Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống

GD&TĐ - Vừa qua tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện thành phố Hà Nội và Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội tổ chức Lễ hội Xuân Hồng lần thứ X, năm 2017. 

Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống

Sự kiện đánh dấu 10 năm Lễ hội Xuân Hồng được tổ chức tại Việt Nam; cũng là ghi dấu sự lan tỏa của phong trào tình nguyện đầy tính nhân văn này…

Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Với thông điệp “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”, đến với ngày hội hiến máu tình nguyện, hàng ngàn bạn trẻ là sinh viên các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội, mong muốn hiến máu để góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn máu sau dịp Tết Nguyên đán; đồng thời kêu gọi đông đảo người dân cùng chung tay hành động để đảm bảo nguồn máu cho các bệnh viện.

Bạn Nguyễn Trọng Lực - 21 tuổi, sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự - chia sẻ, bạn đã tham gia hiến máu tình nguyện 3 lần và hy vọng sẽ có nhiều cơ hội tiếp tục hiến máu để “trao đời sự sống”.

Bạn Lương Thị Thanh - Sinh viên Y3, Học viện Y học cổ truyền Việt Nam đã có 3 lần hiến máu. Những lần trước đây, Thanh cùng các bạn hiến máu theo lời kêu gọi của Đoàn Thanh niên trường nên Thanh rất hiểu được ý nghĩa thiết thực của việc hiến máu tình nguyện cứu bệnh nhân cần máu.

Vì thế, Thanh và các bạn sẽ trở thành những tuyên truyền viên vận động cho mọi người trong cộng đồng tham gia hiến máu tình nguyện nhiều hơn nữa, để hạn chế tình trạng thiếu máu cấp cứu cho bệnh nhân vào mỗi dịp sau Tết Nguyên đán.

Tham gia hiến máu tại ngày hội, Nguyễn Hương Lam, một giáo viên trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết: “Đây là lần thứ 5 tôi tham gia hiến máu tình nguyện.

Lần này tham gia tôi cảm thấy rất xúc động khi được là thành viên của đội rước đuốc, khi được trao đi giọt máu đào của mình giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, người bị tai nạn giao thông đang cần máu. Tôi mong muốn có nhiều người tham gia hiến máu hơn nữa”.

Thêm giọt máu, thêm sự sống

Không chỉ có người tham gia hiến máu, tại lễ hội năm nay, những người bệnh được nhận máu cũng có mặt từ rất sớm. Anh Đinh Đức Thiện là một bệnh nhân Hemophilia (rối loạn đông máu di truyền) tham gia Lễ hội Xuân Hồng lần thứ 10 - 2017 trong tâm trạng rất vui.

Bởi vì anh Thiện đã trải qua những ngày sau Tết vô cùng vất vả và đau đớn khi phải chờ đợi để được truyền chế phẩm máu. Anh tâm sự: “Cứ vào dịp Tết lại xảy ra tình trạng thiếu máu rất trầm trọng. Nhớ nhất là sau Tết Nguyên đán năm ngoái tôi chẳng may bị ngã, khi nhập viện phải chờ 2 - 3 ngày mới có máu để truyền. Những lúc đó, thật sự thấy sự sống cứ trôi qua từng giây, từng phút trong bất lực…”.

Cũng chung hoàn cảnh là bệnh nhân “sống” nhờ máu của người khác, chị Phạm Thị Thoan mắc bệnh tan máu bẩm sinh, đều phải truyền máu ít nhất 2 lần/tháng.

Đến nay chị Thoan không nhớ nổi mình đã được truyền bao nhiêu đơn vị máu. Trước đây, chị đã trải qua rất nhiều lần thiếu máu trong dịp Tết, phải chờ đợi hàng tuần, cơ thể mỗi lúc càng mệt mỏi, yếu ớt nhưng vì chỉ có một mình nằm viện nên chị vẫn phải cố gượng dậy để tự chăm lo cho mình. Có khi mỗi người bệnh lại phải “chia nhau” từng bịch máu, chỉ được truyền một bịch máu trong khi phải cần đến 2 - 3 đơn vị.

Nhờ có Lễ hội Xuân Hồng, những bệnh nhân như anh Thiện, chị Thoan đã có đủ máu để truyền”. Lễ hội Xuân Hồng thực sự đã đem đến màu “hồng” hạnh phúc cho mùa xuân của những người bệnh suốt cuộc đời phải gắn với truyền máu để duy trì sự sống.

Một không gian văn hóa lành mạnh

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Xuân Hồng - cho biết: Anh Thiện và chị Thoan chỉ là 2 trong số rất nhiều bệnh nhân của 170 bệnh viện phía Bắc đang khắc khoải chờ truyền máu sau mỗi dịp Tết.

GS Nguyễn Anh Trí cho biết: Kể từ khi sự kiện được khởi xướng và tổ chức đến nay đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời mô hình mang nhiều ý nghĩa này đã được nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện - nêu rõ:

Lễ hội Xuân Hồng đã đưa việc hiến máu trở thành một không gian văn hóa lành mạnh, bổ ích và thiết thực trong những ngày đầu xuân mới. Đây là nơi hội tụ những tấm lòng nhân ái để cùng sẻ chia giọt máu vì người bệnh.

Lễ hội Xuân Hồng là lễ hội hiến máu tình nguyện lớn nhất cả nước, được Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khởi xướng từ năm 2008; đến nay đã tiếp nhận được gần 51.000 đơn vị máu, góp phần quan trọng đảm bảo lượng máu cho điều trị sau dịp Tết.

Năm 2017, Lễ hội Xuân Hồng tiếp tục được tổ chức với thông điệp “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”. Ban Tổ chức Lễ hội dự kiến thu hút khoảng 30.000 lượt người tham gia và tiếp nhận ít nhất 10.000 đơn vị máu phục vụ cho nhu cầu cấp cứu, điều trị tại hơn 170 bệnh viện khu vực miền Bắc.

Bên cạnh chương trình trọng tâm là hiến máu tình nguyện “Hiến giọt máu đào - Trao đời sự sống”, trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra nhiều hoạt động khác thu hút đông đảo thanh niên và người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia như: Nhạc hội “10 năm vũ khúc Xuân Hồng”, Triển lãm “Khoảnh khắc Xuân Hồng 10 năm”, Hội trại “10 năm ấn tượng Xuân Hồng” và Tổng kết 10 năm Lễ hội Xuân Hồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