Mặc dù vậy, nếu đã được tiêm phòng, khi mắc quai bị, bệnh sẽ nhẹ và thời gian bị bệnh ngắn hơn bình thường.
Sự ra đời của vắc-xin
Quai bị có thể là một bệnh nhẹ nhưng thường gây khó chịu và biến chứng không hiếm gặp. Đặc biệt, một số biến chứng của bệnh quai bị bao gồm viêm màng não; viêm tinh hoàn ở nam giới đến tuổi dậy thì.
Trong đó, khoảng một nửa người gặp biến chứng bị teo tinh hoàn ở mức độ nào đó. Người mắc quai bị cũng có thể gặp biến chứng viêm buồng trứng ở phụ nữ đến tuổi dậy thì, hoặc điếc vĩnh viễn ở một hoặc cả hai tai.
Trước khi có vắc-xin ngừa quai bị, căn bệnh này là một trong những nguyên nhân chính gây điếc ở trẻ em. Một số nghiên cứu cũng cho thấy sự gia tăng tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ mang thai bị nhiễm quai bị trong ba tháng đầu.
Trong khi các nghiên cứu khác nhau về căn bệnh này đã được thực hiện trong suốt thế kỷ 19 và 20, thì căn nguyên của virus quai bị cuối cùng cũng đã được phát hiện và ghi lại bởi Claud D. Johnson và Ernest W.Goodpasture vào năm 1934.
Theo đó, những con khỉ nâu/ khỉ rezut bị nhiễm virus tìm thấy trong mẫu nước bọt lấy từ miệng bệnh nhân mắc quai bị ở giai đoạn đầu của bệnh. Giai đoạn đầu của bệnh quai bị thì bệnh đã tự phát triển.
Do đó, họ đánh giá virus này là nguyên nhân gây bệnh quai bị, và từ đây cho phép con đường nghiên cứu mới mở ra để phát triển một loại vắc-xin giúp ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.
Vắc-xin quai bị được sử dụng rộng rãi ngày nay ở Mỹ đã được cấp phép vào năm 1967. Nhà nghiên cứu vắc-xin nổi tiếng Maurice Hilleman đã phát triển loại vắc-xin này bằng cách sử dụng virus quai bị được phân lập từ con gái ông, Jeryl Lynn, khi cô bé bị bệnh quai bị lúc 5 tuổi.
Ba loại vắc-xin (cho bệnh quai bị, sởi và rubella) được kết hợp vào năm 1971 để trở thành vắc-xin sởi - quai bị - rubella (MMR). Tại Mỹ, vắc-xin đã được cấp phép vào năm 1971 và liều thứ hai được giới thiệu vào năm 1989.
Hầu hết các nước công nghiệp phát triển và một số nước đang phát triển đều đưa vắc-xin phòng bệnh quai bị vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về tiêm chủng quai bị là: “Việc tiêm phòng quai bị định kỳ được khuyến khích ở các quốc gia có chương trình tiêm chủng cho trẻ em hiệu quả, được thiết lập tốt và có khả năng duy trì độ bao phủ tiêm chủng ở mức độ cao đối với việc tiêm phòng sởi và rubella (nghĩa là độ bao phủ > 80%). Việc giảm tỷ lệ mắc bệnh quai bị là ưu tiên hàng đầu của sức khỏe cộng đồng”.
Dựa trên tỷ lệ tử vong và gánh nặng bệnh tật, WHO coi việc kiểm soát bệnh sởi và phòng ngừa hội chứng rubella bẩm sinh là ưu tiên cao hơn việc kiểm soát bệnh quai bị. WHO khuyến cáo nên thực hiện tiêm chủng quai bị thông qua vắc-xin MMR, thay vì vắc-xin quai bị một thành phần.
Để giảm sự lây lan của bệnh quai bị, vắc-xin MMR (sởi, quai bị và rubella) thường được tiêm ngay từ khi còn nhỏ để xây dựng khả năng miễn dịch với virus. Kể từ khi vắc-xin MMR được áp dụng, số ca mắc bệnh quai bị ở Mỹ đã giảm 99%.
Vắc-xin có thể giúp chúng ta phòng ngừa an toàn trước bệnh quai bị. Để đạt được hiệu quả phòng bệnh tối ưu, người dùng phải thực hiện tiêm chủng 2 liều. Liều đầu được khuyến khích dùng cho trẻ từ 12 đến 18 tháng tuổi. Liều thứ 2 thường sẽ được dùng vào tầm từ 4 đến 6 tuổi.
