Hình vẽ Thổ dân Marree chụp hôm 28/6/1998, hai ngày sau khi phi công Trevor Wright phát hiện ra nó. Ảnh: Wikimedia Commons |
Khác với các geoglyph tìm thấy trên Trái Đất được hình thành trong các nền văn minh cổ đại, hình khắc này mới xuất hiện cách đây 17 năm và là một trong những bí ẩn lớn nhất của Australia.
Ngày 26/6/1998, Coober Pedy và Trevor Wright, khi đang bay qua vùng giữa thị trấn Marree, miền nam Australia đã vô tình phát hiện một hình vẽ khổng lồ trải ra bên dưới. Hình vẽ mô phỏng một thổ dân đang đi săn, tay trái cầm gậy ném, trong khi tay phải đặt ngang ngực, được gọi tên là Thổ dân Marree (Marree Man).
Nằm trên vùng đất khô cằn, cách thị trấn nhỏ bé Marree có dân số chỉ 60 người khoảng 60 km về phía tây, hình vẽ có chiều cao 4,2 km, chu vi từ 15-28 km. Vào thời điểm được phát hiện, Thổ dân Marree được tạo thành từ rãnh khắc có độ sâu 30 cm, rộng tới 35 m.
Điều tra viên cho rằng, hình vẽ có thể được tạo thành nhờ xe ủi đất và phải mất tới vài tuần để ủi xong. Tuy nhiên, không có nhân chứng nào nhìn hay nghe thấy điều gì trước đó. Khu vực nơi hình vẽ tọa lạc cũng chỉ có một con đường độc đạo ra vào, song mặt đất tại đây không có dấu chân hay vết hằn bánh xe nào được tìm thấy. Cuộc điều tra toàn diện của cảnh sát vào thời điểm ấy kết thúc mà không đưa ra được lời giải đáp.
Manh mối
Không lâu sau khi hình vẽ Thổ dân Marree được phát hiện, một nguồn tin nặc danh gửi tới các hãng truyền thông những thông tin lạ lùng, và những thông tin này hé lộ rằng tác giả của hình vẽ có thể là người ngoại quốc. Các bức thư được gửi đến đề cập tới hệ đo lường bằng dặm, thước Anh, inch thay vì hệ mét thường được dùng ở Australia. Ngoài ra còn có các cụm từ như "Queensland Barrier Reef" hay "local Indigenous Terrotories" (lãnh thổ bản xứ địa phương) không phải là cụm từ thường được người Australia sử dụng.
Góp thêm vào bí ẩn này, một số các mẫu vật kỳ lạ khác được tìm thấy tại một hố đất nhỏ tại hiện trường, bao gồm một bức ảnh chụp hình vẽ từ vệ tinh, hộp nhỏ chứa lá cờ Mỹ và mẩu ghi chú nhắc tới Branch Davidians, một nhóm tôn giáo ở gần Waco, Texas, Mỹ. Giáo phái này bị vây ráp năm 1993, dẫn tới cái chết của giáo chủ David Koresh cùng 82 môn đồ khác.
Con đường vắng vẻ dẫn tới thị trấn Marree, địa danh nằm gần nơi hình vẽ Thổ dân Marree được phát hiện. Ảnh: Don Shearman/Flickr |
Tháng 1/1999, nhà chức trách phát hiện một tấm bia nhỏ chôn gần mũi của Thổ dân Marree. Đây là một lá cờ Mỹ với ký hiệu vòng tròn Olympic, bên dưới là một câu được trích dẫn từ tác phẩm "The Red Centre" của H.H.Finlayson, ghi rằng "Để tưởng nhớ vùng đất họ từng biết đến. Tri thức mà ông theo đuổi là phi thường; nguồn mạch bất biến của nỗi kinh ngạc và thán phục."
Câu nói này được trích từ một trang mô tả cảnh săn bắn kangaroo với các cây gậy ném và những bức ảnh của một người thợ săn có vẻ ngoài giống như hình vẽ Thổ dân Marree.
Các nhà điều tra đã nỗ lực để ghép nối các manh mối rời rạc và khó hiểu này lại với nhau nhưng không thể đi đến kết luận nào. Có ý kiến cho rằng, các mảnh ghép rối rắm đó chỉ nhằm mục đích tung hỏa mù, làm chệch sự chú ý khỏi tác giả thực của hình vẽ.
Giả thiết về Marree Man
Tin đồn nhanh chóng lan ra thị trấn nhỏ Marree kể từ khi hình vẽ khổng lồ xuất hiện. Nhiều người hoài nghi đây là mưu mẹo tuyệt vời của một phi công địa phương nào đó nhằm kiếm lợi từ dịch vụ ngắm cảnh trên không. Quả thật, các máy bay chở thuê trong vùng đã phải làm thêm giờ để thỏa mãn nhu cầu chiêm ngưỡng thổ dân khổng lồ từ máy bay của số lượng đông đảo du khách hiếu kỳ.
Giả thiết khác cho rằng hình vẽ có thể là tác phẩm của người ngoài hành tinh tới thăm Trái Đất, hoặc là một lời cảnh báo nhắm tới chính trị gia Pauline Hanson vì những bình luận phân biệt chủng tộc mà ông phát biểu về thổ dân Australia.
Bản vẽ mô tả các đường viền tạo nên hình vẽ Thổ dân Marree của Lisa Thurston năm 2005. Ảnh: Wikimedia Commons |
Trong số rất nhiều khả năng được nhắc tới khi đó có một giả thiết được xem là hợp lý nhất. Giả thiết này cho rằng, hình vẽ do Bardius Goldberg, một nghệ sĩ Australia nhiều lần bày tỏ mong muốn có một công trình có thể được nhìn thấy từ không gian, tạo nên. Khi được hỏi về điều này, Goldberg không khẳng định cũng không bác bỏ việc ông có phải là người tạo ra hình vẽ Thổ dân Marree hay không. Goldberg qua đời trước khi giả thiết này được kiểm chứng đầy đủ.
Hình vẽ khổng lồ Thổ dân Marree nhanh chóng trở thành biểu tượng của thị trấn nhỏ miền nam Australia và là địa danh hút khách du lịch. Tuy nhiên, tới nay hình khắc không còn rõ nét. Dù nằm tại vùng đất của thổ dân bản địa, không mở cửa đón du khách trực tiếp, hình vẽ dần mờ đi do sự bào mòn của tự nhiên. Chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Thổ dân Marree khổng lồ biến mất mãi mãi, chôn vùi theo nó những bí ẩn không lời giải về sự ra đời của mình.