Hiệu quả từ mô hình trồng cây mướp lấy xơ để xuất khẩu

GD&TĐ - Người dân ở huyện Thanh Chương (Nghệ An) được Hội Nông dân và doanh nghiệp hỗ trợ mô hình trồng cây mướp lấy xơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Người dân xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An chăm sóc cây mướp.
Người dân xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An chăm sóc cây mướp.

Mô hình trồng mướp xuất khẩu

Thanh Tiên là xã miền núi của huyện Thanh Chương (Nghệ An), kinh tế người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vụ Đông Xuân 2023-2024, Hội Nông dân xã Thanh Tiên triển khai mô hình trồng mướp lấy xơ trên tổng diện tích trồng hơn 1,1ha.

Giống mướp lấy xơ là loại giống đặc thù, không giống như mướp truyền thống dùng để làm thực phẩm. Mướp lấy xơ quả to, dài, xơ mướp trắng, đáp ứng với thời tiết khắc nghiệt ở Nghệ An.

Các hộ tham gia mô hình được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cũng như hỗ trợ khoa học, kỹ thuật từ khi trồng đến lúc thu hoạch.

Chi phí cho mỗi ha đầu tư lần đầu như: hạt giống, màng phủ, phân bón, lưới làm giàn leo, thuốc bảo vệ thực vật và hệ thống tưới tiêu… tốn khoảng 150-180 triệu đồng. Từ năm thứ 2 trở đi ít hơn nhiều bởi đầu tư hệ thống giàn, lưới có thể sử dụng trong nhiều năm.

Sau khi hoàn thành việc làm đất, đóng cọc giàn, mướp được xuống giống. Sau 3 tháng, mướp bắt đầu cho thu hoạch. Trong quá trình mướp sinh trưởng, phát triển, ra quả, người dân tỉa bớt quả non, đảm bảo về mật độ quả để cây đủ chất dinh dưỡng nuôi quả.

giamngheo1.jpg
Giống mướp lấy xơ có quả to, dài, xơ mướp trắng sử dụng để làm đồ dùng.

Sau 2 tháng gieo trồng, mướp cho thu hoạch quả non, phải tỉa bớt quả để cây nuôi số quả còn lại được to, cây leo giàn sẽ thẳng, đẹp hơn.

Khoảng 1 tháng sau, mướp cho thu hoạch, trung bình 3 tháng/đợt. Mỗi vụ người nông dân sẽ thu hoạch mướp từ 3-4 đợt, kết thúc khoảng tháng 10, 11 hàng năm.

Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, quy trình trồng tuân thủ nghiêm ngặt đúng kỹ thuật nên mướp cho quả to, có những quả đạt hơn 80cm.

Mướp sau khi thu hoạch được đập cho vỡ lớp vỏ bên ngoài, sau đó ngâm vào nước khoảng 2 tiếng quả tự tách ra. Tiếp đó, người dân rũ xơ mướp cho hạt rời khỏi quả, tiếp tục ngâm một lần trong nước sạch khác để xơ mướp sạch, trắng.

Xơ mướp được kết thành từng chùm để mang đi phơi nắng trên giàn. Dưới cái nắng từ 35-38 độ C, chỉ cần một ngày nắng là xơ mướp khô giòn, có thể đóng vào túi ni lông để bảo quản.

Nhận xét về mô hình này, ông Dương Đắc Thắng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Tiên cho biết, mướp lấy xơ là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh.

Sản phẩm xơ mướp sau sơ chế được đơn vị liên kết thu mua toàn bộ, giá cả được phân loại theo độ dài của từng xơ mướp, dao động từ 3.000-5.000 đồng/chiếc.

Trong đợt đầu tiên, mô hình tập thể của Hội Nông dân xã Thanh Tiên dự kiến thu hoạch 15.000-20.000 chiếc xơ mướp, chủ yếu kích cỡ 47-70cm, dự kiến doanh thu từ 50-100 triệu đồng.

"Trồng mướp lấy xơ đang mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại nguồn thu nhập khá, giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh tập huấn cho hội viên và mở rộng diện tích trồng theo mô hình này", ông Thắng chia sẻ.

giamngheo2.jpg
Vườn mướp lấy xơ ở xã Hưng Đông, TP Vinh.

Nhân rộng mô hình xóa đói giảm nghèo

Thời gian qua, ở một số địa phương trong tỉnh Nghệ An, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang vì nhiều lý do. Trong đó, việc giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị canh tác thấp, chỉ đạt ngang vốn hoặc có khi thua lỗ khiến người dân không mặn mà.

Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những vùng đất khó canh tác, trồng cây kém hiệu quả sang trồng mướp lấy xơ sẽ tăng giá trị sản phẩm, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Xơ mướp xuất khẩu sẽ trở thành sản phẩm xuất khẩu và cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Theo Hội Nông dân tỉnh Nghệ An, những cánh đồng trồng mướp lấy xơ đang ngày một mở rộng trên nhiều diện tích đất vốn không hiệu quả với các loại cây trồng khác, với tổng diện tích hơn 30ha.

Trong đó, phải kể đến các huyện Con Cuông, Thanh Chương, Yên Thành, Nam Đàn - những địa phương nâng tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ những loại cây kém hiệu quả sang trồng mướp lấy xơ.

Dự kiến đến năm 2025, doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm sẽ phối hợp với nông dân để mở rộng diện tích trên 100ha tại những vùng đất khó, kém hiệu quả.

Bên cạnh đó, công ty cũng hỗ trợ bước đầu cho người dân tham gia vào mô hình như: cây giống, lưới và nilon phủ. Còn phía Hội Nông dân tỉnh Nghệ An hỗ trợ tín chấp phân bón, tập huấn…

Sự liên kết này sẽ là tiền đề hình thành các chuỗi sản xuất, góp phần nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho nông sản cũng như thu nhập cho người dân.

giamngheo4.jpg
Một số sản phẩm được làm từ xơ mướp.

Ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết, toàn tỉnh có đến 2/3 diện tích là miền núi, đất đai rộng nên hi vọng mô hình này sẽ là bước đi bền vững cho bà con. Bước đầu, cho thấy đây là mô hình rất phù hợp để giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, có thêm nguồn thu nhập.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân mong muốn doanh nghiệp cùng sát cánh để lựa chọn địa phương có đặc điểm đất đai, thời tiết phù hợp nhằm xây dựng nên những mô hình có hiệu quả, tạo sức lan tỏa.

Xơ mướp có thể chế biến thành các sản như: bông tắm, miếng cọ nồi, miếng rửa bát, lót giày, túi xách... Những sản phẩm này được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và các nước châu Âu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