Cơ hội tiếp tục việc học cho dân tị nạn
Sau các cuộc xung đột vũ trang tại khu vực Trung Đông và Bắc Âu, một làn sóng dân tị nạn ồ ạt di chuyển sang các quốc gia lân cận. Và khu vực có nhiều trại tị nạn nhất chính là châu Âu, khi mà các quốc gia này đã sẵn sàng dang tay chào đón và giúp đỡ nhóm cư dân đặc biệt này.
Như một phần của các chương trình nhân đạo, các quốc gia châu Âu đã xây dựng các chương trình giáo dục để những người dân tị nạn, nhất là những thanh thiếu niên trong độ tuổi đến trường, có thể tiếp tục việc học dang dở do chiến tranh.
Nhưng những nỗ lực ấy cho đến thời điểm hiện tại vẫn không đạt được hiệu quả như ý muốn và việc có thể giúp những người đã từng là sinh viên này hoàn thành con đường học tập đại học trở thành một bài toán mà các chuyên gia giáo dục châu Âu lẫn quốc tế không thể tìm ra hướng giải quyết hiệu quả.
Tình hình có chút hy vọng, khi Na Uy giới thiệu một mô hình cấp Hộ chiếu giáo dục cho người dân nhập cư đang sống trong các trại tập trung của quốc gia này.
Theo đó, Hộ chiếu giáo dục này là kết quả của một quá trình đánh giá và ghi nhận quá trình học tập, bằng cấp của những người vừa đến sinh sống tại châu Âu mà trong thời điểm hiện tại là dành cho người dân tị nạn.
Hệ thống được giáo dục Na Uy áp dụng cho một số lượng có giới hạn đã giúp cho những sinh viên hoặc cử nhân tị nạn, những người đang và đã hoàn thành chương trình đào tạo đại học ở quốc gia quê nhà, có thể sớm tiếp tục việc học hoặc đi làm tại Na Uy.
Tấm Hộ chiếu đặc biệt này sẽ chứa các thông tin quan trọng đối với một người đang muốn tiếp tục việc học tập hoặc làm việc tại quốc gia mà họ đang phải sống tị nạn như bằng cấp cao nhất, các chứng chỉ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, trình độ ngoại ngữ cũng như các nguồn thông tin để nhà trường hoặc nhà tuyển dụng kiểm chứng.
“Không chỉ là giấy thông hành trong con đường giáo dục và làm việc mà Hộ chiếu đặc biệt này sẽ giúp đưa ra những lời khuyên cũng như các hướng dẫn giúp người dân tị nạn biết được họ sẽ làm gì tiếp theo để có thể sớm hòa nhập vào cộng đồng mới”, Ole Petter Ottersen, Chủ tịch Đại học Oslo, đại học hàng đầu Na Uy, cho biết.
Nhận thấy đây là một mô hình hiệu quả vừa giúp giải quyết vấn đề giáo dục, việc làm cho người dân nhập cư đồng thời cũng giúp họ cảm thấy tự tin và dễ dàng hòa nhập trong cộng đồng mới, Ủy hội châu Âu, một tổ chức vì quyền con người, đã tiến hành phối hợp với các quốc gia châu Âu để mở rộng phạm vi ứng dụng của Hộ chiếu Giáo dục cho dân nhập cư châu Âu, và trong tương lai là trên toàn thế giới.
Hiện Ủy hội châu Âu đang làm việc với các trung tâm quản lý bằng cấp, chứng chỉ của các quốc gia đồng ý tham gia vào dự án như Na Uy, Anh, Hy Lạp và Ý để làm rõ các hạng mục cần thực hiện trước khi ban hành loại giấy thông hành giáo dục quy mô xuyên quốc gia này.
Bắt đầu khởi xướng từ năm 2015, khi Na Uy công bố thử nghiệm Hộ chiếu Giáo dục, chương trình sẽ hoạt động trên nền tảng giáo dục bình đẳng và xuyên quốc gia mà Hiệp hội Giáo dục châu Âu thông qua cách đây hơn 20 năm.
Ý tưởng ban đầu này đã vấp phải nhiều khó khăn do hệ thống kiểm soát và bằng cấp giáo dục tại các quốc gia châu Âu, dù có sự công nhận chéo, nhưng lại rất khác biệt nhau khi áp dụng trên nhóm người dân tị nạn, vốn chưa từng có tiền lệ trước đây.
Theo đó thì các quốc gia này cho rằng việc ban hành một loại giấy chứng nhận chung này sẽ rất tốn kém, mất nhiều thời gian vì mỗi bằng cấp của mỗi quốc gia, nhất là các loại bằng để xét tuyển vào trường đại học, rất khác nhau.
“Theo hệ thống hiện tại thì một sinh viên tị nạn sẽ mất từ vài tháng hay thậm chí là vài năm để hoàn thành quá trình xác nhận bằng cấp để được học đại học tại quốc gia tị nạn nên việc đơn giản hóa nó thành một tờ giấy rõ ràng là một điều không hề dễ dàng, thậm chí có thể gây ra sự rối loạn trong nền giáo dục tại một số quốc gia”, Ottersen lưu ý.
