Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định trích 165 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016 để hỗ trợ 8 địa phương (Thanh Hóa 10 tỷ đồng, Nghệ An 45 tỷ đồng, Hà Tĩnh 30 tỷ đồng, Quảng Bình 35 tỷ đồng, Quảng Trị 15 tỷ đồng, Thừa Thiên Huế 10 tỷ đồng, Quảng Nam 10 tỷ đồng, Quảng Ninh 10 tỷ đồng) thực hiện hỗ trợ dân sinh và khắc phục cấp bách cơ sở hạ tầng thiết yếu như: công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, đê điều,… như đề nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng số vốn được ngân sách trung ương hỗ trợ và nguồn vốn dự phòng ngân sách địa phương, các nguồn hợp pháp khác để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số kinh phí trên bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và theo quy định hiện hành; báo cáo việc phân bổ và kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sử dụng nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại do thiên tai theo quy định tại Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg ngày 31/12/2009 và Quyết định số 49/2012/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời báo cáo kết quả thực chi hỗ trợ giống vùng bị thiên tai gửi Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm căn cứ hỗ trợ địa phương theo chế độ quy định.
Việc hỗ trợ gia đình có người bị chết, mất tích, nhà bị sập, trôi,... do thiên tai gây ra thực hiện theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Đối với kinh phí thực hiện các dự án đầu tư mang tính chất lâu dài, các địa phương bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan.