HN sẽ miễn phí 15 ngày, giảm 50% vé cho SV đi tàu điện Cát Linh-Hà Đông?

Hà Nội dự kiến miễn phí nửa tháng đầu, sau đó hỗ trợ 50% giá vé cho học sinh, sinh viên, người cao tuổi đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông.

Hà Nội vừa tổ chức xin ý kiến về mức chi hỗ trợ vé tháng đối với hành khách đi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.
Hà Nội vừa tổ chức xin ý kiến về mức chi hỗ trợ vé tháng đối với hành khách đi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức xin ý kiến về mức chi hỗ trợ vé tháng đối với hành khách đi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông.

Về mức chi hỗ trợ vé tháng đối với người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, HĐND TP dự kiến phương án ngân sách Thành phố hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với các đối tượng: học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, người cao tuổi; hỗ trợ 30% giá vé tháng cho cán bộ, nhân viên tại các văn phòng công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

Đặc biệt, Hà Nội dự kiến miễn phí cho toàn bộ hành khách sử dụng dịch vụ vận tải hành khách trong 15 ngày đầu kể từ khi tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh- Hà Đông bắt đầu khai thác vận hành thương mại.

Liên quan đến việc phê duyệt phương án giá vé vận chuyển hành khách công cộng có trợ giá trên tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh- Hà Đông, HĐND TP Hà Nội cho biết có 3 loại giá vé áp dụng lượt, ngày, tháng.

Cụ thể, giá vé lượt được tính theo quãng đường di chuyển của khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 7.000 đồng với quãng đường ngắn nhất. Vé lượt có thể thanh toán bằng tiền mặt hoặc thẻ. Việc thanh toán bằng thẻ được khuyến khích với mức giá rẻ hơn thanh toán bằng tiền mặt khoảng 500 đồng mỗi lượt.

Với khách đi theo ngày, giá vé được áp dụng là 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng sẽ là 200.000 đồng/người.

Theo HĐND TP, mức giá vé được áp dụng trong thời gian thí điểm kể từ ngày đưa phương tiện vào khai thác thương mại. Sau khi có định mức kinh tế kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về chi phí quản lý, vận hành về đường sắt đô thị, Giao Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài chính tiến hành đánh giá, tổng kết và trình UBND Thành phố xem xét ban hành giá vé chính thức.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13 km, có điểm đầu tại ga Cát Linh và điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn gồm 4 toa. Tần suất khai thác là 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến.

Trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có 12 nhà ga trên cao, gồm: Cát Linh, La Thành, Thái Hà, Láng, Thượng Đình, Vành đai 3, Phùng Khoang, Văn Quán, Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Yên Nghĩa. Để phục vụ nhân dân đi tàu điện thuận lợi, ngành giao thông thủ đô đang khảo sát xây dựng điểm dừng cho xe buýt tại 11/12 ga.

Ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã trực tiếp thị sát một số nhà ga, kiểm tra chất lượng các đoàn tàu và kết quả vận hành thử và tình hình tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật vận hành của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

Theo Bộ trưởng Thể, Bộ GTVT và người dân đều mong muốn dự án sau khi vận hành thử 3-6 tháng có thể hoàn thành để đi vào khai thác thương mại. Vì vậy, tổng thầu và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối tháng 4/2019.

Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu Dự án được đưa vào vận hành thương mại phải được chứng nhận an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