Bằng hình thức hỏi - đáp một cách trực diện về vấn đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em, cuốn sách “99 câu hỏi bảo vệ con yêu” của TS Quách Thu Quế thực sự là người bạn hữu ích có thể đồng hành cùng quá trình bảo vệ trẻ em không chỉ dành cho các bậc cha mẹ mà còn cần được các tổ chức xã hội, cơ quan chức năng tham khảo…
“Đón lõng” thắc mắc, băn khoăn
TS Quách Thu Quế chia sẻ tâm huyết khi viết cuốn sách '99 câu hỏi bảo vệ con yêu'. Ảnh: Bình Thanh |
“Sách “99 câu hỏi bảo vệ con yêu” bao quát một cách toàn diện những khía cạnh kể cả khía cạnh pháp lý - của lĩnh vực quyền trẻ em và phòng chống xâm hại tình dục trẻ. Sách không chỉ cung cấp kiến thức cơ bản mà còn đưa ra các lời khuyên, chỉ dẫn, những giải pháp tối quan trọng và thiết yếu để xử lý tình huống nảy sinh trong thực tế. Nói cách khác, cuốn sách này là cẩm nang kết hợp được cả lý thuyết lẫn thực hành”. TS Trần Đoàn Lâm, nguyên Giám đốc NXB Thế giới
Gói gọn trong hơn 140 trang cùng khổ nhỏ xinh - 14 x 20,5cm, nội dung cuốn sách “99 câu hỏi bảo vệ con yêu” được tổ chức mạch lạc, khoa học trong 5 phần chính: Khái niệm và thuật ngữ cơ bản; Nhận biết về xâm hại tình dục trẻ em; Kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; Can thiệp, hỗ trợ khi trẻ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục hoặc bị xâm hại tình dục và Những quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em và xử lý khi trẻ em bị xâm hại tình dục.
Bởi vậy, “99 câu hỏi bảo vệ con yêu” gần như “đón lõng” hầu hết những thắc mắc, băn khoăn về việc cần quan tâm và chung tay phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em như thế nào. Việc này được bắt đầu từ những khái niệm cơ bản, các chính sách, điều luật đã được ban hành cho đến việc nhận diện, kỹ năng cần thiết trong thực tế…
Điều thú vị là, khác với những cuốn sách cùng chủ đề, “99 câu hỏi bảo vệ con yêu” không bị khuôn mẫu, nặng nề trong cách truyền đạt kiến thức khi tác giả chọn cách thể hiện qua dạng hỏi - đáp ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu.
Ở đây, những câu hỏi được đưa ra từ những điều thường trực được nhiều người quan tâm cũng như thực tế đang đặt ra và cần phải đổi diện, như “Trẻ em là ai?”, “Bảo vệ trẻ em là gì?”, “Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em thường là những thành phần nào?”, “Dấu hiệu để nhận biết đối tượng có thể xâm hại tình dục trẻ em?”, “Dấu hiệu nào giúp nhận biết trẻ em bị xâm hại tình dục?”, “Khi trẻ ở nhà một mình, cần có những quy tắc an toàn gì?”, “Khi trẻ ở chỗ vắng vẻ một mình, cần làm thế nào?”…
Và, trong các câu hỏi khái quát còn được “chẻ nhỏ” thành nhiều câu hỏi cụ thể, nhất là những câu hỏi nhận diện, kỹ năng để từ đó trong phần đáp tác giả đưa ra những kiến thức gần như “cầm tay chỉ việc” để bất cứ ai cũng có thể nhanh chóng tiếp nhận và vận dụng.
Ví dụ như ở phần kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em, tác giả đặt ra câu hỏi rất thú vị: “Vì sao phải hết sức tinh tế khi đề phòng các đối tượng có khả năng xâm hại tình dục trẻ em”.
