“Hỏa Diệm Sơn” vùng Vịnh

Đến cuối thế kỷ này, nhiều khu vực ở vùng Vịnh có thể hứng chịu những đợt nắng nóng và ẩm ướt dữ dội, đến mức chỉ cần ở ngoài trời vài giờ cũng đủ nguy hiểm đến tính mạng.

“Hỏa Diệm Sơn” vùng Vịnh

Thông tin trên do nhóm nghiên cứu của nhà khoa học Jeremy S. Pal (Trường ĐH Mỹ Loyola Marymount) và Elfatih Eltahir (Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ) công bố trên tạp chí Biến đổi khí hậu tự nhiên (Nature Climate Change) hôm 26-10. 

Dựa trên xu hướng nóng lên toàn cầu, nhóm nghiên cứu dùng máy tính để phác thảo các kịch bản thời tiết cực đoan trong tương lai. Họ cho rằng chính tác động của con người vào biến đổi khí hậu khiến một số khu vực dân cư gần các vùng biển ấm ở Trung Đông trở thành những nơi đầu tiên nếm mùi nhiệt độ quá sức chịu đựng của con người - được tạo ra bởi cái nóng kết hợp độ ẩm cao.

Người Hồi giáo trên khắp thế giới đổ về thánh địa Mecca trong lễ hành hương Hajj hồi tháng 9 năm nay Ảnh: REUTERS
Người Hồi giáo trên khắp thế giới đổ về thánh địa Mecca trong lễ hành hương Hajj hồi tháng 9 năm nay Ảnh: REUTERS

Tại những nơi này, cái nóng ngột ngạt của mùa hè có thể hạ đo ván sức chịu đựng của con người, nhất là những người không có máy điều hòa không khí, người lao động ngoài trời như nông dân, công nhân xây dựng… Hai nhà khoa học lấy Kuwait City, thủ đô của Kuwait, làm ví dụ. 

Nhiệt độ mùa hè ở đây nhiều khả năng lên tới 60 độ C - mức nhiệt độ khiến cơ thể không duy trì được thân nhiệt bình thường, nhất là người già. Cơ thể con người có thể thích ứng với cái “nóng khô” bằng việc tiết mồ hôi nhưng sẽ gặp nguy hiểm khi tình trạng “nóng ẩm” vượt hơn 35 độ C. 

Chuyên gia Jeremy S. Pal nói với báo giới: “Khi nhiệt độ và độ ẩm tăng cao đến một mức nhất định, cơ thể không còn khả năng tự làm mát và bắt đầu “sôi” lên”. Ở ngoài trời vào ban ngày trong điều kiện như thế, con người chỉ chịu đựng được tối đa 6 giờ trước khi cơ thể tự ngưng hoạt động. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cảnh báo cuộc hành hương đến TP Mecca hằng năm của người Hồi giáo gần như không thể thực hiện vào năm 2100 vì rơi vào cao điểm mùa hè, gây nguy hiểm cho tính mạng con người.

Các nghiên cứu trước đây cho rằng điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vậy phải chừng 200 năm nữa mới xảy ra. Tuy nhiên, nghiên cứu mới kể trên lại đưa ra dự báo với khoảng thời gian cận hơn. Sau khi tham khảo báo cáo mới, nhà nghiên cứu Steven Sherwood - người cho rằng nhiệt độ sẽ tăng lên ít nhất 7 độ C đến năm 2300 - giữ nguyên dự báo đưa ra năm 2010: Con người không thể sinh sống ở nhiều thành phố ven biển của vùng Vịnh nếu thiếu máy điều hòa nhiệt độ vào cuối thế kỷ này. Dù vậy, nhóm tác giả Jeremy S. Pal và Elfatih Eltahir kết luận có thể ngăn chặn thảm họa nếu các quốc gia giảm lượng khí thải nhà kính.

Theo Người Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