Hiểu đúng về siêu Trái đất

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trong vật lý thiên văn hiện đại, có một thuật ngữ được gọi là “siêu Trái đất” (super-Earth). Thuật ngữ này bạn có thể thấy khá nhiều nếu thường xuyên theo dõi thông tin về việc tìm kiếm các ngoại hành tinh.

Hiểu đúng về siêu Trái đất

Không phải là hành tinh giống Trái đất

Rất nhiều người đang hiểu sai thuật ngữ “siêu Trái đất. Nhiều cơ quan báo chí cũng chưa hiểu đúng, đưa tin, rút tittle giật gân về hiện tượng này với từ ngữ như “Trái đất thứ hai”, “tìm ra hành tinh có sự sống”…

Chỉ cần lướt thấy có thông tin đại ý các nhà khoa học đã phát hiện một siêu Trái đất cách chúng ta 50 năm ánh sáng, nhiều tờ báo đã vội vàng rút tittle cho ra đời những bài báo giật gân.

Sự vội vàng này cũng như sự hiểu nhầm của tuyệt đại đa số người đọc đến từ việc cho rằng “siêu Trái đất” là một hành tinh như Trái đất, nhưng ở xa hay là lớn hơn một chút. Thậm chí, người ta còn dễ dàng nhầm tưởng rằng các nhà thiên văn đã tìm ra một hành tinh rất giống Trái đất và có thể có sự sống ở đó. Điều này hoàn toàn là ngộ nhận.

Vậy siêu Trái đất là gì? Rất đơn giản, siêu Trái đất là những hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái đất nhưng nhỏ hơn các hành tinh khí khổng lồ của Hệ Mặt trời, thường được quy ước là từ trên 1 cho tới 10 lần khối lượng Trái đất.

Một số nhà khoa học đề xuất rằng ngoài giới hạn này thì còn cần quy ước thêm siêu Trái đất cần là các hành tinh đá, tuy nhiên việc đó là không chính thức.

Như vậy, siêu Trái đất chỉ đơn giản là các hành tinh có khối lượng trong khoảng nêu trên. Ngoài ra, không có bất cứ quy ước nào về thành phần hóa học, điều kiện bề mặt, có khí quyển hay không, và do đó càng không liên quan dù chỉ một chút nhỏ nhất tới việc có sự sống hay không.

Hiện tại, cũng như ít nhất vài thập kỷ tới, không có bất cứ kính thiên văn nào - dù là kính mặt đất hay kính không gian, dù thu ánh sáng ở bước sóng nào đi nữa - có khả năng quan sát được bề mặt và khí quyển của một hành tinh ngoài Hệ Mặt trời.

Hệ hành tinh gần nhất nằm cách chúng ta 4 năm ánh sáng, và người ta cũng chỉ có thể phát hiện ra sự tồn tại của các hành tinh ở đó qua hiện tượng quá cảnh (transit) - tức là dựa vào sự suy giảm ánh sáng của ngôi sao một cách có chu kỳ khi hành tinh di chuyển qua để ngoại suy ra, chứ không hề nhìn thấy hành tinh một cách trực tiếp.

Không có phiên bản Trái đất thứ hai

Siêu Trái đất chỉ là hành tinh có khối lượng lớn hơn Trái đất và nhỏ hơn các hành tinh khí khổng lồ, không hề nói lên là nó giống Trái đất. Những hành tinh có kích thước và khối lượng tương tự Trái đất thì được gọi là “hành tinh dạng Trái đất” (Earth-like planet), nhưng ngay cả chúng cũng chỉ giống Trái đất về kích thước và khối lượng, chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng có khả năng sống được.

Bất cứ bài báo nào, dù từ địa chỉ nào, tuyên bố rằng đã tìm thấy “Trái đất thứ hai”, “hành tinh giống hệt Trái đất”, “hành tinh có thể sống được”... đều là sai sự thật, không có thông tin khoa học nào trong đó.

Ngay cả trên Wikipedia tiếng Anh, để minh họa cho “siêu Trái đất”, họ cũng đặt một siêu Trái đất giữa Trái đất và sao Hải Vương để thể hiện tương quan kích thước và khối lượng. Siêu Trái đất được để trắng để nhấn mạnh rằng chúng ta không hề biết bất cứ đặc điểm gì về chúng trừ khối lượng và có thể là cả kích thước. Mọi hình ảnh trong các bài báo mà bạn thấy về các ngoại hành tinh đều là hình ảnh được dựng trên máy tính.

Từ lâu, các nhà thiên văn đã tìm kiếm khắp nơi trong vũ trụ với hy vọng khám phá ra những nền văn minh ngoài Trái đất. Nhưng để một hành tinh có sự sống, nó cần phải có nước ở thể lỏng. Việc tính toán khả năng cho những phát hiện như vậy dường như là không thể bởi những hành tinh như Trái đất được cho rằng có nước một cách ngẫu nhiên nếu như có một tiểu hành tinh băng cỡ lớn nào đó va chạm với hành tinh.

Theo thang thời gian thiên văn, vũ trụ ra đời cách đây gần 14 tỉ năm và Trái đất cùng với Hệ Mặt trời hình thành cách đây khoảng 4,6 tỉ năm. Khá gần đây, theo thang thời gian trên, loài người mới biết được rằng chúng ta đang ở đâu trong vũ trụ này.

Từ Trái đất, những thiên hà xa nhất mà chúng ta quan sát được cách đây khoảng 46,5 tỉ năm ánh sáng, những thiên hà chúng ta có thể chạm tới được cách đây 14,5 tỉ năm ánh sáng. Trong vũ trụ quan sát được, các nhà thiên văn ước tính có khoảng 2.000 tỉ thiên hà.

Trong thiên hà Milky Way của chúng ta có khoảng 200 tỉ ngôi sao như Mặt trời. Như vậy, tổng số ngôi sao trong vùng vũ trụ quan sát được đó còn lớn hơn tổng số hạt cát trên tất cả các bãi biển ở hành tinh chúng ta. Việc đi tìm sự sống ngoài Hệ Mặt trời đến nay vẫn là bí ẩn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ngoài thờ Kinh Dương Vương, trong đền còn thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ với bức đại tự “Đại Nam tổ miếu”.

Tháng Ba, thăm lăng mộ Thủy tổ nước Nam

GD&TĐ - Mấy nghìn năm có lẻ, ở gò đất cao tụ khí làng Á Lữ, xã Đại Đồng (Bắc Ninh) đã lưu giữ linh hài của ông nội Vua Hùng, Thủy tổ nước Nam Kinh Dương Vương.