Từ đó, tác giả có hướng dẫn thuyết phục: “Để các đối tượng biết là bị nghi ngờ, bị giám sát, bị theo dõi nhưng không bị chọc giận/tổn thương (vì chưa xác thực thông tin hoàn toàn); Để cảnh báo là các đối tượng luôn luôn nằm trong môi trường bị giám sát, nếu có hành vi, có hiện tượng dẫn tới việc xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị phát hiện ngay lập tức...”.
Cùng với đó, tác giả còn đưa ra các câu hỏi dạng sai, đúng song đem lại lời đáp ngay sau đó không ít bất ngờ và cặn kẽ, như các câu: “Đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người lạ? Sai!”; “Xâm hại tình dục trẻ em chỉ xảy ra với trẻ em gái thuộc gia đình nghèo? Sai!”…
Không chỉ thế, sau mỗi phần hỏi - đáp, tác giả còn xây dựng chuỗi câu hỏi không chỉ để ôn lại các kiến thức đã được truyền đạt trong từng phần mà còn tiếp tục có những gợi ý bằng các từ khóa dễ nhớ.
Đan xen vào các trang sách còn có hình minh họa sinh động giúp người đọc hình dung rõ hơn về vấn đề đang tiếp cận. Ngoài ra, cuối sách còn có 2 phụ lục cung cấp những thông tin tham khảo về mạng lưới bảo vệ trẻ em toàn quốc và kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em.
Trong đó, riêng phần phụ lục 1 cung cấp những số điện thoại cần gọi cho ai, gặp ai, báo cáo tới đâu… nên cuốn sách còn như một danh bạ đặt sẵn trên bàn để khi cần kíp là có thể tra cứu và nhấc máy.
Theo ThS Giang Linh, biên tập viên Công ty Nhã Nam, cuốn sách mang đến cho độc giả năng lượng lành mạnh, đơn giản, sáng sủa, dễ hiểu và ngoài để đọc thì rất xứng đáng là cẩm nang nhỏ trong gia đình, để tra cứu: Con có gặp vấn đề gì không nếu có thì xử lý thế nào, cần gặp cơ quan bộ ngành nào giải quyết…
Những câu hỏi nhỏ nhắn đó nếu đọc ở cuốn sách dày có thể gây xúc động song dễ bị quên. “Cuốn “99 câu hỏi bảo vệ con yêu” giúp chúng ta không quên vì được chia thành 5 mục, có việc hỗ trợ, phòng ngừa để bảo vệ trẻ khỏi bị sang chấn xâm hại; các biện pháp hỗ trợ, cấp cứu khi lỡ may/không may con của mình gặp vấn đề gì đó; hỗ trợ cuối cùng từ Nhà nước ở chỗ nào.
Nó chuẩn bị cho con vững vàng hơn trước sự xâm nhập mạnh mẽ của Internet, các tệ nạn xã hội… giúp nền tảng của con được kiện toàn từ bên trong”, TS Giang Linh nhấn mạnh.
KizCiti và GCV ký kết hợp tác với TS Quách Thu Quế việc khai thác nội dung bản quyền và chuyển đổi nội dung cuốn sách '99 câu hỏi bảo vệ con yêu' thành chương trình trải nghiệm thực tế, đưa vào hoạt động giáo dục kỹ năng sống tại KizCiti Hà Nội. Ảnh: Bình Thanh |
Chuyển đổi thành chương trình trải nghiệm thực tế
Chia sẻ về cuốn sách đầu tay của mình, TS Quách Thu Quế cho biết, sự cụ thể, đơn giản, dễ hiểu của “99 câu hỏi bảo vệ con yêu” là chủ ý ngay từ kế hoạch ban đầu.
Cũng bởi, là nhà khoa học có thâm niên kinh nghiệm (hơn 20 năm) trong ngành bảo vệ bà mẹ trẻ em, từng trực tiếp tiếp xúc với các vụ việc và chứng kiến nỗi đau của nạn nhận bị xâm hại tình dục, TS Quách Thu Quế đã đau đáu cần phải làm một điều gì đó để chung tay đẩy lùi nạn bạo lực học đường, xâm hại trẻ em vẫn hoành hành, đem lại những nỗi ám ảnh, lo sợ trong cộng đồng.
