật xúc động khi hình dung một con người lặng thầm tại nước Mỹ xa xôi, miệt mài dốc sức hoàn thành bức tranh về Hồ Gươm - Hà Nội (Hoàn Kiếm hồ) – tác phẩm gói trọn nỗi nhớ quê nhà và lòng trân quý đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Lư Tòng Đạo mong có một ngày, mang được bức tranh “khồng lồ” với kích thước 6x3 mét này về Việt Nam triển lãm.
Đột phá sáng tạo từ một tấm lòng
Trong quá trình sáng tác sau chuyến đi xuyên Việt 1988, Lư Tòng Đạo đã nhiều lúc muốn “nhảy ra” khỏi những gò bó khuôn thước của thủy mặc truyền thống. Anh suy nghĩ rất lâu nên bắt đầu từ đâu, “nhảy ra” như thế nào, làm thế nào để tác phẩm của mình không bị nhòe lẫn với của những người khác?, v.v… Cuối cùng, anh rút ra một điều đoan chắc: đó là “phải sáng tác từ những gắn bó trong cuộc sống hằng ngày của chính mình! Thủy mặc của mình phải vẽ làm sao cho thật sống động những phong cảnh đất nước, con người Việt Nam - những gì để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng mình…”.
Hoa sen xanh trong Khiết hương (trích đoạn) |
Sau 23 năm sống và trải nghiệm - trong đó có 12 năm gần nhất sống tại Hoa Kỳ, thêm những chuyến chu du, tham cứu nghệ thuật nhiều nước khác, nhưng cho tới nay, Lư Tòng Đạo cho biết ông vẫn giữ nguyên tâm niệm nghệ thuật mà bản thân đã rút ra năm nào, sau chuyến đi xuyên Việt. Đắm mình trong phút suy tư, họa sĩ Lư Tòng Đạo tiếp tục mạch tâm tình: “Thủy mặc có nhiều dòng phái từ xưa tới nay, từ Trung Quốc lan truyền sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… Ở mỗi nước, mỗi vùng, đều có những dòng phái, sắc thái khác nhau. Ở Việt Nam ta cũng có những dòng phái tranh thủy mặc phát triển mạnh từ khá lâu - khoảng thập niên 40 thế kỷ trước, cả ở miền Bắc, suốt vô miền Trung và Nam.
Tôi ao ước làm sao vẽ được những tác phẩm thủy mặc đặc sắc của Việt Nam. Thật khó diễn đạt bằng lời, song ít nhất, tôi cũng đã ‘vỡ ra’ được một điều rằng thuỷ mặc ẩn tàng và chất chứa ‘cái hồn’ bên trong của nó. Cái hồn ấy chính từ tấm lòng con người gắn bó với cuộc đời… rồi thông qua đường nét, hình dạng, mực và sắc màu mà hiển hiện ra, tạo nên một cái ‘chất’ của tác phẩm hội họa thuỷ mặc, cái người ta vẫn gọi là magie”.
Lư Tòng Đạo hoan hỷ bật mí về những tâm đắc nghệ thuật của mình: “Phép dụng mực có ‘tích mặc’ (chồng chất các lớp với nhau) và ‘tác mặc’ (đi mảng rộng để chấm phá). Thuỷ mặc truyền thống thường để trống những khoảng trắng, nay tôi cũng như một số người không thoả mãn khoảng trắng đó, nên phải dùng ‘tích mặc’ để thay vào những chỗ trống đó...”. Vâng, đây thực sự là một trong những cách tân đặc sắc trong việc hiện đại hoá hội hoạ thuỷ mặc.
Những khoảng trống trong tranh Lư Tòng Đạo hầu hết được lấp đầy bởi cách “tích mặc”, chồng chất các lớp màu và nét rất công phu, tinh tế, tạo hiệu ứng không gian, chất liệu tượng trưng hình khối như cách dùng mảng điểm sắc, tạo chất gốm của bình bông (trong Tĩnh vật), khắc phục khuyết điểm cố hữu của thủy mặc là tính phẳng dẹp, trơ trụi. Chính nhờ dùng tích mặc tạo chất với nhiều sắc độ màu, nét trên tranh, phối hợp vận hành, cuối cùng tụ lại gam màu vàng chủ đạo mà trong Tĩnh vật, Tụ về cũng như nhiều tác phẩm khác của Lư Tòng Đạo, dường có một “dòng khí lưu chuyển bên trong” (Tĩnh trung cầu động). Có thể nói, đó chính là một trong những bí quyết khiến tác phẩm mang được sức sống sinh động, tươi tắn.
