Hiến kế xây dựng tương lai vùng đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Sáng 10/12, Ban Kinh tế Trung ương đã tổ chức hội thảo “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hiến kế xây dựng tương lai vùng đồng bằng sông Cửu Long

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là vùng kinh tế quan trọng trong sự phát triển bền vững của cả nước, có vị trí địa chính trị và địa quân sự hết sức quan trọng.

Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003, của Bộ Chính trị khóa IX nêu rõ mục tiêu “xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng trọng điểm phát triển kinh tế của cả nước.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu đề dẫn hội thảo.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu đề dẫn hội thảo.

Vùng phải có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững; gắn phát triển lực lượng sản xuất với xây dựng quan hệ sản xuất mới, phù hợp.

Các mặt văn hóa, xã hội tiến kịp mặt bằng chung của cả nước, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là với đồng bào Khơ me và nhân dân vùng ngập lũ.

Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với bảo vệ môi trường sinh thái, với bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc phòng vững chắc.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho biết: Nghị quyết 21-NQ/TW đã triển khai được 18 năm, vùng đồng bằng sông Cửu Long đã có những chuyển biển tích cực, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển tích cực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh của cả vùng; khẳng định vị trí trung tâm sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo, thủy, hải sản và cây ăn trái hàng đầu của cả nước

Các mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội được đề ra trong Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW đã cơ bản hoàn thành.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Sau hơn 30 năm đổi mới, trình độ và mức sống người dân Việt Nam được nâng lên rõ rệt, chất lượng cuộc sống ngày càng cao hơn, tạo cơ hội mới cho vùng đồng bằng sông Cửu Long phát huy các tiềm năng và thế mạnh.

Việc tổ chức hội thảo nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ Đề án tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW, từ đó tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tại hội nghị, tham luận của các đại biểu đánh giá và thảo luận tập trung vào làm sâu sắc hơn các kết quả đạt được trong 18 năm qua (giai đoạn 2003 - 2021), những kết quả có tính chất quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng; những nguồn lực, tiềm năng còn chưa được khai thác hoặc khai thác kém hiệu quả, khả năng hấp thụ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Các tham luận cũng làm rõ các điểm “nghẽn” về cơ chế, chính sách và công tác phối hợp các bộ ngành, địa phương trong triển khai, thực hiện; dự báo về bối cảnh mới trong nước, quốc tế tác động tích cực, tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội; chỉ rõ các tiềm năng lợi thế của vùng.

Trên cơ sở đó đề xuất được các quan điểm cần được điều chỉnh, các cơ chế chính sách cần phải thay đổi; các ngành, lĩnh vực cần được ưu tiên nguồn lực đầu tư; các trục phát triển cơ bản… nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một số ý kiến đề xuất các chương trình, công trình, dự án cho từng ngành, lĩnh vực để thu hút, dẫn dắt các nguồn lực và tạo ra động lực tại chỗ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương trong vùng.

Đồng thời, giới thiệu, gợi mở các mô hình tốt, cách làm hay xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương và đề xuất nhân rộng; các giải pháp nhằm tăng cường liên kết, phối hợp giữa các địa phương, ngành trong phát triển để tối ưu hóa các nguồn lực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.