Họa sĩ khước từ bảo tàng làng

Họa sĩ khước từ bảo tàng làng

(GD&TĐ) - Được xây dựng nhằm bảo tồn truyền thống hội họa của quê hương, song Bảo tàng mỹ thuật làng Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) dường như đang bị lãng quên. Trong khi đó, bảo tàng gia đình của các họa sĩ trong làng lại phát huy tốt những mục đích này.

Họa sĩ Nguyễn Ngọc Kũi
Họa sĩ Nguyễn Ngọc Kũi

Bảo tàng làng bị… ngó lơ!

Cổ Đô là vùng đất sinh ra hàng chục họa sĩ, trong đó có những tên tuổi nổi tiếng cả trong và ngoài nước, góp công lớn cho nền mĩ thuật Việt Nam như Sỹ Tốt, Trần Hòa, Giang Thiết, Sao Mai, La Vuông, Quang Trung… Dự án bảo tàng mĩ thuật làng Cổ Đô do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Đào Xuân Học đề xướng. Nhận thấy trên thế giới có phố họa sĩ độc nhất vô nhị Pont Aven (Pháp), ông Học ấp ủ ý tưởng gây dựng Cổ Đô thành làng họa sĩ của Việt Nam, với dự án bảo tàng mĩ thuật làng. Bảo tàng nhằm lưu giữ những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng  của các họa sĩ Cổ Đô, mở lớp vẽ miễn phí cho thương binh, người khuyết tật và những người yêu thích hội họa trong làng.

Năm 2008, Nhà nước đã cấp 420 triệu để thực hiện dự án trên. Cuối năm 2010, bảo tàng được bàn giao cho địa phương. Sau khoảng 6 tháng hoạt động, nơi đây hầu như “đắp chiếu” để đấy. Ngoại trừ vào vụ mùa, người dân địa phương tận dụng sân bảo tàng để phơi thóc ngô, rơm rạ hay bày bán quất, đào trong dịp tết, còn những thời điểm khác, bảo tàng thường xuyên đóng cổng.

Bảo tàng hiện chỉ treo một số tranh của các học viên trong làng, song theo các họa sĩ trong làng, đó “toàn là những tranh sao chép trên mạng”. Bảo tàng mỹ thuật làng “gọi là điểm treo tranh thương mại còn tạm được”, ông Nguyễn Ngọc Kũi, hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội nhận xét.

Trao đổi về thực trạng trên, ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch xã Cổ Đô bác bỏ ý kiến của người dân và các họa sĩ: “Tranh của các học viên vẫn được trưng bày ở đó. Vẫn có 4 lớp dạy vẽ cho thương binh, con em khuyết tật do thầy Việt đảm nhận. Như thế tức là bảo tàng vẫn hoạt động”.

Đúng là dự án gồm bốn lớp học với số lượng 40 – 50 học viên/lớp. Mỗi học viên được trợ cấp 450 nghìn/khóa học, được tài trợ mọi dụng cụ vẽ và được hưởng 100% số tiền bán tranh. Song theo thực tế chúng tôi ghi nhận được, tổng số người học chưa đầy 60. Học viên “trụ” lâu nhất cũng chỉ học được 19 buổi. Số tiền trợ cấp mà người học nhận được là 15 nghìn/buổi.

Học viên cũng chỉ được nhận 25% số tiền bán tranh của mình. Sau khi về xem xét tình hình, thấy hoạt động dạy nghề ở bảo tàng không hiệu quả, Nhà nước đã cho ngừng dự án vào tháng 4/2011.

Họa sĩ Trần Hòa, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng bày tỏ: “Một phòng treo tranh nó phải khác một cái kho, nó phải khác một cái nhà thông thường. Nhưng cho đến nay nó lại là một cái kho, bởi người xây dựng  không biết gì về đặc thù hội họa. Nhà xây xong cũng không có tranh để trưng bày”.

