Muốn vậy, lương và phụ cấp nhà giáo phải tăng lên và có được môi trường làm việc hạnh phúc.
Mong mỏi tăng lương và phụ cấp
Với tâm niệm, giáo viên mầm non là người ươm hạt giống tri thức đầu tiên cho đất nước, cô Trần Thị Hiền Hòa – giáo viên Trường Mầm non Nhân Mỹ (Lý Nhân, Hà Nam) - mong muốn, đề xuất về phụ cấp ưu đãi nhà giáo, với mức từ 25% đến 100% trở thành hiện thực trong năm 2023. “Với tôi, đó là sự sẻ chia, thấu cảm; trên hết là ghi nhận của Bộ GD&ĐT đến đội ngũ giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng. Điều đó khiến tôi xúc động và mong đề xuất trên sớm trở thành hiện thực” - cô Hòa bộc bạch.
Hơn 23 năm đứng lớp, thầy Lý Khonh Na Ra - giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Thới An 2 (Trần Đề, Sóc Trăng) vẫn cần mẫn, miệt mài dạy từng con chữ và gieo ước mơ cho các em nhỏ nơi vùng khó. Hỏi về thu nhập hàng tháng, thầy Lý Khonh Na Ra lảng tránh vì mức lương không đủ để lo cho vợ con cuộc sống tươm tất. Vợ thầy bươn chải, buôn bán thêm mới đủ tiền lo cho các con ăn học hàng tháng. Bước sang năm 2023, thầy Lý Khonh Na Ra mong mỏi, lương và thu nhập được cải thiện để giáo viên sống được bằng nghề. Qua đó, thầy cô đỡ vất vả và không còn cảnh “chân ngoài dài hơn chân trong”.
“Được lời như cởi tấm lòng”, cô Hòa bày tỏ, những quan tâm, chia sẻ của lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã tiếp động lực để giáo viên mầm non thêm yêu nghề, mến trẻ, nguyện tận tâm, tận hiến với nghề. Trên hết là đội ngũ sẽ thấy hạnh phúc với nghề nghiệp của mình. Hạnh phúc được lan tỏa đến trẻ và chúng ta, từ đó nhân lên những lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.
Tại tỉnh Tuyên Quang, ông Vũ Đình Hưng - Giám đốc Sở GD&ĐT cho hay, ngành Giáo dục “trải thảm” sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi, xuất sắc về công tác tại các trường THPT trọng điểm theo chế độ ưu đãi riêng biệt. Theo đó, đối tượng được tuyển dụng thông qua phương thức xét tuyển. Những người này được hưởng chính sách hỗ trợ bằng tiền: Tốt nghiệp loại giỏi là 90 triệu đồng, tốt nghiệp loại xuất sắc 100 triệu đồng. Đây là một trong những giải pháp nhằm thu hút người giỏi cho ngành Giáo dục, tránh tình trạng chảy máu chất xám trong ngành, nhất là trong bối cảnh thiếu giáo viên như hiện nay.
Thực tế cho thấy, ngoài Tuyên Quang, nhiều địa phương, đơn vị đã có cách làm riêng để thu hút và giữ chân người giỏi. PGS.TS Nguyễn Vũ Lương - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) - nhìn nhận, đây là giải pháp linh hoạt, hữu hiệu của các địa phương; nhất là trong bối cảnh toàn ngành Giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng và triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, cần có cơ chế tôn vinh thực sự với những giáo viên giỏi. Nói cách khác, những cống hiến của giáo viên cần được ghi nhận và quan tâm đúng mức.
Trong giờ chuyên đề môn Lịch sử tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Đắk Lắk). |
Cần sự quan tâm đặc biệt
Nhấn mạnh, năm 2023 đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt, bà Hồ Thị Minh – đại biểu Quốc hội đoàn Quảng Trị - viện dẫn, lương của nhà giáo được đề cập trong Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Song 10 năm nay, chủ trương này vẫn chưa được hiện thực hóa. Thậm chí, lương giáo viên đang ở mức thấp và thua kém so với công nhân trình độ phổ thông ở một số lĩnh vực. Vì vậy, việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, không chỉ tạo động lực cho đội ngũ, mà còn thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Khi đó, chất lượng đội ngũ nhà giáo sẽ được nâng lên.
Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Cụ thể, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, vùng. Qua đó, tạo thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Cùng với đó, Bộ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi, thẩm quyền theo quy định và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên như: Hỗ trợ kinh phí, nhà công vụ, học tập, nâng cao trình độ… Đồng thời, xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho thầy, cô giáo trong quá trình công tác. Mặt khác, có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành Giáo dục, nhằm cải thiện chính sách tiền lương, tạo niềm tin để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Cũng theo ông Đức, chính sách đãi ngộ (tiền lương, phụ cấp ưu đãi) đối với giáo viên là động lực quan trọng để thu hút người giỏi vào học sư phạm và trở thành giáo viên. Bên cạnh đó, các chính sách địa phương như hỗ trợ nhà công vụ, kinh phí, điều kiện làm việc… cũng là điều kiện quan trọng giúp giáo viên yên tâm, gắn bó và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
“Mặc dù tại thời điểm này, tình trạng thiếu giáo viên còn khá gay gắt nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, chắc chắn trong thời gian tới, việc này sẽ cơ bản được giải quyết ” – ông Vũ Minh Đức nhìn nhận.