Hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Minh bạch bằng ứng dụng số

GD&TĐ - Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sẽ có khoảng gần 13 triệu người lao động và 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Giao dịch tại bộ phận một cửa của Bảo hiểm xã hội Hà Nội.
Giao dịch tại bộ phận một cửa của Bảo hiểm xã hội Hà Nội.

Không phát sinh thủ tục hành chính

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 116 về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Nghị quyết góp phần hỗ trợ người lao động khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, chống đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.

Với Nghị quyết này, người sử dụng lao động sẽ giảm chi phí, nỗ lực thích ứng với trạng thái bình thường mới, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. Nghị quyết nêu rõ, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp phải bảo đảm nguyên tắc đóng – hưởng, chia sẻ và công bằng.

Việc thực hiện chính sách đặt trong cân đối tổng thể chung các nguồn lực của Nhà nước, các quỹ, các nguồn hỗ trợ khác. Quá trình thực hiện cũng tính tới sự khác biệt và ưu tiên một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Công tác hỗ trợ cần phải đơn giản, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả. Không áp dụng đối với đối tượng tự nguyện không nhận hỗ trợ.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, sẽ có khoảng gần 13 triệu người lao động và 38 nghìn đơn vị sử dụng lao động được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này. Đơn vị này cũng đã dự kiến các quy trình thủ tục để triển khai gói hỗ trợ đảm bảo triển khai các bước một cách đơn giản, thuận lợi, nhanh nhất và chính xác nhất.

Theo đó, đối với 386 nghìn đơn vị sử dụng lao động được giảm đóng từ 1% xuống 0% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian 12 tháng. Thời gian tính từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022. Đối tượng này sẽ không phát sinh thủ tục hành chính.

Cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ vào dữ liệu trên phần mềm Quản lý thu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp. Hàng tháng sẽ in ra bảng đối chiếu thanh toán số phải thu nộp. Trên bảng thanh toán đó, đơn vị này sẽ loại trừ khoản đóng 1% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp.

Ứng dụng số hóa trong chi trả hỗ trợ

Đối với 13 triệu người lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ dựa trên nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin hiện có để xác định người hưởng gói hỗ trợ bằng mã số định danh. Đây là mã số tham gia bảo hiểm thất nghiệp và xác định thời gian tham gia.

Tất cả thông tin này đã sẵn sàng trong hệ thống dữ liệu công nghệ thông tin của ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Vì vậy, theo tính toán, thời gian thực hiện hỗ trợ sẽ nhanh gọn, khẩn trương, giảm thủ tục hành chính. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng cho biết, người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại doanh nghiệp sẽ được chi trả qua tài khoản cá nhân.

Theo đó, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp chỉ cần cung cấp cho doanh nghiệp số tài khoản cá nhân. Còn với những thông tin liên quan đến nhân thân cá nhân, cơ quan bảo hiểm sẽ in sẵn ra để người lao động đối soát. Một số trường hợp đặc biệt không thể mở được tài khoản cá nhân, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ chi trả qua doanh nghiệp.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, đối với chính sách hỗ trợ mà diện người được hưởng lớn như vậy, nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin sẽ đảm bảo về tiến độ và chất lượng. Đây là công cụ hữu hiệu chi trả các chính sách hỗ trợ này. Vì vậy, mặc dù Chính phủ yêu cầu triển khai thực hiện gói hỗ trợ này trong 3 tháng kể từ ngày 1/10/2021, song đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định bảo đảm về đích sớm hơn.

Ông Lê Hùng Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam - cho biết: “Bộ LĐ-TB&XH dự kiến tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ trong 1,5 tháng. Nhưng Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ cố gắng hoàn thành sớm hơn nếu như doanh nghiệp và người lao động tích cực phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Về phía Bảo hiểm xã hội Việt Nam công tác triển khai đã sẵn sàng. Nhưng khó khăn là khoảng 2,5 triệu lao động đang bảo lưu Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay đang tản mạn về các địa phương. Chính vì thế, người lao động thuộc đối tượng này cần chủ động liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh, huyện. Đây là nhân tố quyết định việc có hoàn thành việc triển khai gói hỗ trợ đúng tiến độ hay không”.

Cũng theo ông Sơn, hiện kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp là hơn 90 nghìn tỉ. Khi trích ra 38 nghìn tỉ để triển khai gói hỗ trợ này, Quốc hội và Chính phủ cũng đã xem xét rất kỹ đến khả năng cân đối Quỹ trong dài hạn. Với đánh giá tác động và dự báo tình hình, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp sẽ bảo đảm cân đối trong dài hạn và đủ để chi trả trong điều kiện diễn biến tình hình như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay, Việt Nam thực hiện Bảo hiểm xã hội từ năm 1995, nhưng so với thế giới vẫn “còn non trẻ”. Nhất là khi thực hiện Nghị quyết 28 về Cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội thì điều đó rất rõ. “Hiện nay, trên thế giới có 9 loại hình bảo hiểm, còn chúng ta có 8, thiếu Bảo hiểm gia đình. Đáng mừng là 8 loại hình bảo hiểm này trong những năm qua phát triển tương đối tốt” – ông Đào Ngọc Dung nói.

Tuy nhiên, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH cũng cho biết, “lo” nhất là 3 nhóm bảo hiểm: Hưu trí tử tuất, Bảo hiểm thất nghiệp, Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp. Nhưng đến nay, những loại hình này phát triển tương đối đồng bộ, có hiệu quả. Nhìn tổng thể, không những giải quyết được các chính sách theo quy định, mà còn có kết dư tương đối tốt.

Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp tính đến tháng 8/2021 ước đạt trên 935.100 tỉ đồng. Trong đó ba quỹ thành phần kết dư chuyển sang năm 2021 lần lượt là: Quỹ Ốm đau, thai sản gần 12.800 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp hơn 53.700 tỉ đồng; Quỹ Hưu trí, tử tuất trên 789.100 tỷ đồng. Riêng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hơn 89.100 tỉ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