Ngộ độc vì ăn hoa loa kèn
Một vụ việc điển hình nhất vào tháng 10/10/2013 tại Lâm Đồng đã xảy ra trường hợp 4 người phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do ăn canh từ hoa loa kèn.
Bốn bệnh nhân trên đến từ tịnh xá Kỳ Quang, xã Hiệp An, H.Đức Trọng (Lâm Đồng). Theo lời một bệnh nhân, để chuẩn bị bữa trưa nên đã hái hoa loa kèn màu vàng trồng trước tịnh xá để ăn với lẩu chay. Hoa có vị đắng hơn khổ qua. Sau khi ăn khoảng 10 phút, thấy chóng mặt, xây xẩm mặt mày, bước đi không nổi nên đã phải nhập viện cấp cứu.
Cây hoa loa kèn vàng được trồng nhiều ở Đà Lạt. Ảnh minh họa
Cũng tại Lâm Đồng, vào năm 2011, bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng cũng tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng mê sảng, xuất hiện ảo giác mạnh, không kiểm soát được hành vi. Sau khi được cấp cứu, người này cho biết do thấy hoa loa kèn mọc trong rẫy đẹp nên đã… ngửi thử xem có mùi thơm hay không.
Tương tự, ngày 13/5/2016, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận hai vợ chồng là bà Trần Thị Mai (63 tuổi) và chồng Nguyễn Văn Soan (67 tuổi) trong trạng thái đau đầu, nôn mửa, nói nhảm, không tự chủ. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận người bệnh bị nhiễm độc tố Scopolamine do ăn hoa loa kèn (hoa chuông) có độc. Hai bệnh nhân được cấp cứu rửa dạ dày.
Người nhà cho biết, bà Mai được hàng xóm mách hoa loa kèn được cho là quý, ăn lành tính và mát, sẵn vườn nhà có trồng nên bà hái khoảng 10 bông để nấu canh. Ăn xong khoảng 30 phút, vợ chồng bà bắt đầu đau đầu và buồn nôn như người say rượu, phải đi cấp cứu.
Hoa loa kèn Đà Lạt vì sao lại độc?
Liên quan tới vụ việc trên, những nhà nghiên cứu về cây thuốc Việt Nam cho rằng cây hoa loa kèn ở Đà Lạt mang nhiều độc tính gây ảo giác, thành phần có thể chiết xuất điều chế thuốc.
Hoa loa kèn Đà Lạt có nhiều loại nhưng độc và nguy hiểm nên hạn chế trồng. Ảnh: VnExpress
Dược sĩ Phan Minh Hiển, Đại học Y Dược TP HCM từng thực hiện một công trình nghiên cứu để tìm hiểu về thành phần hóa học của hoa loa kèn. Loại hoa được chọn điển hình là loa kèn màu vàng tại Đà Lạt có tên khoa học là Brugmansia aurea Lagerh. Kết quả phân tích, chiết xuất cho thấy trong hoa loa kèn có chứa chất gây ảo giác Scopolamine. Chỉ cần uống một giọt độc dược chiết xuất từ chất Scopolamine của hoa loa kèn, nạn nhân có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời.
Tiến sĩ Võ Văn Năm, Phó trưởng Bộ môn Dược Liệu, Đại học Y Dược TP HCM cho biết, hoa loa kèn độc có nhiều màu sắc khác nhau: Đỏ, cam, vàng, trắng. Loại cây này được sử dụng để bào chế các loại thuốc có tác dụng giảm đau, chống say tàu xe, tiền mê, trị hen suyễn... Nó được xếp vào bảng có độc tính cao nên chỉ được dùng để bào chế thuốc với một lượng rất nhỏ, tính bằng miligram.