Sơn Đoòng là động lớn nhất thế giới với nhiều giá trị ẩn chứa bên trong như có rừng nguyên sinh, có 2 giếng trời lớn, thảm thực vật phong phú…
Sơn Đoòng cũng như nhiều hang động khác tại “vương quốc hang động” Quảng Bình, là có sông ngầm chảy bên trong lòng động.
Gần 30 năm qua, các nhà thám hiểm hang động hàng đầu thế giới đến từ Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh - BCRA đặt chân đến Quảng Bình và đã có những khám phá rất ấn tượng nhưng riêng hệ thống sông ngầm dưới lòng động thì chưa có một cuộc thám hiểm quy mô nào.
|
|
Cảnh đẹp đầy mê hoặc trong động Sơn Đoòng. Ảnh: HUỆ MINH. |
Như Thanh Niên đã thông tin, một dấu mốc mới khi từ ngày 1/4, lần đầu tiên các chuyên gia lặn hàng đầu thế giới (những người đã từng lặn giải cứu đội bóng nhí kẹt trong hang động ở Thái Lan) bắt đầu lặn khám phá sông ngầm dưới động Sơn Đoòng.
Chuyên gia hang động, bà Deb Limbert chia sẻ: “Cuối cùng thì chúng tôi cũng tìm ra được hang Sơn Đoòng và thực hiện thám hiểm vào năm 2009. Ngay khi vào được trong hang, chúng tôi lại phát hiện thấy con sông ngầm, nó kết thúc tại một hố nước ở cuối hạ lưu.
Như vậy có cả một đoạn trống dài khoảng 600 m nằm giữa hai cái hố trong hang. Vì vậy chúng tôi khá chắc chắn là con sông ngầm này chảy vào hang Sơn Đoòng và chảy ra hang Thung. Nhưng phải đến ngày hôm nay chúng tôi quyết định thử lặn xuống để chứng minh hai hang này thông nhau”.
Đợt lặn đầu tiên đã kết thúc, mặc dù chưa tìm ra điểm kết nối giữa động Sơn Đoòng và hang Thung nhưng những gì biết được qua đợt lặn vừa rồi khá ấn tượng. Đó là sông ngầm dưới động Sơn Đoòng rất sâu, sâu hơn dự tính ban đầu và kết cấu bí ẩn, có nhiều đoạn hình chữ “Z”.
|
|
|
|
|
Các chuyên gia chuẩn bị thiết bị lặn. |
Ông Jason Mallinson chia sẻ: “Chúng tôi biết là cuộc thám hiểm lần này cần phải lặn xuống rất sâu nhưng có khả năng là có một trần hang cao hơn nằm đâu đó dưới nước.
Dòng chảy khá siết và phần trần hang cách mặt nước khá xa. Nhưng tôi cho rằng chúng tôi có thể lặn qua trần hang ở độ sâu đó. Khi tôi từ từ lặn xuống, tôi nhìn thấy những thảm đá vôi và chúng có độ dốc xuống, vì vậy rõ ràng là có một lối vào ở đây. Tôi có thể lặn xuống sâu hơn nữa nhưng lượng ô xy còn lại không cho phép. Nhưng đó không phải là một lựa chọn chính xác. Vì vậy tôi đã đánh dấu mực nước và quay trở lên dựa theo dây an toàn".
Vị chuyên gia này nói tiếp: "Có thể thấy phía dưới vị trí cuối cùng mà tôi đã lặn xuống còn một khoảng rất sâu nữa và ở độ sâu đó thì tôi không thể nhìn thấy trần hang.
Với tầm nhìn bị hạn chế như vậy thì rất khó để xác định được vị trí trần hang hay bất kỳ hang động nào. Vì vậy tôi đã phải quay trở lên và nghỉ ngơi trong một khoảng thời gian để giảm áp. Cuộc lặn kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ thì tôi đã phải dành 80 phút để giảm áp”.
Còn ông Rick Stanton nói về những độ sâu “khủng”: “Lần đầu đến điểm lặn, thay vì lặn ngay xuống nước, chúng tôi chỉ quyết định chọn cho mình một chiếc bè, chúng tôi đo độ sâu thẳng đứng của hồ bởi vì nó có thể lên tới 100 - 150 m.
Kết quả thu lần lượt là 20 m, phần lớn là 35 m và 93 m ở đoạn cuối, rất sâu. Sâu đến nỗi chúng tôi không đủ dưỡng khí để lặn xuống đó ngay lập tức. Từ điểm cuối của nơi bắt đầu ở hố nước, chúng tôi đã nhận ra rằng chúng tôi không thể đạt đến độ sâu tối đa của hang.
Khá thất vọng, nhưng với những kết quả thu được, tôi nghĩ chúng tôi đã xác định được đoạn hang chính là một lối đi hoàn toàn riêng biệt".
Thế giới khám phá là mênh mông. Điều đó luôn thôi thúc bước chân của những người mê mạo hiểm. Như tâm sự của ông Chris Jewell: “Chúng tôi luôn cố gắng không ngừng cho dù kết quả có thất vọng ra sao, hãy cứ kiên nhẫn, bạn sẽ thành công. Đó thực sự mới là bản chất của những cuộc hành trình thám hiểm”.
Sông ngầm dưới động Sơn Đoòng rất sâu. |
|
Kết cấu lòng sông ngầm khá bí ẩn, có nhiều đoạn hình chữ “Z”. |
|
|