Khi làm chuyên gia tâm lý, chị nhận thấy hậu quả nghiêm trọng nếu trẻ bị xâm hại sẽ ám ảnh cả cuộc đời, có khi suốt 30 - 40 năm vẫn chưa thoát khỏi. Từ thực tế còn cho thấy, không chỉ bé gái mà bé trai bị xâm hại cũng nhiều.
“Mỗi người cần có kiến thức, kỹ năng để nhận diện vấn đề, biết được con/cháu có nguy cơ hay có những vấn đề khác thường gì từ sớm để ngăn ngừa và bảo vệ trẻ. Những trăn trở này được tôi hiện thực hóa trong “99 câu hỏi bảo vệ con yêu”.
Trang sách 'giao lưu' của cuốn '99 câu hỏi bảo vệ con yêu'. Ảnh: Bình Thanh |
Từ việc tổng hợp những kiến thức khoa học, luật pháp, chính sách và vận dụng kinh nghiệm thực tiễn, tôi chuyển hóa thành câu hỏi - đáp để các bậc cha mẹ dễ dàng tiếp cận, hiểu nhanh nhất và sử dụng một cách hiệu quả.
Việc quan tâm, bảo vệ trẻ em là việc bảo vệ, xây dựng tương lai đất nước tốt đẹp hơn, làm sao trẻ em đến trường không còn sợ hãi, trong gia đình cũng cảm thấy rất an toàn”, TS Quách Thu Quế tâm huyết nói.
Và, thật vui mừng, ngay khi được NXB Phụ nữ ấn hành, cuốn sách “99 câu hỏi bảo vệ con yêu” đã được KizCiti và Great Concept-Vietnam (GCV) ký kết hợp tác với TS Quách Thu Quế việc khai thác nội dung bản quyền và chuyển đổi thành chương trình trải nghiệm thực tế, đưa vào hoạt động giáo dục kỹ năng sống tại Khu vui chơi Giáo dục trải nghiệm - hướng nghiệp cho trẻ em của KizCiti Hà Nội.
Chia sẻ về dự án này, ông Lê Quang Hưng, Chủ tịch sáng lập, Giám đốc điều hành của KizCiti cho biết, vốn là người yêu trẻ nên khi nghe CEO KizCiti Hà Nội Mai Nhung trao đổi và đề xuất cũng như trực tiếp đọc cuốn sách ông đã đồng tình ngay.
“Tôi mong muốn cùng với các kênh quảng bá khác, chương trình trải nghiệm trực tiếp của KizCiti sẽ là cánh tay nối dài để cuốn sách đến với các em một cách trực tiếp hơn. Khi đó, người lớn đi theo và xem trẻ em làm gì chứ không can thiệp vào các hoạt động của trẻ, để trẻ được tự trải nghiệm, hiểu, nhận thức vấn đề và trao đổi với cha mẹ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Còn chị Mai Nhung - CEO KizCiti Hà Nội, Founder GCV, thì kể: Ngay sau khi đọc xong cuốn sách (chỉ trong một ngày), chị đã gặp và trao đổi với TS Quách Thu Quế việc chuyển hóa nội dung “99 câu hỏi bảo vệ con yêu” thành chương trình trải nghiệm cho học sinh của KizCiti Hà Nội.
Nội dung chị Nhung đặc biệt quan tâm là việc “phòng, chống” mà cuốn sách đưa ra. “Dù nhận thêm trách nhiệm nhưng tôi rất vui vì được đóng góp cho cộng đồng xã hội, nền giáo dục, cho trẻ em… Chúng tôi sẵn sàng bắt tay vào công việc chuyển hóa nội dung cuốn sách dù đã ngắn gọn, dễ hiểu song vẫn cần tối ưu và đơn giản hơn nữa để các em học sinh tuổi mầm non, tiểu học của KizCiti tiếp cận, hiểu được thế nào là xâm hại tình dục và các kỹ năng nhận diện, phòng, chống”, chị Mai Nhung nói.
