Đi qua đau thương chiến tranh, “tọa độ lửa” nay đã hồi sinh, vươn mình phát triển mạnh mẽ. Trẻ em được đến trường học chữ trong niềm hạnh phúc, yên bình và Khe Sanh đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, khách du lịch.
Đất hồi sinh, kinh tế phát triển
Trong nhiều lần gặp gỡ, ông Hồ Văn Vinh, Phó Bí thư, Chủ tịch HĐND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) thường tự hào khoe so với trước đây, Hướng Hóa bây giờ đã phát triển mạnh mẽ, như một cuộc “lột xác”, trở thành điểm đến quan trọng của các nhà đầu tư.
Kinh tế địa phương đã có sự phát triển đa dạng hơn, gồm nông - lâm nghiệp, công nghiệp - xây dựng, thương mại, lẫn dịch vụ, du lịch.
Là người sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, ông Hồ Văn Vinh chứng kiến từng bước “chuyển mình” sắc nét của quê hương, cùng biết bao sự đổi thay trong cuộc sống của nhân dân.
Hơn 55 năm trước, Khe Sanh - Hướng Hóa là chiến trường khói lửa, nơi đối phương tập trung xây dựng cụm cứ điểm mạnh, bất khả chiến bại, ngăn sự chi viện của ta vào chiến trường miền Nam.
Ngày 9/7/1968, lá cờ chiến thắng của quân giải phóng tung bay trên sân bay quân sự Tà Cơn, đánh dấu mốc thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, giải phóng huyện Hướng Hóa, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.
Chiến thắng ở Đường 9 - Khe Sanh đã phá vỡ một phần tuyến phòng thủ mạnh của lực lượng bên kia chiến tuyến, giải phóng một địa bàn có vị trí quan trọng; đồng thời, đưa Hướng Hóa (Quảng Trị) trở thành huyện đầu tiên của chiến trường miền Nam hoàn toàn được giải phóng.
Hòa bình lập lại, vượt lên những đau thương của chiến tranh, Hướng Hóa đang đổi thay từng ngày, với nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Đường 9 một thời “hoa lửa”, giờ đây được đầu tư nâng cấp, mở rộng đã trở thành con đường của hội nhập, phát triển trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây.
Dọc tuyến Đường 9 qua huyện Hướng Hóa đã hình thành hai đô thị sầm uất, gồm Khe Sanh và Lao Bảo - đô thị gần biên giới Việt - Lào.
Trong đó, hạ tầng đô thị Khe Sanh - thủ phủ của huyện Hướng Hóa ngày càng khang trang, hiện đại với lớp lớp nhà tầng cao vút.
Khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị được đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển nguồn năng lượng tái tạo.
Do đó, những năm gần đây, huyện Hướng Hóa thu hút rất nhiều doanh nghiệp đầu tư điện gió. Vị trí này có lợi thế địa hình núi rừng đa dạng, có dư địa và thế mạnh để phát triển các dự án năng lượng, nhất là thủy điện, điện gió.
Đến nay, địa phương có hơn 30 dự án điện gió được phê duyệt quy hoạch, đã và đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất hơn 1.177MW.
Trong đó, có 19 dự án có công suất phát điện thương mại hơn 671MW đã hoàn thành, đưa vào vận hành.
Theo tính toán, khi tất cả 31 dự án điện gió đi vào hoạt động, hằng năm Quảng Trị thu ngân sách thêm được gần 600 tỷ đồng.
Cánh đồng điện gió Hướng Hóa cũng trở thành điểm tham quan hấp dẫn. |
Những chiến địa ác liệt năm xưa, như Khe Sanh, Tà Cơn, Lao Bảo, Làng Vây... giờ trở thành những địa chỉ đầu tư phát triển kinh tế hấp dẫn. Hướng Hóa - Khe Sanh ngày nay được mọi người nhắc đến là phố núi trên vùng giáp biên giới Việt - Lào, là “tiểu Đà Lạt” với khí hậu cảnh quan tuyệt đẹp như thác Tà Puồng, Chênh Vênh, động Brai. Hệ thống di tích chiến thắng Khe Sanh đã trở thành nơi thu hút hàng chục nghìn du khách mỗi năm.
