Chất và lượng tăng lên cùng năm tháng
Còn nhớ, năm học đầu tiên triển khai (2010-2011), toàn tỉnh Đồng Tháp có 7 trường tiểu học được lựa chọn tham gia mô hình dạy học cả ngày (FDS) với tổng số 2.775 học sinh. Trong đó số học sinh được học cả ngày là 1.422 em.
Sau 6 năm thực hiện, đến năm học 2015-2016, toàn tỉnh đã có tổng số 40 trường tham gia với 68 điểm trường (38 điểm lẻ), trong đó có 6 trường thuộc xã khó khăn (15%); 17 trường thực hiện phương án T35, 2 trường thực hiện mô hình T33; 21 trường thực hiện theo mô hình T30; số học sinh được tham gia học cả ngày 16.933/19.828, tỉ lệ 85,40%;
"Đặc biệt việc tổ chức dạy học cả ngày của các trường tham gia SEQAP tăng dần qua từng năm học, đến năm học 2015-2016 có 25/40 trường triển khai dạy học cả ngày cho 100% lớp học tại trường, tăng 19 trường so với năm học 2012-2013" - thầy Liêm cho hay, đồng thời không dấu nổi niềm vui khi nhận thấy từ việc dạy học cả ngày đã giúp cho học sinh có nhiều tiến bộ hơn qua từng năm học, tỉ lệ học sinh khá giỏi, học sinh hoàn thành chương trình tiểu học được duy trì.
Thầy Liêm dẫn giải: Đơn cử như: kết thúc năm học 2013-2014 có 52,59% học sinh được xếp loại giỏi; đến năm học 2014-2015 và 2015-2016, số học sinh được xếp loại hoàn thành môn Toán và môn Tiếng Việt đều đạt trên 99%. Năm học 2015-2016, học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,97% .
Không ngừng cải thiện trong công tác quản lý
Song theo thầy Liêm, một trong những ưu điểm lớn nhất khi các trường tham gia SEQAP, đó là các trường đã cải thiện đáng kể trong công tác quản lý và phương pháp dạy học đối với trường tiểu học chuyển sang “dạy học cả ngày” (FDS).
Đến nay, 40 trường tham gia đã lập được kế hoạch FDS theo tài liệu hướng dẫn, xây dựng kế hoạch giáo dục và thời khóa biểu FDS đáp ứng được yêu cầu của SEQAP và triển khai có hiệu quả.
"Việc xây dựng thời khoá biểu dạy học cả ngày theo hướng dẫn của SEQAP cũng được các trường linh hoạt thực hiện một cách khoa học, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của từng trường, giúp giáo viên có nhiều điều kiện hơn để giúp đỡ những học sinh còn yếu cũng như phát huy thế mạnh của những học sinh khá giỏi" - thầy Liêm thông tin thêm, đồng thời cho biết:
Các trường đã bố trí 2 ngày luân phiên các thứ trong tuần để tổ chức học cả ngày đối với trường tham gia phương án T30, thời lượng tăng thêm phục vụ vào việc củng cố kiến thức, kỹ năng của 2 môn Toán và Tiếng Việt; Bài tập củng cố kiến thức, kỹ năng của hai môn học môn học này.
Bên cạnh đó, các đơn vị trường học cũng đã vận dụng tốt các tài liệu và hướng dẫn của Ban quản lý SEQAP Trung ương vào thời gian tăng thêm đã giúp giáo viên chủ động hơn trong việc lựa chọn nội dung giảng dạy trong buổi học thứ hai một cách hợp lý, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh nhưng vẫn đảm bảo nội dung chương trình.
Ngoài ra, trong thời gian học cả ngày các em còn được giáo viên hướng dẫn đọc sách, xem phim thiếu nhi tại thư viện. Bên cạnh đó, theo chủ đề năm học của nhà trường, các hoạt động ngoài giờ lên lớp được giáo viên tổ chức để các em có dịp trải nghiệm sáng tạo.
Năng lực của cán bộ, giáo viên được tăng cường
Cũng theo thầy Liêm, nhờ SEQAP mà năng lực của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đã được tăng cường. Theo đó, Sở GD&ĐT Đồng Tháp tiến hành tổ chức tập huấn cấp tỉnh cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các huyện, thành phố tham gia Chương trình, đồng thời chỉ đạo các đơn vị triển khai tập huấn cấp huyện cho tất cả cán bộ, giáo viên các trường SEQAP.
Trong đó có 3 Mô đun chuyên sâu được Sở GD&ĐT tập trung triển khai cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường SEQAP vào năm 2016. Qua nắm bắt từ thực tiễn cơ sở cho thấy:
Đội ngũ cán bộ quản lý đã nâng cao được nhận thức về việc lập kế hoạch dạy học cả ngày. Công tác lập kế hoạch được thực hiện định kỳ vào mỗi đầu năm học.
Nội dung kế hoạch rõ ràng, mang tính khả thi cao góp phần giúp cho nhà trường từng bước thực hiện được những mục tiêu đề ra trong kế hoạch.
Cán bộ quản lý nắm vững quy trình, cách thức thực hiện, từ đó chỉ đạo và triển khai dạy học cả ngày tại trường hiệu quả. Giáo viên chủ động, sáng tạo hơn trong giờ dạy, mạnh dạn áp dụng những cách làm mới một cách linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng học sinh để giúp các em nắm vững kiến thức; phát huy được tính sáng tạo của học sinh giúp các em có nhiều cảm hứng hơn trong học tập.
"Trước đó, vào năm 2013, Sở GD&ĐT cũng đã tổ chức cho 34 cán bộ quản lý các huyện, thành phố tham gia Chương trình tham quan học tập kinh nghiệm tại Lào Cai với các nội dung như:
Công tác chỉ đạo của Sở trong việc triển khai dạy học cả ngày ở trường tiểu học; Công tác quản lý của trường tiểu học trong việc tổ chức thực hiện dạy học cả ngày; việc tổ chức ăn trưa, bán trú cho học sinh tại trường, vận động sự tham gia của cộng đồng; Việc quản lý và sử dụng kinh phí quỹ giáo dục nhà trường và quỹ phúc lợi học sinh trong trường tiểu học dạy học cả ngày" - Thầy Liêm cho biết.
Đồng thời triển khai tốt việc tổ chức ăn trưa, bán trú cho học sinh tại trường và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa giáo dục để tổ chức ăn trưa, bán trú cho học sinh.
Đặc biệt, việc sử dụng và giải ngân có hiệu quả nguồn kinh phí quỹ giáo dục nhà trường và quỹ phúc lợi học sinh".
Thầy Trần Thanh Liêm