(GD&TĐ) - Ngày 14/8, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Công an về công tác đào tạo. Hội nghị do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đồng chủ trì với sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ; các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD&ĐT; các trường và đơn vị thuộc Bộ Công an.
Nhiều hiệu quả từ nỗ lực của cả hai phía
Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Biên bản thỏa thuận về công tác đào tạo giữa Bộ Công an và Bộ GD&ĐT được ký kết từ tháng 12/2007; nhằm triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về GD – ĐT và tăng cường đổi mới công tác GD – ĐT trong Công an nhân dân (CAND) giai đoạn hiện nay; đồng thời đẩy mạnh sự trao đổi hợp tác giữa hai Bộ, hướng tới thực hiện tốt các đề án, dự án, chương trình nhiệm vụ GD – ĐT của Bộ Công an.
Qua 5 năm thực hiện những nội dung quan trọng ghi trong Biên bản thỏa thuận hợp tác, lãnh đạo hai Bộ và các đơn vị chức năng đã có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ, khẳng định mối quan hệ hợp tác ngày càng được tăng cường, duy trì thường xuyên và đi vào chiều sâu, tập trung giải quyết và hỗ trợ có hiệu quả cho sự phát triển công tác GD – ĐT trong CAND. Theo Đại tướng Trần Đại Quang, các đơn vị chức năng của hai Bộ đã thường xuyên trao đổi, hợp tác cùng giải quyết những nội dung cụ thể đặt ra nhằm thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ GD – ĐT trong CAND. Một trong những nội dung quan trọng nhất có thể kể đến là công tác phối hợp trong xây dựng, triển khai thực hiện các đề án, dự án về phát triển công tác GD – ĐT và quy hoạch các trường CAND, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo…
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu ý kiến tại Hội nghị |
Yêu cầu hàng đầu vẫn là cân bằng và chất lượng trong đào tạo
Bên cạnh những kết quả đạt được, hai bên cũng thẳng thắn trao đổi những khó khăn tồn tại trong hợp tác về công tác đào tạo thời gian qua. Trong đó, đại diện các trường thuộc Bộ Công an đã nêu nhiều đề xuất kiến nghị với lãnh đạo hai Bộ, tập trung vào các nội dung như: Tạo điều kiện cho công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên (đặc biệt là về ngoại ngữ); cơ chế liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế; chính sách đối với đội ngũ giáo viên trong các trường CAND; tạo điều kiện và hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ… Cùng với đó, Bộ Công an cũng đề xuất, kiến nghị với Bộ GD&ĐT một số nội dung tiếp tục hợp tác giữa hai bên, như: Hỗ trợ Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện hệ thống mạng lưới các trường CAND; hoàn thiện danh mục và mở một số ngành đào tạo trong CAND; hỗ trợ phát triển đội ngũ nhà giáo CAND…
Hầu hết những đề xuất, kiến nghị đưa ra tại Hội nghị đã được đại diện các cơ quan chức năng thuộc Bộ GD&ĐT giải đáp hoặc tiếp thu; đại diện Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Bộ Tài chính cũng đã có những giải đáp, làm rõ những nội dung có liên quan, đặc biệt trong kiến nghị hỗ trợ hoàn thiện hệ thống mạng lưới các trường CAND hay hợp tác, liên kết đào tạo.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định xây dựng lực lượng CAND là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có Bộ GD&ĐT. Các trường thuộc CAND và Quốc phòng là một bộ phận quan trọng của hệ thống GD quốc dân và có một vị trí rất đặc biệt. Khẳng định hai bên đã đạt được nhiều kết quả, cụ thể trong việc triển khai Biên bản thỏa thuận thời gian qua, Bộ trưởng cho biết quan điểm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT là phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà trường thuộc hệ thống quốc phòng và an ninh triển khai nhiệm vụ đào tạo ở tất cả các bậc học; nghiên cứu khoa học trong phạm vi có thể; đặc biệt là công tác đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GD.
Đối với đề nghị tiếp tục hỗ trợ hoàn thiện hệ thống các trường CAND, trong đó có đề nghị hỗ trợ nâng cấp Học viện An ninh và Học viện Cảnh sát thành các cơ sở đào tạo trọng điểm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nêu rõ quan điểm ủng hộ của Bộ GD&ĐT; với định hướng trước mắt là sẽ tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, các nhà khoa học cho các nhà trường. Đối với đề xuất sớm thành lập Học viện Chính trị CAND, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng giữa hai Bộ (Ban quản lý Dự án thành lập Học viện của Bộ Công an và Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ GDĐH của Bộ GD&ĐT) cần có những trao đổi trực tiếp, cụ thể về tất cả những nội dung liên quan đến Đề án, đi đến thống nhất chung trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Đối với những đề xuất liên quan đến các trường CĐ, TCCN thuộc CAND, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị các bên rà soát, phê duyệt lại quy hoạch mạng lưới, trên cơ sở đó mới thấy được yêu cầu thực tế có cần thiết phải nâng cấp hệ đào tạo hay không; với quan điểm lớn nhất mà Bộ trưởng đưa ra là cần phải giữ được sự cân bằng, ổn định và chất lượng cho toàn bộ hệ thống mạng lưới; phục vụ hiệu quả nhu cầu đào tạo đặt ra của lực lượng CAND.
Nhất Nguyên