Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn tại Quảng Trị

GD&TĐ - Ngày 9/9, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn nút hủy nổ bom mìn tại Quảng Trị.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhấn nút hủy nổ bom mìn tại Quảng Trị.

Đại sứ Bonnie Denise Jenkins - Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đoàn công tác đã gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị.

Tại buổi làm việc, ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thông tin một số kết quả hợp tác giữa tỉnh Quảng Trị và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Quảng Trị là địa phương bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất toàn quốc, tỉ lệ 81,36% diện tích. Từ năm 1996-7/2022, tỉnh Quảng Trị đã vận động được tổng giá trị viện trợ trên 146,4 triệu USD từ các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Từ năm 1996 đến nay, Chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ tỉnh Quảng Trị thông qua các tổ chức phi chính phủ nước ngoài triển khai các chương trình, dự án trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật xây dựng trường học, trạm y tế, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai,… Trong đó, ngân sách cho các chương trình, dự án trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn ước tính khoảng 91,1 triệu USD.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thăm hiện trường xử lý bom mìn.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thăm hiện trường xử lý bom mìn.

Các dự án lớn trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh hiện đang triển khai như: Liên lạc cộng đồng và rà phá vật liệu chưa nổ tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2021 - 2025; Phục hồi môi trường và khắc phục hậu quả chiến tranh (RENEW) - Chương trình khảo sát và rà phá bom, mìn tại tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018 - 2022; Rà tìm và xử lý bom mìn, vật nổ nhằm giảm thiểu các mối nguy hiểm và hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025; phát triển năng lực cho Trung tâm Hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị QTMAC giai đoạn 2022 - 2025…

Thứ trưởng Hoa Kỳ nói sẽ tiếp tục hỗ trợ Quảng Trị khắc phục hậu quả bom mìn.
Thứ trưởng Hoa Kỳ nói sẽ tiếp tục hỗ trợ Quảng Trị khắc phục hậu quả bom mìn.

Ông Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Tỉnh Quảng Trị là địa phương đón tiếp nhiều tổ chức phi chính phủ triển khai các hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục hậu quả bom mìn. Đến nay, các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn đã mang lại hiệu quả tốt, giải phóng nhiều diện tích đất sạch để người dân yên tâm sinh sống và sản xuất, tỷ lệ tai nạn bom mìn giảm mạnh qua các năm. Tỉnh Quảng Trị đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ an toàn về bom mìn.

Nhân viên các dự án tiến hành rà phá bom mìn.
Nhân viên các dự án tiến hành rà phá bom mìn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị mong muốn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục tài trợ các dự án khắc phục hậu quả bom mìn, thông qua các tổ chức phi chính phủ như: MAG, NPA, PTVN, Golden West, CRS... Bên cạnh đó, hỗ trợ tỉnh Quảng Trị nâng cao năng lực điều phối công tác bom mìn.

Thứ trưởng Bonnie Denise Jenkins ghi nhận, đánh giá cao những kết quả tỉnh Quảng Trị đã và đang làm được trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với địa phương trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn trong tương lai.

Trong chương trình, Đại sứ Bonnie Denise Jenkins cùng đoàn công tác đã đến thăm hiện trường xử lý bom mìn tại xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong; thăm Văn phòng tổ chức Peace Trees Vietnam/Hoa Kỳ và trồng cây lưu niệm; làm việc tại Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.