Một trong những vấn đề đặt lên hàng đầu là chất lượng đội ngũ, trong đó hiệu trưởng là hạt nhân của quá trình đổi mới. Đó là chia sẻ PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục.
Ba chức năng của người hiệu trưởng
Hiện nay, việc đánh giá chuẩn hiệu trưởng của Việt Nam được thực hiện theo Thông tư số 29/2009/TT-BGDĐT ngày 22/10/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành chuẩn hiệu trưởng trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học; Thông tư số 14/2011/TT-BGDĐT ngày 8/4/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành Quy định chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học.
Theo chuẩn cũ này, có rất nhiều điểm không còn phù hợp. Vì thế, hiện nay, rất cần thiết phải xây dựng bộ quy định chuẩn hiệu trưởng mới thay thế cho cách đánh giá hiệu trưởng đã quá cũ vừa để đổi mới giáo dục, vừa để tìm ra những người đứng đầu có đủ phẩm chất và năng lực, xứng đáng đứng trong hàng ngũ cán bộ quản lý giáo dục.
Chia sẻ về việc xây dựng chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục cho biết, hiệu trưởng, người đứng đầu tập thể sư phạm có ba vai trò: Người nhạc trưởng, người chỉ huy đơn vị quân đội, người huấn luyện viên bóng đá những trận đi tranh giải.
Đồng thời người hiệu trưởng có ba chức năng: Người lãnh đạo bao quát tổng thể công việc nhà trường, người quản lý cụ thể việc giáo dục-dạy học để xã hội có nhân cách mới, người quản trị tỉ mỉ các nguồn vốn xã hội giao cho trường để chuyển hóa nhân cách thành năng lực.
Ba vai trò quan trọng
Giải thích cho những vấn đề vừa nêu, PGS Đặng Quốc Bảo cho rằng: “Vai trò đầu tiên của người hiệu trưởng là năng lực nhạc trưởng, mỗi giáo viên trong nhà trường là một nhạc công. Nhạc trưởng không chơi một loại nhạc cụ nào nhưng bằng tài của mình hiệu trưởng phải tạo thành một bản hòa âm của bản nhạc giao hưởng. Việc của nhạc trưởng là truyền cảm hứng và động viên. Tôi thích so sánh đó” - PGS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Hiệu trưởng phải có phong thái người chỉ huy đơn vị quân đội hiện đại đưa tập thể người học thực hiện 4H (Học -hỏi - hiểu - hành) và 3S (sống kỷ cương - sống tình thương - sống trách nhiệm).
Với CBCNV, hiệu trưởng phải có năng lực của huấn luyện viên bóng đá. Bởi nhà trường ngày nay hoạt động như một xí nghiệp - xí nghiệp không có ống khói sản xuất nhân cách, nhân lực.
Hiệu trưởng - người đứng đầu nhà trường luôn phải nhạy cảm với quy luật giá trị, quy luật cung cầu của thị trường - quy luật cạnh tranh, quy luật kinh tế thời gian.
Điều đó có nghĩa là với sự trợ giúp của các bộ phận chuyên môn, hiệu trưởng phải nắm được chi phí cho đào tạo cho từng năm học.
Hiệu trưởng phải điều khiển hoạt động của các phòng ban trong nhà trường. Bộ phận giáo vụ/đào tạo, bộ phận quản trị,
bộ phận kiểm định, bộ phận marketing, các khoa/tổ chuyên môn… như điều khiển một hoạt động khi dự giải...
Ba năng lực tổng quát và 12 bộ số
PGS.TS Đặng Quốc Bảo quan niệm, dù ở vai trò gì, nhạc trưởng, chỉ huy quân đội hay huấn luyện viên bóng đá những trận đi tranh giải, hiệu trưởng cần có ba năng lực tổng quát: Thứ nhất là năng lực tư duy, đặc biệt là tư duy phản biện; thứ hai là năng lực công việc (chọn được đúng việc đã làm và làm khéo việc đã chọn); Thứ ba là năng lực quan hệ với con người (biến đối thủ thành đối tác, đưa đối tác thành đồng minh, đưa đồng minh thành đồng chí, đưa đồng chí thành tri âm, tâm giao).
Thế hệ trẻ cùng cần trang bị tư duy quản lý để hành động: Biết nắm cái cần nắm; biết buông cái cần buông… hãy nắm, buông hợp lý.
Ở nước ta, các nhà trường mang nhiều danh hiệu như trường học thân thiện, trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao, trường chuyên… dù mang bất cứ danh hiệu nào mà cái cốt của nó không theo tinh thần hướng đến người thầy - người học - thầy trò hợp tác kiến tạo thì khó có thể phát triển thành nhà trường đích thực của cuộc sống.
Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, hiệu trưởng cần quan triệt mười hai bộ số sau để quản lý minh triết:
Ba bộ số cho tư duy phản biện: Biết mình và biết người; Biết thế và biết thời; Biết đủ và biết dừng.
Bốn bộ số cho năng lực công việc như: Làm việc đúng và làm đúng việc đã chuẩn bị; Nguyên tắc và linh hoạt; sáng kiến và viễn kiến; toàn thể và cụ thể.
Năm bộ số cho năng lực quan hệ với con người: Chấp hành và điều khiển; cạnh tranh và nhường nhịn; lực hút và lực đẩy; quyền uy và bao dung; quyết đoán và dân chủ.
PGS.TS Đặng Quốc Bảo chia sẻ, từ kinh nhiệm thực tiễn nhiều năm làm cán bộ quản lý, khi tham khảo để xây dựng chuẩn hiệu trưởng, tôi vẫn nghiêng về mô hình Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc. Chúng ta cần phải xem họ xây dựng và thực hiện chuẩn như thế nào, giữa Trung ương và nhà trường họ làm chuẩn như thế nào, cuối năm đánh giá giáo viên ra sao. Cần xem văn bản khi đưa vào đời sống thực tiễn như thế nào.