Hiến đất, bán sĩ diện “lót đường” cho trẻ đến trường

GD&TĐ - Hiến 600m2 cho trường học. Đi bán chè dây, mướp đắng để kiếm tiền mua cơm cho học sinh...

Những chuyến xe chở thuốc nam về phố để đổi lấy bữa cơm nhiều dưỡng chất cho HS.
Những chuyến xe chở thuốc nam về phố để đổi lấy bữa cơm nhiều dưỡng chất cho HS.

Ông Nguyễn Khắc Điệp không chỉ là người thầy mà còn là người cha của những đứa trẻ Xê Đăng, Ca Dong… tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam).

Bán thuốc nam, xin ánh sáng

Ông Nguyễn Khắc Điệp là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam). Nhưng suốt thời gian theo học thạc sĩ tại Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), ông hiệu trưởng ấy luôn “đi học” cùng những bao tải chè dây, mướp đắng.

Ông mang “đặc sản rừng” từ Quảng Nam xuống Đà Nẵng để bán cho các học viên cùng lớp. Đó là sản phẩm trồng trong vườn thuốc nam của trường hay thu mua lại từ đồng bào. Tiền bán được, ông Điệp mang về bổ sung vào quỹ hỗ trợ bữa ăn cho học sinh. Ông không thấy xấu hổ, mất sĩ diện với hành động của mình.

Giữa năm 2018, thôn 1 và thôn 2 của xã Trà Mai hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới. Do thôn không còn thuộc diện khó khăn nên học sinh không còn được hưởng chế độ trợ cấp bán trú nữa.

Điều đó đồng nghĩa các em không được nhận 15kg gạo và 560.000 đồng hỗ trợ mỗi tháng. Nhưng thực tế số học sinh bán trú thôn 1 và thôn 2 cũng không thể đi về hàng ngày.

“Số HS này nếu không ở lại bán trú thì nhà trường rất khó duy trì sĩ số, đảm bảo chất lượng dạy – học. Nhà các em ở quá xa trường, đường sá đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa bão. Để giữ chân học trò thì thầy cô giáo phải tính cách để hỗ trợ bữa ăn cho HS” – ông Điệp kể.

Ngoài sự đóng góp của tập thể sư phạm nhà trường, kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, ông đã tính đến giải pháp lâu dài. Vườn rau tăng gia, vườn thuốc nam được học sinh và giáo viên chăm chút. 10 con lợn cùng đàn vịt được “thổi” lớn để góp thêm suất ăn cho học sinh.

Cứ như thế, hơn 70 học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Trà Mai được hỗ trợ bữa ăn bán trú đã hơn một năm. Khi UBND Quảng Nam có quyết định trích từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ cho HS bán trú người dân tộc ở các huyện miền núi cao thì nỗi lo “cơm gạo áo tiền” cho học sinh của ông Điệp mới được trút bỏ.

“Quá nửa số HS của nhà trường là HS bán trú, các em ở lại trường sinh hoạt, học tập suốt cả tuần. Trong khi đó, do ảnh hưởng bởi mưa bão nên tình trạng mất điện thường xuyên xảy ra, thậm chí mất điện nhiều ngày liền.

Những lúc thiên tai, bão lũ, trường học còn mở cửa đón người dân vùng có nguy cơ bị sạt lở đến sơ tán. Máy phát điện là thứ rất cần thiết đối với HS và bà con trong vùng thiên tai” – ông Điệp cho biết.

Cũng chính ông Điệp là người chủ động đi xin “ánh sáng” cho học sinh. Nhà trường đã được một doanh nghiệp ở Đà Nẵng tặng máy phát điện để dùng dự phòng. Những đêm chạy lũ, với đồng bào dân tộc, vì vậy cũng bớt đi sự lạnh lẽo. 

Những suất học bổng hỗ trợ cho HS có hoàn cảnh khó khăn để các em không phải nghỉ học đi rẫy được thầy Điệp vận động từ các nhà hảo tâm.
Những suất học bổng hỗ trợ cho HS có hoàn cảnh khó khăn để các em không phải nghỉ học đi rẫy được thầy Điệp vận động từ các nhà hảo tâm.

“Người thầy” chất phác

Hơn 20 năm gắn bó với HS đồng bào Xê Đăng, Ca Dong của huyện miền núi Nam Trà My, ông Điệp luôn tìm mọi cách kết nối các nguồn lực để cải thiện điều kiện dạy – học. Để Trường PTDTBT THCS Trà Mai được công nhận chuẩn quốc gia mức độ 1, ông Điệp bền bỉ vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trong nhiều năm liền. Xin tiền làm khu hiệu bộ, xây dựng phòng bộ môn, sửa sang phòng học.

Ông xin cả bàn ghế, máy vi tính để bàn cho HS được học vi tính, đọc sách điện tử… Phòng ở của HS được trang bị tivi. Phòng thư viện với diện tích 60m2 được đầu tư hiện đại với chi phí 200 triệu đồng.

Dự án thư viện xanh với hàng nghìn đầu sách… Theo chính lời ông Điệp thì tất cả là nhờ… Facebook và tận dụng hết các mối quan hệ để kêu gọi sự giúp đỡ, đầu tư.

Âm thầm và lặng lẽ, ông Nguyễn Khắc Điệp – người thầy ấy đã viết nên câu chuyện đẹp về xã hội hóa ở chốn thâm sơn. Năm 2017, ông nhận quyết định luân chuyển từ Trường PTDTBT Trà Cang về làm Hiệu trưởng Trường PTDTBT Trà Mai.

Khi nghe tin địa phương gặp khó khăn trong đền bù giải tỏa để đủ quỹ đất xây dựng một số hạng mục đáp ứng các điều kiện của trường chuẩn, ông đã không hiến 600m2 đất vườn ngay cạnh trường của mình. Mảnh đất 2.000m2 được vợ chồng thầy Điệp gom góp, vay mượn để mua, vừa dựng nhà để ở, vừa làm kinh tế trang trải cải thiện đời sống.

Ông chia sẻ: “Mình gắn bó với ngôi trường Trà Cang trong quãng thời gian dài. Trường không đủ diện tích đất để xây khu hiệu bộ và nhà công vụ. Trong khi khu đất nhà mình chỉ sử dụng làm trang trại, cải thiện kinh tế gia đình.

Vợ chồng mình có nguyện vọng hiến đủ diện tích theo nhu cầu xây dựng của trường. Nếu lấy toàn bộ khu đất thì mình cũng không tiếc đâu. Miễn sao điều kiện làm việc, học tập của đồng nghiệp và con em vùng đồng bào được cải thiện. Thầy cô nào trong trường hợp mình cũng làm thế thôi”.

Trong mọi toan tính của “người thầy” hiền lành, chất phác ấy, chỉ là làm sao để hạn chế thấp nhất tình trạng bỏ học vì khó khăn, chất lượng bữa ăn được cải thiện. Ông không muốn những học trò của mình quá thua thiệt so với các bạn cùng trang lứa.

Vậy nên, cứ mỗi dịp cận Tết hay hè về, ông lại là người kết nối những tấm lòng, để làm ấm lên những góc bếp lạnh lẽo, để sáng lên tương lai của những đứa trẻ Xê Đăng, Ca Dong còn nhiều khốn khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.