Mới đây, UBND tỉnh Hòa Bình vừa ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị để chỉ đạo, xử lý kiên quyết, kịp thời, dứt điểm những trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành phố tăng cường thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước theo phân công, phân cấp đối với các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị trên địa bàn; hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đúng quy định hiện hành của pháp luật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị…
Thực hiện nghiêm quy trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở, khu đô thị theo quy định của pháp luật; thẩm định kỹ năng lực tài chính và kinh nghiệm của nhà đầu tư; hạn chế lựa chọn nhà đầu tư đang triển khai các dự án chậm tiến độ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách Nhà nước.
Chỉ thị cũng nêu rõ, Sở Xây dựng thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản nhà ở; theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư và UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân tại các dự án khi đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Được biết, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư dự án huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định pháp luật. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người nhận chuyển nhượng và tác động đến tính ổn định của thị trường bất động sản.
Số liệu từ Sở Xây dựng tỉnh Hoà Bình cho thấy, hiện trên địa bàn tỉnh đang có tới 51 dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng nhưng chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và bán hàng.
Trong đó, có thể kể đến hàng loạt dự án như: Khu dân cư số 3, số 4 (do liên danh Công ty Cổ phần xây dựng Sao Vàng và Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Thái Hưng làm chủ đầu tư); Khu dân cư Thịnh Lang (liên danh SUDICO - SUDICO Hòa Bình); Khu dân cư Phương Lâm (Công ty Cổ phần Xây dựng Sao Vàng); Khu đô thị sinh thái Trung Minh; Khu đô thị sinh thái cao cấp Yên Quang, xã Quang Tiến (do liên danh Công ty Cổ phần đầu tư thương mại dịch vụ quốc tế SEIKA - Công ty TNHH dịch vụ thương mại Nam Hà Nội - Công ty Cổ phần Vinaconex 39 làm chủ đầu tư)…
Mặt khác, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cũng nêu tên 8 dự án “ma”, không có trên địa bàn tỉnh này gồm: Dự án Green Oasis Hòa Bình – Lương Sơn; Dự án Beverly Hill – Lương Sơn Hòa Bình; Dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp; Dự án Sun Legend Villa – Đà Bắc Ecolodge; Dự án Mountain Villa – Lương Sơn; Dự án Kai Village Resort tại cầu Mè, xã Mông Hóa, TP.Hòa Bình; Dự án Ohara Villas &Resort, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình; Dự án The Moon Village tại xã Yên Quang, TP.Hòa Bình…
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có một số giải pháp để hạn chế việc lách luật huy động vốn, kiểm soát để thị trường bất động sản an toàn, ổn định.
Bộ Xây dựng cũng đang chủ trì xây dựng Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, bổ sung. Trong đó, Bộ chú trọng xây dựng nhóm hệ thống các quy định nhằm đảm bảo quản lý, giám sát chặt chẽ việc tuân thủ đúng quy định pháp luật trong việc huy động vốn, sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản; quy định về các hình thức huy động vốn, quản lý sử dụng vốn huy động của các chủ đầu tư dự án bất động sản.