Thanh tra Chính phủ: VCCI có sai sót nhưng không tham nhũng, tiêu cực

Ngày 8/7/2014, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản số 1575/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về 4 nội dung 

Quang cảnh buổi họp báo quý II năm 2014 của Thanh tra chính phủ ngày 16/7. Ảnh: thanhtra.gov.vn
Quang cảnh buổi họp báo quý II năm 2014 của Thanh tra chính phủ ngày 16/7. Ảnh: thanhtra.gov.vn

Các nội dung thông báo kết luận gồm: Việc chi tiếp khách do Ban Tài chính làm đầu mối thanh toán giai đoạn 2009-2011; Việc sử dụng số tiền hơn 9,4 tỷ đồng chênh lệch thu chi (tiền dư) sau hội nghị APEC 2006; Việc huy động tiền tài trợ cho Hội nghị ASEAN BIS 2010; Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc.

Về nội dung chi tiếp khách từ năm 2009 đến 2011, Thanh tra Chính phủ xác định trong tổng số 499 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) để làm chứng từ thanh toán, có 147 hóa đơn (trị giá gần 479 triệu đồng) chưa xác định được đơn vị bổ sung thông tin. 

Việc bổ sung thông tin trên các liên 2 của hóa đơn GTGT do cán bộ Ban Tài chính là người không tham gia trực tiếp đi tiếp khách, không trực tiếp trả tiền; đến các đơn vị phát hành hóa đơn bổ sung thông tin là không đúng quy định về in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn theo Nghị định số 89/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là lỗi hành chính.

Đối với việc sử dụng số tiền hơn 9,4 tỷ đồng chênh lệch thu chi do VCCI huy động thêm từ các nguồn tài trợ sau Hội nghị APEC 2006. Số tiền này, mặc dù là do VCCI vận động tài trợ từ các doanh nghiệp, nhưng vẫn được xác định có nguồn gốc là ngân sách nhà nước (NSNN) nên phải được quản lý, sử dụng theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc cho VCCI được sử dụng khoản tiền này từ năm 2008 (Công văn 2850/VPCP-KTTH ngày 7/5/2008). Tuy nhiên, đến ngày 15/11/2010 mới có Công văn của Bộ Tài chính số 16751/BTC-TCDN về việc phân bổ số tiền này cho các dự án. 

Trong thời gian chuẩn bị các dự án và kế hoạch chi tiết sử dụng số tiền nói trên, VCCI đã chủ động gửi có kỳ hạn số tiền này vào ngân hàng trong thời gian nhất định để sinh lãi và đã gộp vào tăng nguồn thu cho NSNN khoản lãi là 291 triệu đồng (tính đến 15/11/2010 là ngày có Công văn phê duyệt của Bộ Tài chính).

Sau đó, đến ngày 1/4/2011, Chủ tịch VCCI có quyết định phân bổ kinh phí cho các dự án (Quyết định số 0743 QĐ/PTM/TC) và do vậy Thanh tra Chính phủ tính tiếp lãi của 135 ngày của số tiền tài trợ còn dư này (135 ngày được xác định tính từ ngày Bộ Tài chính phê duyệt đến ngày Chủ tịch VCCI có quyết định phân bổ kinh phí cho các dự án). 

Theo Thanh tra Chính phủ tính số lãi phát sinh thêm là 91 triệu đồng. Như vậy, có việc VCCI gửi tiền có nguồn gốc ngân sách nhà nước để sinh lãi tăng thu cho ngân sách chứ không có việc VCCI gửi tiền ngân sách nhà nước để lấy lãi chi tiêu.

Cũng về việc sử dụng số tiền dư sau hội nghị APEC 2006, trong thời gian từ 2008 đến năm 2010, VCCI đã tạm mượn tồn ngân để sử dụng cho các hoạt động chung của VCCI, chủ yếu là phục vụ tổ chức các đoàn tháp tùng lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác nước ngoài, thực hiện nhiệm vụ chính trị Nhà nước giao trong khi Bộ Tài chính chưa kịp cấp kinh phí.

Thanh tra Chính phủ kết luận việc sử dụng khoản tiền dư từ hội nghị APEC 2006 nêu trên là hiệu quả, vì công việc chung, không thất thoát và còn tăng thêm 291 triệu đồng (ngoài số tiền lãi Thanh tra Chính phủ tính thêm là 91 triệu đồng cho ngân sách nhà nước).

Liên quan đến việc huy động tiền tài trợ cho Hội nghị ASEAN BIS 2010, thông báo kết luận thanh tra nêu rõ, VCCI đã thực hiện chi trả 40% chi phí tư vấn vận động tài trợ là không có quy định cụ thể trong chế độ tài chính hiện hành của Nhà nước và không có trong quy định chế độ quản lý tài chính nội bộ của VCCI tại thời điểm này. 

Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ xác định là việc chi trả phù hợp thực tế, phù hợp với mặt bằng phí tư vấn huy động tài trợ đối với các hoạt động tương tự của các tổ chức khác trên địa bàn Hà Nội và qua kiểm tra cho thấy không có biểu hiện tiêu cực.

Về việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, theo nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh, Công ty Saturn phải bỏ toàn bộ vốn đầu tư tòa tháp VCCI và được hưởng một phần sản phẩm nên VCCI đã ủy quyền cho đối tác chủ động phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán để đẩy nhanh tiến độ. 

Về việc này, Thanh tra Chính phủ xác định VCCI có khuyết điểm, sai phạm là với vai trò là chủ đầu tư, VCCI chưa thẩm định, phê duyệt, để cho Công ty Saturn phê duyệt điều chỉnh tổng dự toán công trình là VCCI chưa thực hiện đúng thẩm quyền của chủ đầu tư theo quy định.

Mặc dù vậy, Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định lợi ích của VCCI trong hợp tác kinh doanh xây dựng trụ sở được bảo đảm. Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, VCCI đã khắc phục bằng cách yêu cầu đối tác trình toàn bộ hồ sơ, đã thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán điều chỉnh của công trình.

Với tất cả 4 nội dung thanh tra, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy VCCI có một số thiếu sót, vi phạm về thủ tục hành chính nhưng không có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Thanh tra Chính phủ đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu VCCI kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban lãnh đạo VCCI đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc, chấn chỉnh các thiếu sót khuyết điểm và đã báo cáo kết quả lên Thủ tướng. 

Đồng thời, VCCI cũng đã nộp số tiền gần 127 triệu đồng vào ngân sách nhà nước theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ (gồm 35.781.000 đồng tiền thanh toán các hóa đơn không đúng cùng với 91.323.161 đồng lãi tiền gửi còn thiếu khi sử dụng tiền chênh lệch thu-chi Hội nghị APEC 2006).

Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý tài chính đối với VCCI.

Theo baotintuc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