Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân bị tố thu chi bất minh

GD&TĐ - 'Ngâm' học phí thừa của học sinh, tự ý chi quỹ phụ huynh… là những vấn đề mà phụ huynh bức xúc 'tố' Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân (Thanh Hóa).

Trường THCS Phú Xuân.
Trường THCS Phú Xuân.

Chậm trễ trong chi trả học phí thừa

Dù trả lại học phí thừa cho học sinh vào tháng 10/2023 nhưng trên hồ sơ của Trường THCS Phú Xuân lại thể hiện thời gian trả vào tháng 2/2023.

Dù trả lại học phí thừa cho học sinh vào tháng 10/2023 nhưng trên hồ sơ của Trường THCS Phú Xuân lại thể hiện thời gian trả vào tháng 2/2023.

Theo đơn tố cáo của phụ huynh gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Trịnh Đình Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân (huyện Thọ Xuân) đã lợi dụng chức quyền, tham ô của công.

Đơn nêu rõ, năm học 2022 - 2023, nhà trường đã thu học phí theo quy định mới là 100.000 đồng/HS/tháng. Tuy nhiên, đến tháng 1/2023, Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa có công văn chỉ đạo thay đổi mức thu học phí giảm còn 50.000 đồng/HS/tháng và yêu cầu các trường thu thừa học phí học kỳ I phải trả lại cho học sinh trước ngày 25/5.

Thế nhưng, hiệu trưởng nhà trường cố tình giữ số tiền này, trì hoãn không trả cho học sinh. “Sau khi biết chúng tôi gửi đơn tố cáo, ông Thắng mới trả tiền thừa vào ngày 16/11 vừa qua”, một phụ huynh (xin giấu tên) thông tin.

Phụ huynh cũng bức xúc trước việc nhà trường thu tiền hồ sơ xét tuyển học sinh lớp 5 vào lớp 6 tăng gấp nhiều lần so với quy định. Cụ thể, quy định của HĐND - UBND huyện Thọ Xuân chỉ được thu 20.000 đồng/HS, thế nhưng Trường THCS Phú Xuân đã thu lên 100.000 đồng/HS.

Đáng nói, khoản thu Quỹ hội cha mẹ học sinh của các năm 2021 - 2022 và 2022 - 2023 cũng được phụ huynh tố hiệu trưởng giữ và tự ý chi “vô tội vạ”.

Tại danh sách chi Quỹ hội cha mẹ học sinh của năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023 cho thấy rất nhiều khoản chi sai theo quy định tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Ban hành Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh như: Chi tiền giáo viên chuyển công tác; chi liên trường cho giáo viên; chi thi thể dục thể thao huyện, cụm; chi ăn trưa, ăn chiều bóng đá cấp huyện; chi thưởng giáo viên…

Ngoài ra, khoản tiền xã hội hóa cũng khiến phụ huynh bức xúc khi không được công khai, thỏa thuận, bàn bạc lên dự toán. “Bổ đầu học sinh để thu sai quy định và cuối năm chúng tôi không biết huy động được bao nhiêu tiền, nhà trường đã sử dụng số tiền đó vào mục đích gì”, phụ huynh học sinh (xin giấu tên) nêu ý kiến.

Có dấu hiệu “hợp thức hóa” hồ sơ

Khẳng định trả lại tiền thu tăng phí tuyển sinh lớp 6 ngay trong ngày nhưng tin nhắn tại các nhóm lớp lại thể hiện nhà trường trả lại vào tháng 11/2023.

Khẳng định trả lại tiền thu tăng phí tuyển sinh lớp 6 ngay trong ngày nhưng tin nhắn tại các nhóm lớp lại thể hiện nhà trường trả lại vào tháng 11/2023.

Trao đổi với phóng viên Báo GD&TĐ, ông Trịnh Đình Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân thừa nhận việc chậm trễ trong chi trả học phí thừa cho học sinh. Việc kéo dài trong nhiều tháng không chi trả được Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân lý giải “do kế toán bận tổ chức đám cưới”(!?).

Khi được hỏi thời gian cụ thể nhà trường rút tiền từ kho bạc về thì ông Trịnh Đình Thắng không trả lời được.

Đáng lưu ý, dù thừa nhận đến tháng 10/2023 mới chi trả tiền thừa cho học sinh, tuy nhiên trong danh sách ký nhận lại tiền thể hiện đã được chi trả từ tháng 2/2023. Việc này được hiệu trưởng lý giải do “nhầm lẫn”.

Liên quan đến nội dung thu tăng tiền tuyển sinh đầu vào lớp 6, ông Trịnh Đình Thắng cho biết: “Chúng tôi thu tăng là vì ngoài lệ phí thì còn chi tiền học bạ, chụp ảnh làm thẻ học sinh. Ngay trong buổi thu, phụ huynh có ý kiến lên phòng GD&ĐT nên phòng chỉ đạo, chúng tôi đã trả lại trong ngày số tiền thu tăng của học sinh”, ông Thắng nói.

Tuy nhiên, trái với phát ngôn của Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân, tại tin nhắn giáo viên chủ nhiệm trên nhóm phụ huynh của các lớp lại thể hiện thời gian trả lại tiền cho học sinh diễn ra vào tháng 11/2023 - thời điểm sau khi đơn tố cáo của phụ huynh được gửi đến cơ quan chức năng.

Đối với khoản tiền Quỹ hội cha mẹ học sinh, ông Trịnh Đình Thắng thừa nhận trách nhiệm thiếu sót khi không kiểm soát nhiều khoản chi sai quy chế.

“Việc chi là của Hội cha mẹ học sinh, tuy nhiên, bản thân là hiệu trưởng thiếu sót khi để chi một số khoản không đúng quy định”, ông Thắng phân trần.

Trái ngược với thông tin ông Trịnh Đình Thắng cung cấp, trả lời Báo GD&TĐ, ông Dương Văn Giang, đại diện Hội cha mẹ học sinh Trường THCS Phú Xuân nói: “Trong hai năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023, chúng tôi không được giữ tiền này. Hiệu trưởng là người giữ và tự ý chi. Nhiều khoản nằm trong danh sách chúng tôi không rõ có chi hay không vì không được bàn bạc, thông qua.

Mới đây, chúng tôi được đề nghị ký vào biên bản và danh sách chi. Chúng tôi không đồng tình khi chi xong đã lâu, giờ lại yêu cầu chúng tôi ký hợp thức hóa. Năm học này, chúng tôi đã đề nghị hiệu trưởng phải để cho hội cha mẹ giữ quỹ và sẽ chi theo đúng quy chế”.

Chiều ngày 1/12, Đoàn Thanh tra huyện Thọ Xuân về làm việc liên quan đến nhiều nội dung phụ huynh tố cáo, tuy nhiên ông Giang cho biết, bản thân ông không được mời lên đối chất.

Liên quan đến khoản tiền xã hội hóa như phụ huynh phản ánh, ông Trịnh Đình Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân không cung cấp được hồ sơ dự toán, các khoản chi trong hai năm học 2021 - 2022 và 2022 - 2023 với lý do kế toán vắng mặt nên chưa tìm ra.

Sáng ngày 1/12, trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Lê Chí Tuấn, Chánh Thanh tra huyện Thọ Xuân cho biết, đã nhận được chỉ đạo từ UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xác minh thông tin đơn phản ánh của phụ huynh liên quan đến một số nội dung tố cáo Hiệu trưởng Trường THCS Phú Xuân. Cũng theo ông Tuấn, chiều ngày 1/12, đoàn thanh tra bắt đầu làm việc về vấn đề này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.