(GD&TĐ) - Muốn gắn bó lâu dài với vùng cao, các GV không chỉ cần lòng yêu nghề mà còn phải gần gũi, hiểu được tâm lý học trò, từ đó có phương pháp GD phù hợp với đối tượng HS đặc biệt này.
*Đối tượng HS đặc biệt
Thầy Nông Văn Núi – Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Cao Bằng cho biết khi mới vào trường, nhiều HS cảm thấy không thoải mái khi phải tuân thủ các quy định của nhà trường bởi các em đã quen với nếp sinh hoạt tự do, không bị gò ép theo khuôn khổ. Mặt khác, HS mới vào lớp 10 chưa quen với việc phải xa gia đình, người thân trong một thời gian dài nên cần sự an ủi, động viên rất lớn của thầy cô, bạn bè. Bên cạnh đó, HS của trường thuộc 8 dân tộc khác nhau, mỗi dân tộc lại có những phong tục tập quán, đặc điểm sinh hoạt riêng nên để dung hòa được sự khác biệt này, uốn nắn các em theo nề nếp sinh hoạt chung là điều không đơn giản.
Cô Nguyễn Thị Mai Nguyên – Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, HS dân tộc có nhiều điểm khác biệt mà bất cứ GV vùng cao nào, nếu muốn đạt được hiệu quả GD cao, cũng phải hiểu rõ. Đa số các em đều xuất thân từ những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, giao tiếp xã hội hạn chế nên nhút nhát, tự ti, dễ “đầu hàng” hoàn cảnh. Chính vì thế, khi triển khai đổi mới phương pháp, đặc biệt là khi tổ chức hoạt động theo nhóm, đối với HS dân tộc gặp không ít khó khăn. Một số em còn chưa biết cách diễn đạt cho chuẩn, khó nói ra ý kiến của mình nên nhiều khi việc thảo luận nhóm không thể tiến hành được. Các em tỏ ra né tránh, ngại tham gia vào các hoạt động tập thể. HS vào trường DTNT đều có thể sử dụng tiếng phổ thông thành thạo nhưng đối với một số vấn đề khó, đôi khi các GV vẫn phải xử lý lại bằng tiếng dân tộc để các em có thể hiểu sâu sắc và thấu đáo hơn. Khi học các môn xã hội, HS dân tộc cũng gặp trở ngại vì đa số các em chưa được rèn kỹ năng trình bày lại hiểu biết của mình, mà chỉ rập khuôn một cách máy móc những lời giảng của GV, không quan tâm GV yêu cầu gì…
Một giờ học ở Trường THPT DTNT Cao Bằng |
Đối với HS dân tộc mới bắt đầu vào lớp 1, các GV còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa trong việc truyền đạt kiến thức bằng tiếng phổ thông cho các em. Thầy giáo Lưu Trung Kiên – GV dạy lớp 1 - Trường PTCS Hợp Nhất (xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) tâm sự: Do HS của trường đều là người Dao, các em hầu như cũng chỉ sử dụng tiếng dân tộc trong cuộc sống hàng ngày nên khi vào lớp 1, trình độ tiếng Việt của đa phần các em rất kém. Mục tiêu thầy đặt ra là hết lớp 1, các em đọc thông viết thạo cũng không hề dễ dàng đạt được.
Điều mà các GV ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn quan tâm hàng đầu là việc duy trì sĩ số lớp học. Cũng vì quen với nếp sinh hoạt tự do nên có không ít HS chỉ xin nghỉ phép mấy ngày do nhà có việc nhưng rồi ở lại nhà luôn, không trở lại trường nữa như trường hợp HS Ngô Thị Sống (năm nay lên lớp 12) – Trường THPT DTNT Cao Bằng, dân tộc Mông, nhà ở huyện Nguyên Bình. Trước Tết Kỷ Sửu mấy ngày, em xin nghỉ trước, rồi sau Tết không đi học trở lại. Đối với trường hợp này, GV chủ nhiệm phải về tận nhà động viên em quay lại trường, sau đó nhanh chóng bổ sung cho em những kiến thức thiếu hụt trong thời gian em nghỉ học rồi linh động cho em thi sau các bạn.
Việc HS dân tộc nghỉ học dài ngày trong những dịp lễ, tết của dân tộc mình cũng không hiếm. Thầy Nguyễn Duy Phan – GV dạy tiếng Anh của Trường PTCS Hợp Nhất cho biết vào dịp Tết Nguyên đán, các em HS dân tộc Dao thường xin nghỉ trước đến hàng tuần lễ vì từ cuối tháng chạp đến hết tháng giêng, đồng bào Dao có nhiều ngày lễ tết. Tuy biết HS nghỉ nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động dạy – học nhưng nhà trường cũng không thể không cho các em nghỉ.
*Phải gần gũi và hiểu tâm lý HS
Đó là bài học kinh nghiệm sâu sắc mà thầy hiệu trưởng Trường THPT DTNT Cao Bằng Nông Văn Núi rút ra sau nhiều năm gắn bó với GD vùng cao. Nhìn chung, sự quan tâm của gia đình đối với việc học hành của con em ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất hạn chế. Có HS trong suốt 3 năm học ở trường nội trú không được gia đình hỗ trợ gì, thậm chí một vài gia đình còn tận dụng cả tiền trợ cấp của con. Chính vì thế, nhiều HS gắn bó với GV chủ nhiệm như ruột thịt. Một số HS còn vay cả tiền của GV để làm lộ phí về quê.