Xung quanh khu vực di tích sân bay Tà Cơn, nhiều điểm du lịch mọc lên, trở thành nơi đến tham quan, ngắm cảnh của đông đảo người dân. Đặc biệt, du khách cũng được trải nghiệm những cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng như rừng nguyên sinh, thác nước, hang động, có thể ngắm cảnh dưới những cánh đồng điện gió...
Nắm bắt nhu cầu của giới trẻ, chị Đinh Thị Thảo (trú ở khối 1, thị trấn Khe Sanh) đã xây dựng nên một nông trang gần sân bay Tà Cơn với những vườn hoa tuyệt đẹp, nở rộ theo mùa để phục vụ du khách đến dã ngoại, ngắm cảnh. Đây là điểm đến của khách thập phương vào những ngày cuối tuần, nghỉ Tết để chụp ảnh, ngắm hoa và thưởng thức ẩm thực từ sản vật cây nhà lá vườn.
Cách đó không xa, mô hình khu du lịch nông trại khác mang tên Khe Sanh Valley Farm của chị Hồ Thị Phượng với thiết kế bắt mắt từ những tiểu cảnh được bố trí hài hòa. Đây được xem là điểm du lịch nghỉ dưỡng thú vị cho du khách khi đến khám phá miền núi Quảng Trị.
Bước ra từ tro tàn của chiến tranh, giờ đây Khe Sanh đang vươn mình trỗi dậy. Dấu tích của cuộc chiến đã dần lùi xa, nhưng niềm tự hào về một thời oanh liệt vẫn còn mãi trong tim của mỗi con người nơi đây. Đó chính là tiền đề để Khe Sanh hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.
Học sinh tham quan trải nghiệm tại di tích sân bay Tà Cơn. |
Bước tiến khởi sắc của giáo dục
Cùng với sự thay đổi về kinh tế, cơ sở hạ tầng, sự nghiệp giáo dục trên vùng đất khói lửa Khe Sanh - Hướng Hóa cũng có những bước đi ngày càng vững chắc kể từ sau ngày giải phóng. Là vùng đất có đông đảo bà con Vân Kiều, Pa Kô sinh sống, sự nghiệp giáo dục và đào tạo càng được chính quyền, ngành Giáo dục quan tâm. Đến nay, toàn huyện có 60 trường mầm non và phổ thông, trong đó có 26 trường mầm non.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết, sau ngày quê hương giải phóng, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh đã “chung lưng đấu cật” cùng nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện xây dựng mạng lưới trường lớp ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh.
Với tâm nguyện “tất cả vì học sinh thân yêu” và vì sự nghiệp trồng người trên quê hương của người Pa Kô, Vân Kiều, các nhà quản lý giáo dục, những giáo viên tràn đầy nhiệt huyết đã tích cực bám bản, bám dân, bám trường, bám lớp.
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, các ban, ngành, tổ chức và mọi người dân đã từng bước, chung tay xây dựng nền giáo dục trên địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp tục đưa giáo dục Hướng Hóa phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng. Chính vì vậy, giáo dục Hướng Hóa đã có những bước đi ngày càng vững chắc hơn.
Năm 1997, huyện Hướng Hóa được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học, chống mù chữ. Năm 2005 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục THCS. Năm 2006 được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và từ đó đến nay luôn luôn củng cố vững chắc kết quả đã đạt được.
Đô thị Khe Sanh, “thủ phủ” của huyện Hướng Hóa ngày càng khang trang, hiện đại. |
“Sự đa dạng các loại hình trường lớp đã đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh. Những hoạt động tập trung đổi mới phương pháp dạy học và thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã từng bước nâng cao chất lượng đại trà và phát triển chất lượng giáo dục mũi nhọn tại địa phương”, bà Nguyễn Thị Thanh Nga cho hay.
Những địa danh sân bay Tà Cơn, làng Vây, nhà tù Lao Bảo... trong chiến tranh từng gieo rắc nỗi ám ảnh chết chóc, ngày nay trở thành những “địa chỉ đỏ” để giáo dục học sinh về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc.
