Hiểu đúng về gia hạn vắc-xin

GD&TĐ - Các chuyên gia cho biết, chưa có nghiên cứu nào cho thấy, vắc-xin hết hạn trở nên độc hại, nguy hiểm hay gây nhiều phản ứng phụ hơn.

Việc gia hạn giúp quá trình lưu trữ và sử dụng vắc-xin dễ dàng hơn.
Việc gia hạn giúp quá trình lưu trữ và sử dụng vắc-xin dễ dàng hơn.

Vắc-xin bảo đảm chất lượng

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam, vắc-xin Covid-19 của Pfizer/BionTech đủ điều kiện kéo dài thời gian sử dụng đến 9 tháng, thay vì 6 tháng như trước đây.

Theo WHO, đối với mỗi loại vắc-xin, các nhà sản xuất đều thực hiện những nghiên cứu trong thời gian thực tế để đưa ra quyết định về hạn sử dụng.

Vắc-xin Pfizer sau khi được phê duyệt khẩn cấp, nhà sản xuất tiếp tục nghiên cứu độ ổn định theo hướng dẫn đối với thuốc mới cũng như sản phẩm sinh học. Đồng thời, nghiên cứu được tiến hành trên các dải nhiệt độ bảo quản khác nhau.

Kết quả cho thấy, vắc-xin có độ ổn định, đảm bảo chất lượng, hạn dùng đến 9 tháng, thậm chí dài hơn kể từ ngày sản xuất, khi được bảo quản ở âm 90 độ C đến âm 60 độ C.

Theo WHO, việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu trong tiêm chủng cho tất cả các nhóm từ 12 tuổi trở lên. Việc gia hạn cũng đã được kiểm định khắt khe và đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả.

Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF Việt Nam cho biết, lọ vắc-xin Pfizer có hạn sử dụng là 9 tháng khi được bảo quản theo hướng dẫn của nhà sản xuất ở nhiệt độ từ âm 90 độ C đến âm 60 độ C.

Vắc-xin đã được rã đông có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C trong tối đa một tháng (31 ngày). Hiện nay, hệ thống dây chuyền lạnh của chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 của Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng đủ nhu cầu bảo quản, vận chuyển và sử dụng vắc-xin Covid-19.

“Lý do chính đáng”

Theo Bộ Y tế, việc gia hạn vắc-xin Pfizer thực hiện theo thông lệ của quốc tế, Việt Nam không tự động gia hạn. Mọi vắc-xin về Việt Nam đều được kiểm định theo yêu cầu của WHO và đảm bảo chất lượng khi sử dụng cho người dân. Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo đến các tỉnh, thành về việc 2 lô vắc-xin Covid-19 trên nhãn ghi hạn sử dụng đến ngày 30/11 được gia hạn sử dụng thêm 3 tháng (đến ngày 28/2/2022). Đây là 2 lô được tiêm cho các trẻ 12 - 17 tuổi. Điều đó khiến nhiều gia đình lo ngại về chất lượng của vắc-xin hết hạn khi tiêm cho trẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ) cho biết, nhiều phụ huynh bày tỏ lo ngại rằng, lô vắc-xin được gia hạn có chất lượng không tốt. Tuy nhiên, thực tế, việc gia hạn vắc-xin đã được FDA đồng ý, sau khi xem xét kết quả nghiên cứu của Pfizer. Hãng này cho thấy, sau khi được bảo quản ở tủ đông từ âm 60 đến âm 90 độ C, hiệu quả của vắc-xin vẫn tốt sau 6 tháng.

“Do đó, việc gia hạn thêm 3 tháng nữa lên 9 tháng là lý do chính đáng. Việc đó giúp quá trình lưu trữ và sử dụng vắc-xin dễ dàng hơn, không hao phí và phải bỏ những vắc-xin quá hạn. Do đó, việc lo ngại vắc-xin hết hạn dẫn đến cái chết của nhiều trẻ là không thuyết phục”, TS Vũ nhận định.

Cũng theo chuyên gia này, nhiều ý kiến quan ngại rằng, vắc-xin quá hạn có thể gây độc cho người dùng. Đồng thời, lo ngại kháng nguyên và vật liệu di truyền như mRNA trong thành phần vắc-xin bị phân huỷ hoặc biến đổi. Từ đó, dẫn đến giảm hiệu quả bảo vệ cần có của vắc-xin.

Bởi, kháng nguyên không còn nguyên vẹn, không dạy hệ miễn dịch hiệu quả nữa. Tuy nhiên, thực tế, TS Nguyễn Hồng Vũ nhấn mạnh, chưa có nghiên cứu nào cho thấy, vắc-xin hết hạn trở nên độc hại, nguy hiểm hay gây nhiều phản ứng phụ hơn.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) chia sẻ, thành phần chính trong vắc-xin Pfizer là phân tử mRNA, được bọc bởi các hạt siêu vi mỡ gọi là nano lipid.

“Hãy tưởng tượng đó là quả bóng mỡ siêu nhỏ. Bên trong nó chứa vật liệu di truyền mRNA, được thiết kế để bảo vệ mRNA không bị vỡ ra trước khi xâm nhập tế bào”, bác sĩ Phúc cho biết.

Bác sĩ Phúc nhận định, đến một ngày, quả bóng đó sẽ vỡ. Đó là lý do vắc-xin cần có hạn sử dụng. Song, vắc-xin hết hạn không có nghĩa là quả bóng đã bị phá vỡ hay mRNA mất hết tác dụng.

“Cơ sở khoa học của việc gia hạn, đó là nghiên cứu tính ổn định của vắc-xin. Bất kỳ vắc-xin nào cũng có nghiên cứu này. Vắc-xin Covid-19 phê duyệt khẩn cấp nên ban đầu chưa có. Về sau, các nhà sản xuất bổ sung nghiên cứu về tính ổn định. Đó là căn cứ khoa học để gia hạn vắc-xin so với đát ghi trên bao bì”, bác sĩ Phúc nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.