Ban dự án hộ chiếu giáo dục châu Âu
Nhận thấy các vấn đề tồn đọng cần được giải quyết thông qua các tổ chức trung gian quốc tế, Ủy hội châu Âu đã thành lập một Ban dự án bao gồm nhiều thành viên để cùng thảo luận định hướng xây dựng hệ thống công nhận bằng cấp, chứng chỉ chung cho người dân tị nạn tại châu Âu.
Theo đó, Bộ Giáo dục trực thuộc Ủy hội sẽ đóng vai trò trung tâm và định hướng các thành viên hoạt động trong khuôn khổ của Cộng đồng Xây dựng Kế hoạch Hành động chung châu Âu.
Các thành viên chính bao gồm Bộ Giáo dục Hy Lạp, một trong những quốc gia sẽ tiến hành ban hành những Hộ chiếu châu Âu đầu tiên cho người dân tị nạn quốc gia nay, các trung tâm quản lý bằng cấp của Ý, Na Uy, Anh và những thành viên hỗ trợ như Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn.
Để đảm bảo không gây ảnh hưởng đến hệ thống xét tuyển đại học của các quốc gia tham gia vào dự án, Hộ chiếu Giáo dục châu Âu sẽ không đóng vai trò đảm bảo một chỗ trong các ngôi trường đại học mà chỉ cung cấp các thông tin chi tiết nhất dùng để tham khảo về bằng cấp, kinh nghiệm làm việc cũng như các kỹ năng mà người tị nạn đã có được thông qua quá trình học tập và lao động tại quê hương.
Theo dự kiến thì quy trình cấp Hộ chiếu Giáo dục sẽ diễn ra trong một hoặc hai ngày sau khi đăng ký. Quá trình xét tuyển này bao gồm việc phỏng vấn chuyên sâu các sinh viên tị nạn cũng như trải qua một số bài kiểm tra tiêu chuẩn đơn giản để xác định trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tổng quát.
Không chỉ đóng vai trò như một giấy thông hành trong con đường học tập và làm việc, Hộ chiếu Giáo dục sẽ còn đóng vai trò như một thẻ học viên cho các chương trình giáo dục đặc biệt được Ủy hội châu Âu hoặc các quốc gia thành viên xây dựng nhằm hỗ trợ kiến thức cho người dân tị nạn.
Đơn cử như Na Uy với chương trình Thực hành học thuật với đối tượng học viên là những sinh viên tị nạn đã có bằng đại học và muốn tiếp tục học lên cao học, hay giúp cho những sinh viên tị nạn có cơ hội tham gia vào những nhóm nghiên cứu khoa học tại các trường đại học danh tiếng trong nước.
Bên cạnh đó, cũng tại Na Uy thì Hộ chiếu giáo dục châu Âu cũng được xem như một đơn giới thiệu chính thức cho những chương trình thực tập, kiến tập tại các công ty, tập đoàn trong nước. “Mục tiêu của dự án không chỉ giúp cho các sinh viên tị nạn có thể tiếp tục công việc học tập mà quan trọng hơn là giúp họ thấy mình được là một phần trong các hoạt động tổ chức giáo dục đại học của quốc gia mà họ tị nạn, từ đó giúp đẩy nhanh quá trình hòa nhập cộng đồng, cải thiện đời sống tại nơi đất khách quê người”, Ottersen cho biết.
Sau hơn 2 năm ấp ủ và nghiên cứu, Hộ chiếu Giáo dục châu Âu đã được trao thử nghiệm cho hàng chục sinh viên tị nạn tại Hy Lạp và Na Uy, giúp cho những người tưởng chừng sẽ không thể tiếp tục con đường học tập đại học của mình có thể trở thành các cử nhân, kỹ sư với bằng cấp chuẩn châu Âu.
Dù không đóng vai trò thay thế tấm bằng đại học hay chứng chỉ mà các sinh viên đã có được tại ngôi trường ở quê nhà nhưng với những thông tin rõ ràng về những kiến thức, trình độ chuyên môn và kinh nghiệm làm việc được công nhận chính thức bởi cơ quan trực thuộc chính phủ của những quốc gia châu Âu, Hộ chiếu Giáo dục châu Âu sẽ giúp định hướng con đường giáo dục và nghề nghiệp, vốn không dễ dàng với nhóm người dân đang trải qua cuộc sống tị nạn này.
Dù quy mô của dự án đang rất khiêm tốn nhưng Ủy hội châu Âu cho biết sẽ nỗ lực để mức độ áp dụng của Hộ chiếu sẽ ở phạm vi châu lục như đúng tên gọi của nó.
“Chúng ta đang nói về những bằng cấp, chứng chỉ của người dân tị nạn, những thứ mà họ sẽ không thể đem theo trong cuộc di cư sinh tử của mình. Và vì chúng ta đang hỗ trợ những người cần và khao khát giáo dục đang trong tình trạng khó khăn chứ không phải là những giáo sư, tiến sỹ nên quy trình sẽ được đơn giản hóa và chỉ nhằm vào mục đích duy nhất là giáo dục”, Samir Heco, Trợ lý dự án tại Ủy hội châu Âu, kết luận.