Liên quan đến nội dung này, thạc sỹ, bác sỹ Mai Xuân Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục – Tổng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) - cho biết:
Bộ Y tế có đề xuất hỗ trợ bằng tiền mặt và hàng loạt những ưu đãi khác cho các bé gái trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nghề, việc làm, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình, ưu tên nhập học, miễn giảm các khoản phí, chỗ ở ký túc xá, dạy nghề, giải quyêt việc làm, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và các phúc lợi xã hội khác....
Dự thảo Luật dân số cũng nói rõ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội. Chính phủ quy định đối tượng, mức hỗ trợ chi phí phụng dưỡng cho cặp vợ chồng người cao tuổi chỉ có con gái mà không có chế độ bảo hiểm xã hội.
Nhưng, tất cả những nội dung trên mới chỉ là đề xuất chứ chưa được thông qua. Hiện, vẫn đang còn nhiều ý kiến khác nhau về những đề xuất này.
Bên cạnh quan điểm đồng tình, cũng có nhiều chuyên gia nhận định đây không phải là giải pháp căn cơ, thậm chí không hiệu quả, đặc biệt với các gia đình có điều kiện. Thậm chí, có thể khiến cho chính những đối tượng thuộc diện được thưởng cảm giác bị xúc phạm khi hiểu đó là phần thưởng dành cho người "yếu thế". Điều quan trọng, cốt lõi là phải làm sao thay đổi được nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều địa phương vẫn đã và đang có các cách làm khác nhau để hỗ trợ gia đình sinh con một bề là gái và những cách làm này khá hiệu quả.
Một câu chuyện được nhắc đến nhiều là cách tặng quạt cho mỗi gia đình sinh hai con gái ở Thái Bình. Điều đáng nói, việc làm độc đáo này đã được thực hiện từ năm 2012 - khá sớm so với ý tưởng hỗ trợ được Bộ Y tế đưa ra.
Dù phần thưởng đơn giản nhưng hiệu quả lại thấy rõ, sự chênh lệch giới tính tại Thái Bình giảm hẳn.
Tại Sơn La, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” đang được triển khai thí điểm với mục tiêu giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh.
Không chỉ Thái Bình, Sơn La, nhiều địa phương khác cũng có các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ gia đình sinh hai con là gái. Hay gặp nhất là những hội nghị biểu dương, chia sẻ kinh nghiệm phụ nữ sinh con một bề là gái; tôn vinh gia đình sinh 2 con gái, có con gái thành đạt, làm kinh tế giỏi, con gái chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà tốt. Những hoạt động này được tổ chức khá thường xuyên.
Đặc biệt, tại xã Hồ Đắc Kiện (Châu Thành, Sóc Trăng), ngay từ năm 2011, xã vùng khó này đã thành lập câu lạc bộ Gia đình sinh con một bề là gái không sinh con thứ ba, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của người dân về công tác dân số.
Về phía Bộ Y tế, nhiều hoạt động đã được triển khai, trong đó mới đây nhất là cuộc thi tìm hiểu "Làm con gái thật tuyệt" và hưởng ứng Ngày Quốc Trẻ em gái 11/10 với thông điệp không phân biệt giới, không chẩn đoán giới tính thai nhi.
Hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh:
- Tăng tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS) dẫn tới "thừa nam giới, thiếu nữ giới" trong độ tuổi kết hôn, dẫn đến vỡ cấu trúc gia đình. Số lượng nam giới không có khả năng kết hôn tăng.
Theo dự báo, tùy theo mức độ can thiệp, đến năm 2050, chênh lệch giữa số lượng nam và nữ từ 2,4 đến 4,3 triệu người.
- Làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm. Tỉ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao.
- Tình trạng bạo hành giới, tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em sẽ gia tăng.