Tồn tại nghịch lí

Bảo tàng mỹ thuật là nơi trưng bày những tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật, nhưng thật trớ trêu, Bảo tàng ở  Cổ Đô sau khi hoàn thành, các họa sĩ trong làng đều từ chối treo tranh. Họ đánh giá cao ý tưởng xây dựng bảo tàng làng. Song theo họ, đâu phải cứ có nơi trưng bày là giá trị văn hóa được bảo tồn, nhất là khi bản thân chính quyền thờ ơ với truyền thống hội họa của quê hương, thiếu trân trọng những người sáng tạo văn hóa. Khi chúng tôi vừa ngỏ ý hỏi chuyện về Bảo tàng, vợ họa sĩ Trần Hòa lắc đầu bức bối: “Bảo tàng là do xã tự động quyết định xây với nhau chứ các họa sĩ ở đây không biết gì hết”. Họa sĩ Trần Hòa trầm ngâm cười buồn: “Tôi không biết gì cả, không ai mời tôi cả. Vậy tại sao tôi lại vác tranh ra đó  bày để thành vô lí”. Ông cũng như nhiều họa sĩ khác trong làng, chưa từng một lần đặt chân tới Bảo tàng. Họa sĩ Nguyễn Ngọc Kũi cũng cho biết, duy nhất có lần khánh thành Bảo tàng, xã cử người vào nhà ông… mượn tranh để nghiệm thu công trình. Đó cũng là lần duy nhất ông ra Bảo tàng, kiểm tra tranh của mình. Các bức tranh trưng bày tại Bảo tàng cần có sự thẩm định kỹ càng của giới chuyên môn. Song theo các họa sĩ, địa phương thờ ơ  vấn đề này khiến nhiều người tâm huyết cũng không muốn quan tâm. 

“Chúng tôi nói ra cũng rất xót xa. Đáng lẽ một làng có nhiều họa sĩ tên tuổi  thì cần có một bảo tàng. Nhưng bảo tàng làng có tranh của họa sĩ đâu, có tác phẩm nghệ thuật đâu!”, ông Nguyễn Ngọc Kũi, một họa sĩ Cổ Đô chia sẻ.

Cách quản lí Bảo tàng cũng khiến các họa sĩ e ngại. Anh Nguyễn Văn Nhất, cháu nội của cố họa sĩ Sỹ Tốt,  cho biết không an tâm khi mang tranh của ông nội trao cho người không am hiểu hội họa trông nom. Đó là chưa kể những rủi ro khi gửi tranh ở Bảo tàng làng như việc sao chép, đánh mất các tác phẩm.  “Nếu đưa tranh ông ra bảo tàng chung thì hay, nhưng Bảo tàng làng nhiều vấn đề quá tôi không thích, mà các họa sĩ trong làng cũng không ai muốn treo tranh ở đó”, anh nói.

Ông Nguyễn Trung Thành, Chủ tịch xã Cổ Đô cho biết, việc các họa sĩ từ chối Bảo tàng làng cũng là điều bình thường. Ông Thành cho rằng ngoài việc thuê bảo vệ trông coi, khó có biện pháp nào đảm bảo tin cậy cho các họa sĩ, “nhiều bức tranh vô giá, mất mát, thất thoát là không tránh được. Địa phương cũng không có tiền để thắt chặt an ninh”. Vì vậy, Bảo tàng mỹ thuật làng hiện vẫn chịu cảnh “sống chết mặc bay”.

Khước từ Bảo tàng làng, các họa sĩ Cổ Đô dựng lên các Bảo tàng gia đình, phòng tranh của riêng mình. Bảo tàng  “Sỹ Tốt và gia đình” hiện bày trang trọng hàng trăm bức tranh của cố họa sĩ Sỹ Tốt, trong đó có nhiều bức làm rạng danh nền hội họa Việt Nam như “Tiếng đàn bầu”, “Du kích hồ Ba Bể”, “Em nào cũng được học cả”… Có một thực tế, khách tới  làng họa sĩ Cổ Đô thường ghé thăm bảo tàng Sỹ Tốt, phòng tranh Trần Hòa, Nguyễn Ngọc Kũi,… và ngó lơ với Bảo tàng mỹ thuật của làng.

Câu chuyện một Bảo tàng bị lãng quên đặt ra cho chúng ta câu hỏi về cách giữ gìn giá trị văn hóa sao cho hợp lí. Không phải Bảo tàng, mà chính trái tim, nhận thức của con người mới là nơi lưu giữ lâu bền nhất những giá trị ấy.

Quỳnh Vũ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.