Các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần sớm cải thiện chính sách tiền lương, tạo niềm tin để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Lấy phụ nuôi chính
Được ngày nghỉ cuối tuần, cô Hoàng Thị Yên - giáo viên Trường Mầm non Nham Biền số 2 (Yên Dũng, Bắc Giang) - tranh thủ đi lấy thêm ít hàng để bán online. Hôm nay, cô biết có mối hàng thịt lợn sạch nên tất tả gom đơn khách đã đặt trước.
Công việc bán hàng online được cô duy trì nhiều năm nay, nhằm tăng thu nhập, trang trải cuộc sống. Gần như không mặt hàng dân dụng nào là cô không bán, kể cả thực phẩm sạch. Khi dịch Covid-19 tràn về địa phương, cô xoay sang làm thêm các thiết bị phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân như khẩu trang, tấm chắn giọt bắn…
“Lương giáo viên không đủ để tôi nuôi cháu lớn đang học đại học. Chồng tôi làm tự do, thu nhập bấp bênh. Nếu không yêu nghề, mến trẻ, chắc tôi bỏ cuộc lâu rồi. Nhiều lúc cũng tủi thân, làm giáo viên mà suốt ngày rao bán hàng hóa trên mạng, rồi “phơi mặt” trên đường đi giao hàng. Tôi phải tự nhủ lòng, tất cả vì cuộc sống, tương lai của các con và cũng là vì muốn bám trụ với nghề nên đành phải lấy nghề phụ để nuôi nghề chính – nghề dạy học”, cô Yên trải lòng.
Ban ngày lên lớp, tối về đi giao hàng. Nhiều hôm bận, cả nhà phải chia nhau giao hàng cho khách. Biết là vất vả nhưng nhờ vậy mà gia đình có thêm thu nhập. Cũng nhờ đó mà cô bám trụ được với nghề, bởi nếu chỉ trông vào tiền lương chắc chắn không đủ chi tiêu cho gia đình với 5 thành viên. Hơn 19 năm đứng lớp nhưng hiện thu nhập của cô Yên mới được khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Theo cô Yên, hiện lương, thu nhập của giáo viên mầm non rất thấp. Tại Trường Mầm non Nham Biền số 2, nhiều giáo viên có thâm niên gần 30 năm trong nghề nhưng thu nhập chỉ được hơn 9 triệu đồng/tháng. Với những giáo viên trẻ, mới ra trường, tổng thu nhập dao động từ 4 – 4,5 triệu đồng/tháng. Đây là một trong những lý do vì sao hầu hết giáo viên trong trường đều phải làm thêm. “Như tôi và nhiều giáo viên khác bán hàng online, có cô mở thêm nghề phụ ở nhà, có người thì tăng gia sản xuất bằng cách chăn nuôi, trồng trọt…”, cô Yên chia sẻ.
Hơn 23 năm đứng lớp, thầy Lý Khonh Na Ra - giáo viên Trường Tiểu học Thạnh Thới An 2 (Trần Đề, Sóc Trăng) - vẫn cần mẫn, miệt mài dạy từng con chữ và gieo ước mơ cho các em nhỏ nơi vùng khó. Nói về thu nhập, thầy Lý Khonh Na Ra nhẩm tính: Lương cộng với các khoản phụ cấp như thâm niên, đứng lớp… mỗi tháng được hơn 9 triệu đồng. Các con đang tuổi ăn học nên nhiều tháng vừa lấy lương đã hết. “Vợ tôi bươn chải buôn bán hoa quả ngoài chợ để có tiền chi tiêu”, thầy Lý Khonh Na Ra tâm sự.
Theo thầy, ở huyện Trần Đề, nhiều giáo viên có thâm niên trên 30 năm nhưng tổng thu nhập cũng chỉ được hơn 10 triệu đồng/tháng. Có thầy, cô giáo cuối năm nay hoặc sang năm nghỉ hưu nhưng mức thu nhập dao động khoảng 12 - 14 triệu đồng/tháng. Như thế để thấy rằng, lương của nhà giáo vẫn còn thấp, chưa tương xứng với nghề đặc thù, nghề cao quý trong các nghề cao quý. “Chúng tôi luôn mong mỏi, lương giáo viên được cải thiện để sống được bằng nghề. Đây cũng là hiện thực hóa quan điểm giáo dục là quốc sách hàng đầu”, thầy Lý Khonh Na Ra bày tỏ.
Giờ dạy – học của cô – trò Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC |
Để nỗi lo cơm áo gạo tiền không theo vào lớp học
Đối với giáo dục đại học, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - cho rằng, cơ chế chính sách tiền lương vẫn còn khó khăn nhất định nên khó thu hút được người tài, nhất là đội ngũ trí thức trẻ có trình độ cao và những người được đào tạo ở nước ngoài về làm giảng viên.
PGS.TS Lê Anh Tuấn viện dẫn, một người đi học nước ngoài về, có thành tích cao trong học thuật nhưng khi được tuyển dụng vào làm giảng viên phải áp dụng theo chế độ bảng lương của Nhà nước, với hệ số lương 2,34 (đối với đại học). Nếu chúng ta chưa có chính sách đặc thù sẽ khó thu hút và giữ chân người tài, nguy cơ chảy máu chất xám trong nội ngành là điều khó tránh khỏi.
Dù Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã vận dụng tối đa chính sách ưu đãi, nhưng về cơ bản mức lương vẫn còn thấp. Các chính sách đãi ngộ chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên khó khuyến khích đội ngũ giảng viên. Lương thấp nên một số cán bộ bỏ nghề, chuyển sang đơn vị khác.
