Không ít nhà máy thủy điện phải dừng hẳn việc xả nước phát điện để tích trữ nước trong hồ. Điều này đặt ra 2 mối nguy lớn là thiếu hụt nguồn cung ứng điện năng, đồng thời không đủ lượng nước để cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của người dân vùng hạ du.
Từ ngã 3 Bến Giằng, huyện Nam Giang ngược về phía thượng lưu sông Đăk Mi gần 50 cây số là đến thủy điện Đăk Mi 4A thuộc địa bàn huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Dòng sông này một thời là nguồn sống của hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng mấy năm nay, cứ đến mùa khô là cạn trơ đáy.
Từ ngày Thủy điện Đăk Mi 4A xây đập, chặn ngang dòng sông Đăk Mi để chuyển nước về phía sông Thu Bồn phát điện, người dân sống dọc sông Đăk Mi không còn cơ hội để ra sông, đánh bắt cá, tắm táp, giặt giũ. Bà Pơ’ Loong Bói, người dân huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam than thở, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng là ngay ngáy lo thiếu nước. Đáy sông đá nhô lởm chởm không loài nào sống được.
"Mấy tháng rồi sông không có nước. Trời không mưa, thủy điện không xả nước, dân làng cực khổ lắm. Giếng đào cũng không có nước, bà con phải lặn lội vào rừng sâu tìm khắp khe suối để lấy nước. Cây cối, vườn tược cháy khô hết. Chẳng trồng trọt hay làm được gì, đã nghèo nay càng nghèo thêm".
Các hồ thủy điện ở Quảng Nam đang lên phương án dừng phát điện để thích nước. |
Thủy điện Đăk Mi 4A nằm trong hệ thống các thủy điện ở tỉnh Quảng Nam thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia- Thu Bồn được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký Quyết định ban hành. Thế nhưng, nhiều năm qua, nhà máy thủy điện này vẫn “một mình một cõi”, không thực hiện đúng việc xả nước về phía sông Đăk Mi theo quy định. Người dân địa phương cho biết, các cửa van của thủy điện xả nước về phía sông Đăk Mi gần đây bị đóng chặt.
Trong khi đó, ông Đinh Hữu Tấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Mi, đơn vị quản lý nhà máy thủy điện Đăk Mi 4A thì cho rằng, cửa xả vẫn mở với lưu lượng nhỏ vào ban đêm?; Đồng thời cho biết, do lượng nước về hồ ít nên Công ty phải ưu tiên cho việc xả nước phát điện. "Chủ yếu đáp ứng cho phía Thu Bồn thôi chứ làm sao đáp ứng cho Vu Gia được. Phía Vu Gia có thủy điện Sông Bung và A Vươngi, mình phụ thêm cho Vu Gia thôi chủ yếu xả phía Thu Bồn để phát điện".
Cửa xả của Thủy điện Đăk Mi 4A về phía hạ du đóng chặt, sông cạn trơ đáy. |
Trong khi đó, ông Lê Đình Bản, Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Bung, đơn vị quản lý Nhà máy Thủy điện Sông Bung 4 cho rằng, nếu Thủy điện A Vương và Sông Bung 4 xả nước về phía sông Vu Gia như cam kết thì cũng chỉ “cứu” được đoạn sông từ bến Giằng, huyện Nam Giang đổ về hạ du. Còn đoạn 50km từ bên Giằng lên đập thủy điện Đăk Mi thì làm sao nước chảy ngược lên được?.
Ông Lê Đình Bản cũng cho biết, trung bình 4 tháng qua, lượng nước về hồ thủy điện Sông Bung 4 chỉ đạt 58% so với năm ngoái và thấp hơn nhiều so với tính toán trung bình các năm. Công ty cũng đã phối hợp với tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng lên lịch phát điện và sử dụng nước tiết kiệm. Hiện, Công ty Thủy điện Sông Bung hạn chế phát điện để giữ nước cho đến khi kết thúc vụ Đông Xuân. Đến ngày 11/5 tới bắt đầu cấp nước tăng cường cho vụ Hè- Thu.
"Sản lượng điện năm nay rất thấp so với năm 2019 và so với kế hoạch năm. Đã 4 tháng nhưng chỉ đạt 9,1% kế hoạch năm. Cụ thể, Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 chỉ phát được 52 triệu Kwh. Trong khi kế hoạch năm là 440 triệu Kwh", ông Lê Đình Bản nói.
Trong khi hồ thủy điện Đăk Mi đầy nước. |
Cũng thực hiện điều tiết nước về phía sông Vu Gia phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân; lãnh đạo Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết, đã chỉ đạo dừng chạy máy phát điện để tích nước cấp cho hạ du. Hiện, mực nước hồ thủy điện A Vương ở cao trình hơn 367 mét, dung tích hữu ích là 161 triệu mét khối. So với năm ngoái mực nước hồ năm nay cao hơn 20 triệu m3. Trong khi lưu lượng nước về hồ thấp hơn nhiều. Điều này được lý giải là nhờ hạn chế xả nước phát điện thời gian dài.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết: "Suốt từ đầu tháng 12 năm ngoái cho đến 15/4 năm nay, thủy điện A Vương dừng phát điện để dự trữ nước trong hồ. Đến bây giờ, với lưu lượng trung bình/ 1 ngày khoảng 15m3/ 1 giây trở lên thì đó cũng là 1 lượng đáng kể so với lưu lượng về chỉ còn khoảng 6,65m3/ 1 giây".
Đợt nắng nóng ở miền Trung còn kéo dài nên các chủ hồ thủy điện ở tỉnh Quảng Nam đang lên phương án dừng phát điện, chủ động tích nước để cung cấp nước cho hạ du trong thời điểm khốc liệt của mùa khô./.