Lư Tòng Đạo chân thành bộc bạch: “Ao ước bao năm nay của tôi là làm sao trong tương lai, hình thành được dòng tranh thuỷ mặc của Việt Nam, đặc sắc, không nhoè lẫn với tranh thuỷ mặc các nước khác. Đồng thời, sao cho cộng đồng các dân tộc khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể thưởng lãm, phẩm bình, sử dụng, thậm chí tham gia sáng tác được nhiều tác phẩm thuỷ mặc, thể hiện nét đẹp đời sống cùng tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng dân tộc mình”.
Hoa hướng dương với bầy ong trong tác phẩm Tụ về (trích đoạn) |
Nghề chơi cũng lắm công phu
Năm 1999, Lư Tòng Đạo cùng gia đình sang Philadelphia, rồi về California sinh sống. “12 năm đủ lắng dịu lại bản thân - hoạ sĩ tâm sự. Tôi tiếp tục tìm hướng đi mới cho mình bằng cách lao vào công việc. Nhân gia đình tương đối ổn định, tôi sắp xếp một tháng về lại quê nhà, đúng dịp được mời dự Đại hội Hội Mỹ thuật TP.HCM, được kết nạp làm Hội viên danh dự của Hội Mỹ thuật thành phố, gặp gỡ, trao đổi với anh em ở CLB Mỹ thuật quận 5, thật phấn khởi. Trở về Mỹ, tôi bắt tay vào vẽ loạt tác phẩm mới và hoàn thành những bức tranh còn dang dở 5 năm qua, quyết chí làm một cuộc triển lãm tại TP.HCM. Cuộc triển lãm này trưng bày hơn 60 bức tranh - là kết quả của 5 năm trời tìm tòi, sáng tạo”… Thấy nhiều bức tranh khổ lớn và vuông vức như tranh sơn dầu, tôi hỏi: “Hoạ sĩ đem tranh về Việt Nam bồi hay bồi bên Mỹ?”. “Không, tôi phải sang Trung Quốc để bồi tại Thượng Hải. Hơn ba chục bức như thế - do khổ tranh quá to, tôi đặt mua khổ giấy lớn trực tiếp từ Trung Quốc, về Mỹ vẽ; vẽ xong lại mang sang Trung Quốc để bồi - bởi điều kiện, phương tiện ở Việt Nam còn thiếu thốn, hạn chế, nên khổ tranh lớn như thế khó bồi, sợ ảnh hưởng tới chất lượng tranh… Sáng tác ra được một tác phẩm đã khó, bảo vệ và lưu giữ nó sao cho đảm bảo lại càng khó hơn. Mình phải có trách nhiệm với tác phẩm, nên cũng cố gắng cho nó hoàn thiện hơn”… Tôi hình dung ra các công đoạn, thủ tục khá nhiêu khê, chưa kể chi phí rất tốn kém, của một người vẽ tranh ở Mỹ, bồi tranh ở Trung Quốc rồi mới chuyển về triển lãm ở Việt Nam… đủ thấy được mồ hôi, công sức và tâm huyết của họa sĩ Lư Tòng Đạo trong “cuộc chơi” hết mình vì nghệ thuật này. Nhìn những bức tranh có hành trình sáng tạo và lên khung kỳ công đến như vậy, tôi chợt nhớ câu Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du: “Nghề chơi cũng lắm công phu”!
Quả Lư Tòng Đạo thuộc týp nghệ sĩ có lý tưởng nghệ thuật, sẵn lòng dâng hiến vì nghệ thuật. Và triển lãm lần này của ông thật là một cuộc triển lãm trọng nghệ, trọng tình. Hy vọng trong thời gian tới, Lư Tòng Đạo có thêm những cuộc triển lãm hoành tráng nữa tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, tại Hà Nội, Huế cũng như nhiều nơi khác, để khán giả trong nước có thêm dịp thưởng thức, giao lưu với Lư Tòng Đạo và tác phẩm của ông.
“Ao ước bao năm nay của tôi là làm sao trong tương lai, hình thành được dòng tranh thuỷ mặc của Việt Nam, đặc sắc, không nhoè lẫn với tranh thuỷ mặc các nước khác. Đồng thời, sao cho cộng đồng các dân tộc khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam đều có thể thưởng lãm, phẩm bình, sử dụng, thậm chí tham gia sáng tác được nhiều tác phẩm thuỷ mặc, thể hiện nét đẹp đời sống cùng tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng dân tộc mình” - Lư Tòng Đạo |
Túy Mặc