Từ thực trạng trên, PGS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất, cần cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giảng viên, trí thức trẻ. Mặt khác, có chính sách đặc thù với những người tài, có giải thưởng quốc tế.
Theo GS.TSKH.VS Phạm Minh Hạc – nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, ở nước Mỹ, đối với bậc đại học, giáo sư có thu nhập chỉ kém Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Từ những thập niên 80 của thế kỷ trước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có thu nhập khoảng 180.000 USD/năm, trong khi đó giáo sư bậc cao nhất có mức thu nhập khoảng 160.000 USD/năm. Ở Hàn Quốc, giáo viên trung học có thu nhập hơn 7.000 USD/tháng. Một số nước khác thu nhập của giáo viên dao động 4.000 - 6.000 USD/tháng; thậm chí giáo viên trung học có thể thu nhập cao hơn.
“Rõ ràng, lương, thu nhập của giáo viên còn nhiều bất cập. Muốn nâng cao chất lượng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo thì cần đẩy mạnh dạy tốt, học tốt. Mà muốn dạy tốt thì đời sống của giáo viên phải được bảo đảm, ít nhất là công bằng với các ngành khác”, GS.VS Phạm Minh Hạc nêu quan điểm.
Viện dẫn câu chuyện thực tế, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho hay, có giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh nhưng thu nhập chưa được 5 triệu đồng/tháng. Hàng tuần vẫn phải nhờ bố, mẹ trợ cấp gạo và thực phẩm. Đây là thực tế chua xót. Trước đây, trong 28 ngành thì mức thu nhập của ngành Giáo dục đứng thứ 14, chưa phải hạng bét. Nhưng thực tế, thu nhập của giáo viên rất thấp và không đảm bảo được đời sống.
“Làm thế nào để nhà giáo sống được bằng lương, để nỗi lo cơm áo gạo tiền không theo vào lớp học là câu hỏi cần sớm được trả lời”, GS.VS Phạm Minh Hạc đặt vấn đề. Thu nhập thấp, giáo viên phải làm thêm nhiều việc khác để trang trải cuộc sống. Điển hình nhất là bán hàng online hoặc tăng gia sản xuất bằng cách làm ruộng, vườn hoặc mở cửa hàng kinh doanh, buôn bán. Bận rộn xoay xở kiếm tiền, giáo viên không còn thời gian đọc sách, nghiên cứu, tự học và chấm bài cho học sinh. Thậm chí, thầy cô không còn tâm trạng đọc, nghiên cứu tài liệu bởi nỗi lo cơm áo, gạo tiền ảnh hưởng nhiều đến việc tự học, đào tạo của giáo viên.
Cô Hoàng Thị Yên làm tấm chắn giọt bắn để bán online thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang. Ảnh: NVCC |
Sớm cải thiện chính sách tiền lương
Nhấn mạnh, giáo dục là quốc sách hàng đầu, ông Nguyễn Văn Cảnh – đại biểu Quốc hội (Đoàn Bình Định) - nhắc lại, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Vì thế, nghề giáo đáng lẽ phải ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường. Các chế độ đối với nhà giáo phải được ưu tiên trước nhất, để thầy, cô giáo sống được với lương của mình.
Thực tế cho thấy, trong thời buổi kinh tế thị trường, phụ huynh nào cũng phải làm việc ngày đêm để kiếm tiền nuôi con ăn học. Nhiều gia đình không có nhiều thời gian gần gũi, dạy dỗ con đúng cách. Học sinh dễ mắc phải bệnh về tâm lý. Khi đó sự quan tâm, dạy dỗ của thầy cô lại càng trở nên cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.
Ông Cảnh cho hay, từ thông tin thu nhập của giáo viên các cấp ở nhiều khung thâm niên cho thấy, giáo viên không thể không làm thêm để bảo đảm cuộc sống của bản thân, chưa kể họ phải lo thêm cho gia đình. Vì thế, để thầy cô toàn tâm, toàn ý với công việc dạy học, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người.
Đồng quan điểm, bà Hồ Thị Minh - đại biểu Quốc hội Đoàn Quảng Trị - nhấn mạnh, đội ngũ nhà giáo cần tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, trong đó có vấn đề lương của giáo viên. Thực tế, lương của nhà giáo được đề cập trong Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng. Tuy nhiên, lương giáo viên đang thấp, thậm chí còn thua kém so với công nhân trình độ phổ thông ở một số lĩnh vực.
Vì vậy, việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, không chỉ tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, mà còn thu hút được học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Khi đó, chất lượng đội ngũ giáo viên sẽ được nâng lên.
Theo ông Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), để thu hút và giữ chân giáo viên yên tâm công tác trong ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng và đề xuất Chính phủ thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Qua đó, tạo thu hút và động lực cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
Cùng với đó, Bộ chỉ đạo các địa phương trong phạm vi, thẩm quyền theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đội ngũ giáo viên như: Hỗ trợ kinh phí, nhà công vụ, học tập, nâng cao trình độ… Đồng thời, xây dựng chính sách và môi trường giáo dục tốt để thu hút giáo viên về công tác tại địa phương, tạo niềm tin và sự an tâm cho thầy, cô giáo trong quá trình công tác. Mặt khác, có chính sách khuyến khích, huy động nguồn lực xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng chính sách tiền lương mới cho viên chức ngành Giáo dục, nhằm tạo niềm tin để đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
GS.TSKH.VS Phạm Minh Hạc nhìn nhận, vai trò của giáo dục vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến cả thế hệ tương lai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đời sống của nhà giáo còn thấp. Điều đó dẫn đến những hệ lụy, kể cả những hiện tượng mà chúng ta coi là tiêu cực. Đôi khi cũng là hệ quả của việc thu nhập thấp.