Hiện thực hóa 'giấc mơ' 5.000km cao tốc - Kết nối khát vọng thịnh vượng

GD&TĐ - Hiện cả nước có 29 tuyến cao tốc dài 1.729km, sự bứt phá này đã góp phần tăng cường năng lực vận tải trên các hành lang kinh tế quan trọng.

Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc các dự án giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc các dự án giao thông trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Khát vọng cao tốc, khát vọng hùng cường

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đặt ra mục tiêu phải có 5.000km đường cao tốc để góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chủ trương đã có, vấn đề đòi hỏi cấp bách và tất yếu không chỉ giúp tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn góp phần hoàn thiện, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của đất nước hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.

Bộ GTVT đã xây dựng chương trình hành động, xác định nhiệm vụ chính và đề ra giải pháp khả thi, khắc phục khó khăn phát sinh nhằm hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ. Cả hệ thống chính trị được huy động vào cuộc theo phương châm “vướng mắc đến đâu, gỡ ngay đến đấy” như tinh thần Thủ tướng chỉ đạo.

Nhờ vậy, chỉ trong nửa nhiệm kỳ, cả nước đã hoàn thành hơn 600km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc trên cả nước lên 1.700km, trong khi hơn chục năm trước, cả nước chỉ hoàn thành khoảng 1.100km.

Các dự án được đưa vào khai thác trong 2,5 năm qua gồm: Cao Bồ - Mai Sơn (15km), Cam Lộ - La Sơn (98km), Mai Sơn - Quốc lộ 45 (gần 63km), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101km), Phan Thiết - Dầu Giây (101km), Nha Trang - Cam Lâm (50km), Vân Đồn - Móng Cái (80km) và Trung Lương - Mỹ Thuận (51km)…

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, những kết quả về phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc thời gian qua rất đáng tự hào.

Bởi, những khát vọng, tư duy chiến lược để đột phá xây dựng, phát triển hệ thống cao tốc đã trở thành hiện thực trong bối cảnh hệ thống giao thông chung của đất nước thời điểm đó còn rất nhiều khó khăn.

“Thời điểm trước hệ thống giao thông đường bộ rất khó khăn, chúng tôi rất trăn trở, nhưng khoảng chục năm nay, hệ thống cao tốc phát triển rất mạnh, rõ ràng, đúng với chiến lược phát triển hệ thống giao thông đường bộ của Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.

Với tinh thần “đi trước mở đường”, từ cơ sở của những kết quả đã đạt được và hoàn thành mục tiêu năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc, trong năm 2022, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 6 dự án đường bộ cao tốc.

Đó là cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 và Vành đai 4 Hà Nội, với tổng chiều dài khoảng 1.300km, tổng mức đầu tư gần 400.000 tỷ đồng.

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh nghiệm đặt ra là “thấy khó không nản” và phải quyết tâm vượt qua, không để khó khăn thành rào cản phát triển đường cao tốc.

Dự án cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm đạt nhiều kỳ vọng.

Dự án cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm đạt nhiều kỳ vọng.

Công nhân thi công ở dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Công nhân thi công ở dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau.

Khơi thông nguồn lực vốn đầu tư công

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đang diễn biến rất phức tạp, nhất là sau đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, để tạo đà phục hồi và cơ cấu lại nền kinh tế đất nước giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đã xác định việc đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư các công trình giao thông trọng điểm quốc gia, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT nhấn mạnh: “Đầu tư công là một trong những động lực tăng trưởng, vì vậy, chúng ta thúc đẩy đầu tư công, trong đó ưu tiên nhất là các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Nguồn đầu tư này cũng góp phần tạo không gian phát triển mới góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, tạo công ăn việc làm, nhất là các vùng dự án đi qua”.

Phân tích về việc lựa chọn hình thức đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 (8 dự án đầu tư công, 4 dự án PPP), lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, nếu triển khai toàn bộ các dự án thành phần theo hình thức PPP mức độ thành công sẽ không cao, có thể phát sinh các tình huống không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Điều quan trọng hơn khi chuyển đổi sang hình thức đầu tư công sẽ giải được bài toán khó là vốn và nhà đầu tư. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam từ hình thức PPP sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ cho tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Để hiện thực hóa mục tiêu 5.000km đường cao tốc vào năm 2030, cần huy động nguồn vốn rất lớn (khoảng 813 nghìn tỷ đồng). Thách thức thấy rõ, song chặng đường đã qua gợi mở ra lối đi mới, bắt nguồn từ tư duy mới, cách làm mới cộng với quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, thì việc khó đến mấy cũng thành công.

Hành lang vận tải trên trục Bắc - Nam có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, kết nối trung tâm chính trị Thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM.

Hành lang này đi qua địa phận 32 tỉnh, thành phố, tác động đến 62,1% dân số, đóng góp 65,7% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 74% các cảng biển (loại I, II), 75% các khu kinh tế của cả nước và đặc biệt là kết nối 4 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long), kết nối với 16/23 cảng hàng không với 91% lưu lượng hành khách...

Có thể nói, đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước. Cao tốc ngày một vươn xa, những nẻo đường xuân mới sẽ dài rộng hơn, đẹp đẽ hơn, đưa đất nước tiến đến đích hùng cường, dân tộc Việt Nam đến bến bờ hạnh phúc và thịnh vượng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