Hình thành kỹ năng sống từ những thói quen tốt

GD&TĐ - Từ việc tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, phòng chống bạo lực học đường hay tạo thói quen đọc sách sẽ giúp học sinh được rèn kỹ năng sống.

Hình thành những thói quen tốt chính là cách hữu hiệu để các em học sinh phòng tránh các tệ nạn xấu trong học đường.
Hình thành những thói quen tốt chính là cách hữu hiệu để các em học sinh phòng tránh các tệ nạn xấu trong học đường.

Ngày 17/4, Trường THPT Hoài Đức C (Hà Nội) đã phối hợp với các cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Xây dựng phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc - Công an huyện Hoài Đức cùng Công an xã Song Phương tổ chức chuyên đề ngoại khóa với chủ đề: "Tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan người dưới 18 tuổi".

Lãnh đạo nhà trường cùng cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hoài Đức, Công an xã Song Phương chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.

Lãnh đạo nhà trường cùng cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Hoài Đức, Công an xã Song Phương chụp ảnh lưu niệm tại chương trình.

Cô Nguyễn Thị Huyền - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Hoài Đức C nhấn mạnh, bên cạnh công tác chuyên môn thì việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng. Mục tiêu nhằm giúp các em học sinh nhận thức rõ được những tác hại của thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử; nhận diện được các hình thái và hệ lụy của bạo lực học đường để chủ động phòng tránh. Tạo một môi trường học đường lành mạnh, không có hành vi bạo lực, không khói thuốc.

Đại úy Đỗ Thanh Phượng nêu một số ví dụ điển hình của vấn nạn bạo lực học đường.

Đại úy Đỗ Thanh Phượng nêu một số ví dụ điển hình của vấn nạn bạo lực học đường.

Tại đây, Đại úy Đỗ Thanh Phượng đến từ Công an huyện Hoài Đức đã điểm lại một số câu chuyện thực tế về bạo lực học đường (BLHĐ). Trong môi trường học đường, không hiếm gặp những tình huống tiềm ẩn nguy cơ BLHĐ như: Bắt nạt, trêu ghẹo bạn bè một cách quá đà; tung tin đồn hoặc buông lời thách thức bạn về một việc gì đó... đều dễ khiến đối phương bị tổn thương, thậm chí dẫn đến hậu quả tiêu cực.

Một câu chuyện đau lòng mới đây về một nữ sinh lớp 10 trường chuyên ở Nghệ An đã tự tử nghi có liên quan đến BLHĐ khiến dư luận bàng hoàng. Vụ việc vẫn đang được các cơ quan chức năng cùng lãnh đạo trường này điều tra làm rõ; nhưng theo người nhà của nạn nhân, nguyên nhân của sự việc này là do em bị bạn bè bạo hành bằng cả thể chất và đe dọa về tinh thần.

Diễn giả trực tiếp trả lời câu hỏi của học sinh.

Diễn giả trực tiếp trả lời câu hỏi của học sinh.

Chia sẻ với các em học sinh, Đại úy Đỗ Thanh Phượng cho rằng, một trong các nguyên nhân chính dẫn đến hành vi BLHĐ xuất phát từ sự thiếu quan tâm, dạy bảo từ phía gia đình. Ngoài ra, tâm lý lứa tuổi luôn muốn thể hiện cái tôi của mình hay những game bạo lực trên mạng cũng là 1 phần gián tiếp cổ vũ cho vấn nạn BLHĐ.

Thiếu tá Phùng Thị Thanh Tình đến từ Công an huyện Hoài Đức nhấn mạnh về tác hại của thuốc lá điện tử.

Thiếu tá Phùng Thị Thanh Tình đến từ Công an huyện Hoài Đức nhấn mạnh về tác hại của thuốc lá điện tử.

Cũng trong khuôn khổ chương trình, các em học sinh đã được Thiếu tá Phùng Thị Thanh Tình chia sẻ về tác hại của thuốc lá điện tử.

Các em học sinh tham gia xếp sách nghệ thuật, thuyết trình về vai trò của sách và văn hóa đọc trong nhà trường.

Các em học sinh tham gia xếp sách nghệ thuật, thuyết trình về vai trò của sách và văn hóa đọc trong nhà trường.

Cũng trong ngày 17/4, Trường THPT Hoài Đức C đã tổ chức chương trình "Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam" với chủ đề: Đọc muôn cuốn sách, đi muôn dặm đường. Theo lãnh đạo nhà trường, sự kiện này nhằm huy động cả giáo viên, học sinh cùng các tổ chức quyên góp một số lượng sách cho Thư viện của trường. Đồng thời, giáo dục ý thức để tạo cho các em kỹ năng đọc sách như một thói quen tốt nhằm tránh xa các tệ nạn xã hội, phòng tránh bạo lực học đường, xây dựng môi trường học tập thân thiện, lành mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