1. Con đường nhận thức
Từ trực quan đến trừu tượng: Hãy bắt đầu từ cái nhìn thấy, nghe thấy, sau đó nâng lên tầm “khái quát”, “kết luận”.
Tự cụ thể đến khái quát: Từ ví dụ cụ thể gần gũi với cuộc sống, nâng lên thành “lý thuyết chung”.
Từ làm đến hiểu: hãy cho học sinh được chơi, được tham gia, rồi các em sẽ hiểu. Cái hiểu như thế sâu sắc và nhớ lâu hơn.
Từ thích thú đến tự giác: Trẻ chỉ học cái gì chúng thấy thích thú. Nếu vì bắt buộc mà phải học sẽ chỉ là “học hộ người lớn”. Vì vậy, lớp học phải vui, rộn rã tiếng cười, không cần “trật tự tuyệt đối”.
Nghe sẽ quên, nhìn sẽ nhớ, làm sẽ hiểu: Dạy kĩ năng là dạy chọ học sinh hiểu, từ đó sẽ chủ động luyện tập, dần dần mới hình thành kĩ năng.
2. Con đường tình cảm
Thích làm người lớn: Hãy cho các em cơ hội làm người lớn, được đóng vai “thầy giáo”, “cha mẹ”. Hãy cho các em những trọng trách lớn: Làm lớp trưởng, tổ trưởng, nhóm trưởng, đội trưởng để các em được khẳng định bản thân.
Thích được tôn trọng: Hãy để các em được tự quyết nhiều điều như thời gian bắt đầu, giải lao, kết thúc buổi học. Tự các em được xây dựng nội quy, đưa ra hình thức kỉ luật đối với người vi phạm. Đừng nói các em sai, hãy nhắc các em “nghĩ lại”, “xem xét lại”.
Dễ thay đổi tâm trạng: Vui vẻ, nhiệt tình rồi lại “ỉu xìu” ngay. Phải tạo ra hứng thú liên tục, điều chỉnh giọng nói, đôi khi phải hài hước… mua vui. Bên cạnh động viên khuyến khích, đừng ngại “năn nỉ”, vì HS cảm thấy mình được chú ý, được quan tâm, “có giá”. Dù sao chúng vẫn là “trẻ con”, nên đừng quên kết hợp DẠY và DỖ.
Tự ái cao: Hãy công bằng trong nhận xét, đánh giá, hãy sử dụng từ ngữ mềm dẻo khi nhận xét, chủ yếu là động viên. Ngay cả khi thi đua, cũng nên xem xét sự cố gắng của cả bên thua.
Nhạy cảm giới tính: Lưu ý khi chia nhóm, phân tổ, kết đôi. Trẻ cấp II không hồn nhiên như HS cấp I, cũng không hưng phấn thích thú như HS cấp III khi tiếp xúc với bạn khác giới. Lưu ý các trò chơi “Vợ chồng”, không tạo ra những tình huống phải ôm ấp, đụng chạm, nắm tay nhau quá nhiều, có thể trẻ rụt rè, e ngại, khó xử, nhất là bạn gái.
3. Những điều cần lưu ý khi giảng dạy
Hãy bước vào lớp với nụ cười. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng cúa chúng.
Hãy luôn ghi nhớ: Học trò không phải là một chiếc bình cần đổ đầy kiến thức, các em là những ngọn đuốc cần được thắp lên.
Hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng.
Đừng ngại thừa nhận với học trò là mình không biết về một vấn đề nào đó. Hãy cùng chúng tìm câu trả lời.
Giờ học chỉ là một phần cuộc sống của đứa trẻ, vì vậy đừng làm cho giờ học gò bó quá, cứng nhắc quá. Qua mỗi giờ học đứa trẻ cần trở thành một nhân cách cởi mở, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.
Đừng nói ngay những gì bạn muốn nói. Hãy hỏi học sinh trước khi bạn đưa ra câu trả lời. Khi phải cân nhắc giữa khen và chê, hãy lựa chọn khen. Hãy chắp cho đứa trẻ đôi cánh, hãy tin ở em, cho em hy vọng.
Không cần che giấu tình cảm của mình với các em, nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó. Hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em. Có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó. Bạn hãy giúp chúng nhận ra, phát triển chúng thêm.
Hãy cố gắng sống hết mình với các em. Vui cùng vui, buồn cùng buồn. Đùa nghịch và dạy dỗ. Hãy kiềm chế khi các em nói dối. Công bằng, kiên trì và trung thực là khẩu hiệu của bạn.
Đừng dạy học sinh quá tự tin – sau này chúng sẽ bị xa lánh; quá rụt rè – chúng sẽ bị coi thường; quá lắm lời – chúng sẽ không được ai tính đến; quá cứng nhắc – chúng sẽ bị khước từ.