Bên cạnh đó, hiểu rõ lợi ích và giá trị dinh dưỡng của thực phẩm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp trẻ xây dựng thói quen ăn uống đa dạng, khoa học. Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trò chuyện với TS.BS Vũ Thị Thanh, Trung tâm Dinh dưỡng - Bệnh viện Bạch Mai về vấn đề này.
- Thưa bác sĩ, một bữa ăn như thế nào sẽ được coi là đầy đủ dinh dưỡng đối với trẻ em?
- Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng đối với trẻ sẽ bao gồm các nhóm thực phẩm: Đạm, đường, béo, vitamin, chất khoáng và nước. Cụ thể, có thể chia thành các nhóm như: Nhóm thịt, cá, trứng, tôm, cua; Nhóm gạo, ngô, khoai và các sản phẩm chế biến; Nhóm quả chín; Nhóm rau; Nhóm sữa.
- Bữa ăn học đường đóng vai trò như thế nào đối với thể chất và tinh thần của trẻ?
- Bữa ăn học đường có vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ. Dù là ăn ở nhà hay trường, bữa ăn cũng cần bảo đảm yếu tố “đủ” về năng lượng theo nhu cầu lứa tuổi. Từ đó, giúp trẻ phát triển về cân nặng, chiều cao đạt chuẩn theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bên cạnh đó, việc ăn “đủ” năng lượng cũng sẽ giúp trí não trẻ phát triển, khiến con học tốt và đạt kết quả cao trong học tập. Ngoài ra, nhờ bữa ăn học đường, con có thể nâng cao ý thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tốt, độc lập, tự giác hơn.
- Nhiều trẻ chưa có kiến thức cần thiết về bữa ăn đủ dinh dưỡng. Các con thường chỉ ăn những món mình thích. Bữa ăn học đường có phải cơ hội giúp trẻ thay đổi nhận thức về dinh dưỡng không, thưa bác sĩ?
- Việc chỉ ăn các món theo sở thích trong một thời gian dài sẽ tác động xấu tới sức khoẻ, vô tình cung cấp cho cơ thể thừa một chất này, nhưng lại thiếu chất khác. Từ đó, làm thay đổi chuyển hoá trong cơ thể và có thể gây rối loạn chuyển hoá hoặc bệnh lý. Ví dụ, trẻ thường xuyên ăn đồ ngọt, đồ chiên, rán sẽ bị thừa mỡ trong cơ thể. Từ đó, gây tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, thậm chí là chậm phát triển. Trong trường hợp ăn không đúng, đủ cũng gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, thiếu máu. Hậu quả là, trẻ sẽ chậm phát triển về cả thể chất và trí não. Bởi, khi đó, cơ thể sẽ không đủ năng lượng để duy trì phát triển, cũng như tập trung học tập.
Hiện nay, ở trường, trẻ cũng được tiếp cận kiến thức về dinh dưỡng qua một số môn học như Khoa học (Tiểu học) và Công nghệ (THCS). Bên cạnh đó, nhà trường và gia đình có thể phối hợp lồng ghép giữa lý thuyết và thực hành. Có thể tổ chức các buổi thực hành để trẻ hiểu rõ hơn về bữa ăn đủ dinh dưỡng là thế nào. Hoặc, trước bữa ăn (đối với trẻ bán trú), giáo viên có thể phân tích ý nghĩa về các chất trẻ được nhận qua mỗi món. Qua đó, giúp các con hiểu hơn về bữa ăn đủ dinh dưỡng.
- Bên cạnh việc cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, an toàn thực phẩm có phải cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để bảo đảm bữa ăn học đường, thưa bác sĩ?
- An toàn vệ sinh thực phẩm tức là thực phẩm đó phải bảo đảm chất lượng, như: Còn hạn sử dụng, không có chất bảo quản... Ví dụ, gạo cần có chất lượng tốt, còn hạn sử dụng, không mốc, ẩm. Bún, phở phải tươi, không có chất làm giòn... Trong khi đó, thịt cần tươi, không ôi, thiu. Rau không có các thuốc bảo vệ thực phẩm.
Trong bệnh viện, trước khi Covid-19 bùng phát, chúng tôi thực hiện kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm hằng ngày.
Ví dụ, cần bảo đảm thịt không có chất tạo nạc; Giò, chả không có hàn the; Rau không có chất bảo vệ thực phẩm; Dầu ăn không ôi khét. Nếu đạt tiêu chuẩn, những thực phẩm này sẽ được chế biến và chuyển tới bệnh nhân.
Đối với khâu chế biến, cần tuân thủ quy trình, bảo đảm dụng cụ theo quy định. Khâu chia suất ăn phải theo quy định và tính toán thời gian bảo đảm an toàn. Do đó, vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng. Nếu ăn không bảo đảm, trẻ sẽ bị rối loạn tiêu hóa (ngộ độc nhẹ). Khi đó, con sẽ đau bụng, đi vệ sinh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, mất giờ học, không tiếp thu bài trên lớp.
Vì vậy, tôi cho rằng, mỗi trường học cần có biện pháp kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuỳ từng trường, tần suất kiểm tra có thể là ngẫu nhiên hoặc định kỳ.
- Bác sĩ có thể nêu một số yếu tố để bữa ăn được coi là bảo đảm an toàn vệ sinh?
- Bữa ăn bảo đảm an toàn vệ sinh cần được kiểm tra kỹ lưỡng trong khâu lựa chọn thực phẩm, chế biến, phân phối, cũng như thời gian để thực phẩm. Ví dụ, nếu thực phẩm chất lượng, nhưng khâu chế biến không bảo đảm vệ sinh, tình trạng nhiễm khuẩn vẫn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, thực phẩm nên được chế biến trong ngày.
- Gần đây, không ít trường học ghi nhận trẻ ngộ độc sau khi ăn tại trường. Theo bác sĩ, nhà trường và gia đình cần làm gì để ngăn ngừa những trường hợp đáng tiếc như vậy?
- Nhà trường và phụ huynh cần phối hợp, yêu cầu công ty cung cấp suất ăn tuân thủ đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, cần chú trọng thực hiện kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi, chúng ta không thể kiểm tra chất lượng thực phẩm bằng mắt thường.
- Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!