Vắc-xin quai bị ở Mỹ được cấp phép vào năm 1967. Ảnh minh hoạ |
Phác đồ chủng ngừa
Quai bị được cho là bệnh nhiễm trùng tuyến nước bọt mang tai do loại virus ARN gây ra ở con người. Theo thống kê, trẻ em trong độ tuổi từ 5 - 9 tuổi là nhóm dễ mắc quai bị nhất.
Khi tiêm vắc-xin, các bác sĩ cũng có những lưu ý dành cho người bệnh trước khi tiến hành tiêm. Cụ thể, lưu ý trường hợp mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, kể cả các thành phần tá dược.
Phụ nữ sau khi tiêm vắc-xin phòng quai bị thì tránh mang thai trong vòng 3 tháng kể từ ngày tiêm. Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú thì cần có sự cho phép của bác sĩ chứ không được tự ý đi tiêm vắc-xin.
Trong trường hợp lỡ tiêm vắc-xin mới biết mình có thai, sản phụ nên thông báo ngay với bác sĩ sản khoa để được tư vấn và theo dõi thai kỳ. Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị, rubella trong thai kỳ không phải là yếu tố tiên quyết để chấm dứt thai kỳ.
Vắc-xin phối hợp sởi, quai bị, rubella được tiêm theo phác đồ. Trong đó, đối với người lớn thì chỉ cần tiêm một liều 0,5 ml phía trên bắp tay. Đối với trẻ em thì liều thứ nhất sẽ tiêm khi trẻ 12 - 18 tháng tuổi. Liều thứ 2 được tiêm khi trẻ trong khoảng từ 4 - 6 tuổi hoặc trước khi trẻ đi học. 2 liều này phải tiêm cách nhau tối thiểu là 1 tháng.
Bên cạnh phản ứng thông thường như sưng, đau tại vị trí tiêm, khi thực hiện tiêm vắc-xin quai bị, mọi người cũng sẽ có thể gặp một vài phản ứng phụ ít xảy ra. Các phản ứng bao gồm: Phát ban nhẹ trên bề mặt da; Viêm họng; Sốt; Nổi hạch; Viêm, đau khớp trên cơ thể.
Nhiều người bày tỏ lo ngại và đặt câu hỏi về việc, liệu tiêm vắc-xin quai bị rồi thì có thể mắc bệnh nữa không. Theo các chuyên gia, do vắc-xin phòng quai bị đã được kết hợp với các vắc-xin khác nên hiệu quả bảo vệ cơ thể chỉ còn rơi vào khoảng 90 - 95%.
Mặc dù vậy, người bệnh khi bị sẽ nhẹ hơn và thời gian mắc bệnh sẽ ngắn hơn bình thường nếu đã được tiêm vắc-xin phòng quai bị. Lý do là vì ở bên trong cơ thể khi tiêm vắc-xin đã tạo sẵn các kháng thể để phòng bệnh.
Điều đó có nghĩa là khi được tiêm phòng, hệ miễn dịch cơ thể của chúng ta đã có thể nhận biết được virus quai bị là một vật thể lạ. Khi đó, cơ thể sẽ tạo nên kháng thể để tiêu diệt virus gây bệnh.
Khi thực sự bị quai bị, hệ miễn dịch của cơ thể của người từng tiêm chủng đã được chuẩn bị sẵn sàng để phòng chống lại các tác nhân gây bệnh quai bị một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, hệ miễn dịch của mỗi con gười có đáp ứng được với vắc-xin phòng quai bị hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Độ tuổi tiêm, loại vắc-xin đã tiêm hay tình trạng sức khỏe của mỗi người, chất lượng vắc-xin, cơ sở vật chất cũng như tuân thủ quy trình tiêm chủng của nhân viên y tế,…
Vắc-xin quai bị là một mũi tiêm cần thiết cho trẻ nhỏ và cả người trưởng thành. Quai bị có thể gây ra các biến chứng rất nguy hiểm và tổn hại đến sức khỏe của con người. Vì vậy, các phụ huynh cần nâng cao các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, đặc biệt là tuân thủ tiêm chủng vắc-xin ngay từ đầu để ngăn chặn nguy cơ nhiễm bệnh.