Là giáo viên mầm non, cô giáo Trương Thị Hoài thường tổ chức cho các lứa học sinh đến tham quan và tìm hiểu tại di tích sân bay Tà Cơn theo chương trình ngoại khóa. Những chuyến trải nghiệm ấy mang đến sự thích thú và hào hứng cho các cháu.
“Những chuyến thực tế trải nghiệm tại các di tích lịch sử, văn hóa như vậy là cách giáo dục rất hiệu quả, giúp các em hiểu về cội nguồn dân tộc, về quá khứ chiến đấu anh dũng, cùng những hy sinh mất mát lớn lao của ông cha ta. Từ đó, các con sẽ có ý thức hơn trong học tập và rèn luyện”, cô Trương Thị Hoài cho hay.
Trường THPT Hướng Hóa là ngôi trường phổ thông trọng điểm trên vùng chiến sự Khe Sanh. Trải qua gần 40 năm hình thành và phát triển, trường dần khẳng định vai trò quan trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Nhiều thế hệ cựu học sinh của Trường THPT Hướng Hóa đã trưởng thành và công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước, là niềm tự hào để thầy và trò nhà trường tiếp tục cố gắng trong sự nghiệp “trồng người”.
Thầy giáo Lê Chí Thông, Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Hóa cho biết, gần 4 thập kỷ qua, với sự nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên Hội đồng sư phạm nhà trường, sự cố gắng của các thế hệ học sinh và người dân, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước phát triển đáp ứng yêu cầu của xã hội. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục không ngừng được nâng cao.
Đến nay, 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn đào tạo. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn đều có bước chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng cao.
Trong 10 năm trở lại đây số lượng học sinh khá giỏi tăng lên rõ rệt. Ngoài giáo dục kiến thức các môn học, nhà trường chú trọng, quan tâm đến công tác giáo dục kỹ năng, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh.
Vì vậy, khi tham gia học cao hơn các em luôn tự tin, thể hiện năng lực bản thân, nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới và đạt các kết quả quả cao ở các trường đại học. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có nhiều tiến bộ vượt bậc. Nhiều học sinh của Hướng Hóa đã giành được giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi.
“Hàng năm, nhà trường tổ chức các hoạt động dạy học gắn với di sản, giáo dục gắn với các di tích trên địa bàn như sân bay Tà Cơn, nhà tù Lao Bảo, nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa… thông qua hoạt động trải nghiệm, thắp nến tri ân, tổ chức kết nạp đoàn viên, lao động vệ sinh nghĩa trang, viếng nghĩa trang nhân dịp các ngày lễ lớn…”, thầy Lê Chí Thông cho hay.
Ông Hồ Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hướng Hóa nhìn nhận trong 55 năm qua, Hướng Hóa ngày càng đổi thay phát triển đi lên. Đến nay, kinh tế - xã hội huyện nhà có sự phát triển vượt bậc, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng trên 3 lĩnh vực trụ cột: Nông - lâm nghiệp; thương mại - dịch vụ, du lịch; công nghiệp - xây dựng. Tổng giá trị sản xuất toàn huyện tăng cao. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 43,05 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm từ 2,5 - 3%/năm.
“Sau ngày giải phóng, được sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, địa phương, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện Hướng Hóa đã nỗ lực, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp. Đến nay, kinh tế đã có những bước phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc ít người không ngừng được cải thiện. Đó là kết quả thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân”, ông Vinh cho hay.
Theo lãnh đạo huyện Hướng Hóa, địa phương đã đẩy mạnh khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển các vùng chuyên canh tập trung, sản phẩm chủ lực, OCOP, như cà phê, sắn, chuối, cây ăn quả, cao su, cây dược liệu, hoa màu, chăn nuôi; hướng tới phát triển “nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”... Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được đẩy mạnh đầu tư, từng bước đồng bộ hệ thống giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin, trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hóa... đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển vượt bậc. Quốc phòng - an ninh luôn được củng cố và tăng cường. Thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…