Để trẻ bước vào đóng vai, đối mặt
Bà Mai Nhung - CEO KizCiti Hà Nội, Founder GCV. |
- Với đối tượng như trẻ mầm non và tiểu học, chị Mai Nhung có những cách chuyển hóa thành chương trình trải nghiệm như thế nào để các em nhỏ có thể dần hiểu và tiếp nhận nội dung cuốn sách “99 câu hỏi bảo vệ con yêu” muốn truyền tải?
- Cái mà các bạn nhỏ sẽ học tại các hoạt động trải nghiệm phòng chống xâm hại tình dục ở KizCiti là đóng vai nạn nhân. Các hoạt cảnh, hoạt động giả tưởng được dựng ra để trẻ bước vào trong đó đóng vai rồi đối mặt, tìm câu trả lời và xử lý tình huống. Sau đó sẽ có hỏi đáp, bổ sung kiến thức nhưng trẻ vẫn phải đón nhận thực tế vì thực tế là bài học lớn nhất.
- Nhưng xâm hại tình dục không phải như những tình huống khác, dễ gây ra tâm lý hoảng sợ đối với trẻ, kể cả là giả tưởng. Vậy mỗi lớp học trải nghiệm tại KizCiti cần có những chuẩn bị gì để các em bước vào đó không bị mang tâm lý đó?
- Đối với tôi, phải hoảng sợ thì mới là bài học, là cảnh báo, là điều chú ý chứ nếu chuyển hóa nó để trở thành đơn giản thì trẻ sẽ không thấy được tính nghiêm trọng. Phải có chủ ý, chủ đích để trẻ trải nghiệm chúng và có những cái không lường trước được.
- Sau lễ ký kết này, KizCiti Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai thực hiện từ khi nào, thưa chị?
- Bắt đầu từ mùa Hè này, từ 1/6, sẽ có mô hình lớp học đó ở KizCiti để dành cho học sinh và cha mẹ trải nghiệm đầu tiên. Mô hình được hoạt động thường xuyên khi trẻ đến đây sinh hoạt. Sang đến năm sau, chúng tôi sẽ có các chương trình, hoạt động của tuổi THCS, THPT đưa mạnh hơn nữa về trải nghiệm thực tế, tức là vấn đề đối mặt - một vấn đề rất quan trọng.
Ví dụ, việc giết, hiếp xảy ra do kháng cự (không chỉ từ hoảng sợ của đối phương bị xâm hại mà còn cả kẻ xâm hại). Vậy các con phải đối diện như thế nào để ít nhất sống sót, xử lý tình huống.
Đây là vấn đề rất quan trọng, là điểm nóng để đưa vào giảng dạy và hoặc đưa vào trải nghiệm cho học sinh mà KizCiti dám đối mặt với nó để đem đến cho các em kiến thức và chủ động phòng chống vấn nạn xâm hại tình dục vẫn đang hiện diện ở bất kỳ đâu.
- Tới đây, KizCiti sẽ tiếp tục hợp tác với tác giả Quách Thu Quế như thế nào, thưa chị?
- Mong muốn của KizCiti và cá nhân tôi sẽ cùng tác giả viết ra quyển sách thứ 2 hoặc không sẽ có quyển cẩm nang, sách gối đầu giường cho các em tuổi teen.
“99 câu hỏi bảo vệ con yêu” là sách dành cho cha mẹ, trang bị kiến thức cho cha mẹ để bảo vệ các con. Chúng tôi còn cần những cuốn sách dành cho trẻ em nên sẽ phối hợp với tác giả để có thể có thêm những tác phẩm như thế.