Hiệu trưởng ở Kon Tum bị tố lạm thu

GD&TĐ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Kon Đào, Đăk Tô, Kon Tum) bị tố lạm thu nhiều khoản, chi trả tiền cho giáo viên tiếng Anh bị thiếu.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.
Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.

Theo nội dung đơn thư tố cáo, trên cương vị là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum), bà Nguyễn Thị Hồng Loan đã chỉ đạo giáo viên thu nhiều khoản chưa đúng quy định.

Cụ thể, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong thu tiền quỹ hội phụ huynh học sinh với mức 250.000 đồng/em, quỹ lớp 100.000 đồng/em và xây hồ bơi 100.000 đồng/em.

Một số phụ huynh cho rằng, tại điểm trường thôn Đăk Lung toàn bộ học sinh là người dân tộc thiểu số, tuy nhiên hàng năm phải đóng 150.000 đồng/em để mua dụng cụ học tập.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong còn chi trả không đúng quy định đối với 2 cô giáo hợp đồng môn tiếng Anh, đến khi giáo viên phản ánh mới hoàn trả lại tiền.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho rằng, tất cả các khoản thu đều dựa trên tinh thần tự nguyện.

Trong đó, khoản thu quỹ hội phụ huynh được sử dụng để khen thưởng, tổ chức Trung thu và các hoạt động ngoại khoá cho học sinh…

Theo bà Loan, khoản thu này nhà trường quy định phụ huynh đóng góp tối đa là 250.000 đồng/em, tuy nhiên có những trường hợp chỉ đóng 100.000 đồng, chứ không phải bắt buộc như phản ánh.

Đối với khoản quỹ lớp giáo viên chủ nhiệm tự thu và tự tổ chức theo mong muốn, nguyện vọng của phụ huynh nhằm tổ chức các hoạt động, trang trí lớp học…

Theo bà Loan, hồ bơi của nhà trường được Sở GD&ĐT Kon Tum đầu tư xây dựng với kinh phí 87 triệu đồng.

Năm học 2018 - 2019 được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, do nhiều lá cây rơi xuống nước nên ảnh hưởng đến việc học bơi của học sinh.

Do đó, một số phụ huynh đã ủng hộ 12,2 triệu đồng để làm mái che, thế nhưng khoản thu này không đủ.

Chính vì vậy, nhà trường đã xin ý kiến cha mẹ học sinh chuyển đổi mục đích sử dụng nhằm bê-tông hoá sân vào nhà xe, sân văn phòng và được sự đồng ý.

"Có thể một số phụ huynh không đi họp, không biết việc chuyển đổi mục đích sử dụng nên ý kiến", bà Loan nói.

Theo bà Loan, điểm trường Đăk Lung có 117 học sinh, tất cả các em đều là người dân tộc thiểu số.

Vào đầu năm học, giáo viên tại điểm trường thôn đã báo cáo lên Ban Giám hiệu xin ý kiến thu quỹ hội nhằm mục đích mua dép, photo bài thi, dụng cụ vệ sinh…cho học sinh.

Bà Loan lý giải rằng, phụ huynh nơi đây sau khi nhận các khoản hỗ trợ chi phí học tập thì ít quan tâm đến con em, nên thầy, cô giáo thu nhằm lo cho học sinh có đủ điều kiện học tập.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho hay, do thiếu giáo viên nên nhà trường ký hợp đồng với 2 cô giáo tiếng Anh để dạy cho 224 học sinh, trong đó có 64 em là người dân tộc thiểu số.

Với 24 tiết dạy/tuần, nhà trường chi trả cho giáo viên 60.000 đồng/tiết. Sau khi kết thúc năm học, qua thống kê nhà trường nhận thấy các cô chỉ dạy khoảng 8 tháng nên chỉ chi trả khoản tiền tương ứng.

Khoản tiền dư ra khoảng 10 triệu đồng nhà trường dự tính tổ chức hoạt động ngoại khoá, giao lưu tiếng Anh… cho năm học 2023 - 2024.

Tuy nhiên, theo bà Loan, sau khi nhận được phản ánh, nhà trường đã xem xét lại và chi trả hết toàn bộ số tiền trên cho 2 giáo viên.

“Ban đầu nhà trường nghĩ giáo viên không dạy nên giữ lại khoản dư để năm học sau sử dụng. Tuy nhiên, qua xác minh, mặc dù không dạy nhưng giáo viên đã dành thời gian soạn bài nên trường trả lại để hợp thức hoá”, bà Loan nói.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đăk Tô cho hay, sau khi nhận được phản ánh, UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị thành lập đoàn kiểm tra để xác minh những nội dung liên quan.

Hiện đơn vị đang xác minh, làm rõ. Ngay sau khi có kết quả sẽ báo cáo lên UBND huyện Đăk Tô và thông tin đến các cơ quan báo chí.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