Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn nguồn từ Cơ quan Cảnh sát quốc gia đưa tin, tổng số hành vi phạm tội 6 tháng đầu năm được ghi nhận đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái là 539.009 vụ.
Đây là năm thứ 13, kể từ năm 2002, số vụ phạm tội ở Nhật Bản giảm liên tiếp. Tuy nhiên, số lượng người già phạm tội đã tăng 622 vụ (tăng 2,7%).
Tổng cộng có 23.656 người già bị thẩm vấn vì bị cáo buộc liên quan đến tội phạm, trong khi đó, con số này ở thanh thiếu niên độ tuổi từ 14 - 19 là 19.670 người.
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ người già phạm tội gây rúng động Nhật Bản. Vào ngày 30.6 vừa qua, ông Haruo Hayashizaki đã đổ dầu lên quần áo và châm lửa đốt trên một chuyến tàu cao tốc.
Ông Hayashizaki và một hành khách nữ thiệt mạng cùng hàng chục du khách khác bị thương. Cảnh sát cho biết, trước đó, ông Hayashizaki đã phàn nàn về lương hưu.
Ông cho rằng, số tiền đó không đủ cho ông duy trì cuộc sống. Một người đàn ông 93 tuổi khác đang bị xét xử vì tội giết vợ 83 tuổi mắc chứng mất trí nhớ.
Cụ ông này khai báo rằng, cụ bà đã nài nỉ ông giúp bà kết thúc cuộc sống vì không chịu nổi sự đau đớn và không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình.
Với tội danh giết vợ, cụ ông phải đối mặt với bản án 5 năm tù giam. Cuối tháng trước, Tòa án Tokyo cũng tuyên án treo với một người phụ nữ 71 tuổi vì tội danh đánh chồng đến chết sau khi ông thú nhận ngoại tình vào năm 1979.
Thay đổi lớn trong xã hội đang già đi nhanh chóng
Nhiều người nhận định, những gì đang diễn ra cho thấy sự thay đổi lớn trong một xã hội đang già đi nhanh chóng. Theo cảnh sát Nhật Bản, số tội phạm trong độ tuổi từ 65 tuổi trở lên đã tăng gấp 6 lần trong hai thập kỷ qua.
Hầu hết tội ác mà người lớn tuổi thực hiện là trộm cắp nhưng tội phạm bạo lực cũng gia tăng. Hiện người già ở Nhật Bản có khoảng 32 triệu người, chiếm 1/4 dân số quốc gia.
Đây là tỉ lệ người già cao nhất mọi thời đại ở đất nước mặt trời mọc và cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ người già cao nhất thế giới.
Tội ác trong nhóm người cao tuổi gia tăng phản ánh những vấn đề mà xã hội Nhật Bản đang phải đối mặt đó là sự già hóa dân số, khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo.
Cuốn sách có tên Bousou Rojin (tạm dịch: Sự mất kiểm soát người cao tuổi) của tác giả Tomomi Fujiwara đã cho thấy những thay đổi mạnh mẽ trong xã hội Nhật Bản.
Tác giả Fujiwara nhận định, trong quá khứ, người cao tuổi ở Nhật Bản được tôn kính và chăm sóc chu đáo, họ sống trong những ngôi nhà với gia đình, con cháu của mình nhưng giờ đây mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng.
Không ít người cao tuổi đã thiếu đi sự lịch thiệp và hiểu biết cần phải có, thay vào đó là sự thô lỗ, đòi hỏi và đe dọa. Trước tình hình tội phạm người cao tuổi gia tăng, Chính phủ Nhật đã tăng ngân sách xây dựng ba nhà tù mới với thiết kế đặc biệt dành cho nhóm tội phạm đặc biệt này. Theo cảnh sát Nhật, nhiều người già phạm tội đã tái phạm ngay sau khi ra tù.