Hiệu quả của công nghệ số ngày càng thể hiện rõ nét ở vùng cao

GD&TĐ - Công nghệ số đã dần thay đổi phương pháp giảng dạy học tập từ truyền thống sang tích cực, phát huy tư duy, sáng tạo của thầy và trò vùng cao.

Hiệu quả của công nghệ số ngày càng thể hiện rõ nét ở vùng cao.
Hiệu quả của công nghệ số ngày càng thể hiện rõ nét ở vùng cao.

Công nghệ góp phần phát huy khả năng sáng tạo

Hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số thể hiện rõ nét ở mỗi lớp học vùng cao. Học trò vùng khó, vùng dân tộc giờ đây tự tin lướt web, biết sử dụng phần mềm phục vụ việc học, tra cứu tài liệu. Những tiết học không biên giới kết nối bạn bè 5 châu, lan tỏa văn hóa vùng miền; giúp trẻ tự tin trong giao tiếp, thêm tự hào về truyền thống quê hương.

Tại huyện miền núi Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn thiếu thốn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương thời gian qua ngành giáo dục huyện Định hóa đã được hỗ trợ cả về nhân lực và nguồn lực trong ứng dụng Công nghệ thông tin.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoài, trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, 100% các trường học trên địa bàn huyện đều đã có phòng máy, trên 50% các lớp học được trang bị Tivi phục vụ hoạt động dạy và học.

Tất cả các nhà trường ở điểm chính trên địa bàn đều được kết nối internet, nhiều phần mềm hỗ trợ công tác quản lý, dạy học được áp dụng; giáo viên đều sử dụng thành thạo phần mềm Powerpoint để thiết kế giáo án, khai thác tốt nguồn tài liệu trên internet; thực hiện soạn giáo án trên máy tính và có sử dụng trình chiếu trong các tiết học; tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT, qua đó góp phần nâng cao năng lực của giáo viên trong việc ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn.

Bên cạnh đó, năng lực thích ứng, học hỏi và thực hành ứng dụng CNTT vào dạy học của đội ngũ giáo viên trên địa bàn huyện Định Hóa rất tích cực. Trong bối cảnh phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, ngành Giáo dục đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19, vừa kiên trì mục tiêu chất lượng và hoàn thành kế hoạch năm học.

Ngay cả khi dịch Covid-19 đã ổn định, đội ngũ cán bộ, giáo viên trên địa bàn vẫn tiếp tục duy trì sử dụng CNTT trong quản lý, xây dựng bài giảng. Nhờ đó bài giảng của giáo viên sẽ sinh động và hấp dẫn hơn rất nhiều so với bài giảng áp dụng phương pháp dạy học thuyết trình, mỗi tiết học áp dụng CNTT sẽ thu hút được sự chú ý, tạo hứng thú cho học sinh qua đó, giúp việc dạy và học đạt hiệu quả cao hơn.

Định Hóa có tỷ lệ học sinh được tiếp cận CNTT là 85%.

Định Hóa có tỷ lệ học sinh được tiếp cận CNTT là 85%.

Cần tiếp tục quan tâm, đầu tư

Tuy nhiên, theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại huyện Định Hóa có tỷ lệ học sinh được tiếp cận CNTT là trên 85% học sinh được tiếp cận thường xuyên, tiếp cận với công nghệ hiện đại là thấp. Bởi điều kiện ứng dụng Công nghệ thông tin trong giảng dạy còn chưa thuận lợi, cơ sở vật chất, phòng máy của một số trường hiện thiếu về số lượng, yếu về chất lượng.

Hệ thống máy có cấu hình thấp, hay hỏng, ít được bổ sung, sửa chữa, thay thế nên để đảm bảo cho việc dạy và học các trường đã linh hoạt chia thành các ca học, sắp xếp lịch thực hành không chồng chéo, bên cạnh đó chia học sinh thành nhóm từ 3 – 4 em chung một máy. Đối với hệ thống máy chiếu và tivi, do chưa được đồng bộ nên các giáo viên sẽ thay phiên và sắp xếp lịch giảng dạy cho hợp lý.

Ngoài ra, tính đến hết năm học 2022 – 2023, trên địa bàn huyện vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên tin học, chính vì vậy, để khắc phục khó khăn trên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Định Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp để bổ sung, tăng cường giáo viên Tin học cho các trường tiểu học trên địa bàn như ưu tiên tuyển dụng giáo viên dạy tin học, thực hiện điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái, điều động giáo viên môn tin học cấp THCS theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học sau khi đã được tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy, chương trình, SGK môn học của cấp tiểu học.

Thực hiện quản lý, đánh giá giáo viên, có phương án hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên được điều động, biệt phái dạy liên trường, liên cấp học phù hợp với thực tế của địa phương và bảo đảm đúng quy định.

Như vậy, mặc dù đã nhận được sự quan tâm từ các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, tuy nhiên để công nghệ thông tin, chuyển đổi số phát huy tối đa hiệu quả thì vẫn cần được đầu tư đồng bộ cả về nhân lực và nguồn lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