Vai trò của GV chủ nhiệm trong việc GD HS dân tộc rất quan trọng. Trong điều kiện sự phản hồi, đôn đốc từ phía gia đình HS rất ít ỏi, để đạt hiệu quả GD cao, GV chủ nhiệm phải chủ động tìm hiểu hoàn cảnh, đặc điểm của từng HS để có cách GD phù hợp. Đặc biệt, Trường THPT DTNT Cao Bằng luôn chú trọng đến việc GD, rèn luyện HS khối 10 vì các em mới vào trường, chưa quen với môi trường sinh hoạt tập thể, với kỷ luật của nhà trường. Theo thầy Nông Văn Núi, ngay từ khi mới vào trường, nhà trường đã cho HS khối 10 làm bài kiểm tra chất lượng môn Văn và môn Toán, từ đó phân loại trình độ HS và xếp lớp. Những GV có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao được phân công làm GV chủ nhiệm các lớp khối 10. Hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường căn cứ vào hiệu quả GD của từng lớp để quyết định những GV nào được tiếp tục làm GV chủ nhiệm.
Thực tế, ở các trường vùng cao, “trường học thân thiện” đã được thực hiện từ lâu bởi GV và HS rất gần gũi. Cô Mai Nguyên cho biết, sống trong môi trường nội trú không tránh khỏi chuyện một số đôi nảy sinh tình cảm với nhau. Trước những tình huống nhạy cảm như thế, GV chủ nhiệm phải khéo léo gặp gỡ, trò chuyện với từng em, không phải để ngăn cấm mà thay người cha người mẹ hướng các em đi vào đúng quỹ đạo của tình cảm học trò trong sáng, giúp nhau cùng tiến bộ trong học tập. Một mô hình tư vấn tình cảm, các kiến thức về sức khỏe sinh sản… cũng rất hiệu quả cho HS dân tộc là “Góc tư vấn thân thiện” ở Trường THPT DTNT Cao Bằng, do dự án CHIC (thuộc Tổ chức ADRA – một tổ chức phi chính phủ của Úc) tài trợ. Góc tư vấn này do cô giáo Phó bí thư Đoàn trường và một thầy trong ban giám hiệu giám sát, mỗi lớp có 1 HS tham gia.
Bên cạnh đó, ở các trường dân tộc nội trú, một số HS lớn tuổi hơn các bạn cùng khối nên có khi chưa hoàn thành hết 3 năm học, gia đình đã giục lấy vợ, lấy chồng. Khi gặp trường hợp này, GV chủ nhiệm lại phải tìm hiểu hoàn cảnh rồi nhẹ nhàng khuyên bảo, phân tích cho HS đó hiểu vì sao chưa nên lập gia đình sớm.
Theo cô Mai Nguyên, thời gian đầu mới vào trường, một số trường hợp thấy học khó vào, do các em bị hổng kiến thức từ những lớp dưới, đã tỏ rõ tâm lý chán nản và định bỏ về. Với những trường hợp này, các thầy cô vừa dạy, lại vừa phải “dỗ” các em. Mặc dù đã lên đến cấp THPT, nhưng GV vẫn phải thường xuyên kiểm tra xem các em ghi bài vở như thế nào, đặt câu hỏi phải phù hợp với trình độ của các em và thường xuyên động viên, khen ngợi khi HS làm bài tốt, trả lời đúng.
Để HS dân tộc hiểu bài, nắm chắc kiến thức, có hứng thú trong học tập, các GV vùng cao đã phải dồn hết thời gian và tâm huyết. Ở những trường nội trú như Trường THPT DTNT Cao Bằng, ngoài giờ lên lớp, GV còn phải quản lý HS trong giờ tự học (từ 19h đến 21h30 hàng ngày). Còn để giúp HS dân tộc đọc thông viết thạo, thầy giáo Lưu Trung Kiên (Trường PTCS Hợp Nhất, Ba Vì, HN) không nề hà dạy thêm giờ, vận dụng toàn bộ khả năng của mình trong một tiết dạy để học trò có thể hiểu bài một cách tốt nhất. Và nếu không có tâm huyết và lòng yêu nghề cháy bỏng, chắc chắn thầy giáo Đàm Văn Toọc (dân tộc Tày), GV ở điểm trường Nậm Lìn – Trường Tiểu học Pác Bó – xã Trường Hà – huyện Hà Quảng – Cao Bằng không thể ngày ngày vượt 7km đường núi dốc dựng đứng, nguy hiểm luôn rình rập để đến với các HS của mình.
Thế mới biết, ở vùng khó, khó khăn không chỉ do điều kiện kinh tế - xã hội, giao thông, trình độ nhận thức… mà con đường đem tri thức đến cho HS dân tộc cũng đầy chông gai, thử thách sự kiên trì và lòng hy sinh của các thầy cô giáo.
Chu Minh Trường