Điều gì đang chờ Israel nếu tiến vào Rafah?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù Israel đã nhiều lần nói về kế hoạch và sự chuẩn bị cho cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Rafah nhưng đây là chiến dịch ẩn chứa rủi ro lớn.

Loạt nguy cơ đang chờ đợi Israel nếu tấn công Rafah.
Loạt nguy cơ đang chờ đợi Israel nếu tấn công Rafah.

Rủi ro chính trị

Quân đội Israel (IDF) ngày 6/5 thông báo sơ tán khoảng 100.000 người khỏi vùng phía đông Rafah trước khi mở chiến dịch tấn công thành phố miền nam Dải Gaza để đánh bại hoàn toàn Hamas.

Theo Reuters, nếu tấn công Rafah, thành trì cuối cùng của Hamas ở Dải Gaza, IDF sẽ phải cân nhắc rất nhiều yếu tố và đối mặt nguy cơ rất lớn.

Israel sẽ phải xem xét giữa việc không gây ra nhiều thiệt hại đến mức gây phẫn nộ dư luận quốc tế, làm suy yếu thêm mối quan hệ quan trọng với Mỹ và gây ra cái chết của những con tin được cho là đang bị giam ở Gaza, đồng thời không quá nhẹ tay đến mức khiến binh lính gặp nguy hiểm mà vẫn không thể đánh bại Hamas.

Ngoài ra, nỗ lực sâu rộng hơn nhằm bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia nhằm thiết lập lại cân bằng ở Trung Đông cũng là một biến số trong phương trình mà Israel phải giải nếu đưa quân vào Rafah.

Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia, trụ sở tại Tel Aviv là Tamir Hayman cho biết, Israel hoàn toàn có lý khi muốn hạ các tay súng còn lại của Hamas đang ẩn náu ở Rafah.

Nếu vẫn duy trì được hiện diện tại đây, Hamas có thể xây dựng lại năng lực quân sự của mình và một lần nữa gây ra mối đe dọa giống như cuộc đột kích lãnh thổ Israel hồi tháng 10 năm ngoái.

Ngoài ra, Israel cũng cần phá hủy đến cùng hệ thống địa đạo đã giúp các chiến binh Hamas lẩn trốn và đưa vũ khí vào khu vực.

"Đó sẽ là con đường giúp Hamas lấy lại năng lực quân sự ở phần còn lại của Dải Gaza", ông nói.

Nhưng ông không nghĩ lợi ích chiến thuật sẽ lớn hơn cái giá phải trả, đặc biệt là trước cơ hội bình thường hóa quan hệ với Saudi Arabia và xây dựng mối quan hệ đối tác khu vực nhằm đối trọng với Iran.

Hayman nói: "Lợi ích của chiến dịch tấn công Rafah là rất ít, đặc biệt nếu bạn so sánh nó với những tác động tiêu cực mà hoạt động quân sự này có thể gây ra".

Trong trường hợp kiểm soát Rafah, có thể cho phép Thủ tướng Netanyahu tuyên bố chiến thắng hoàn toàn, rằng Israel đã đạt được mục tiêu đánh bại Hamas, điều ông sẽ rất cần khi đối mặt các cuộc bầu cử mới.

Thế nhưng cái giá trên chính trường quốc tế có thể khá cao. Sau 7 tháng giao tranh, sự ủng hộ ban đầu của cộng đồng quốc tế với Israel đã suy giảm đáng kể, thay vào đó là nỗi thất vọng khi số dân thường thiệt mạng vì chiến sự đang không ngừng gia tăng, hiện lên tới hơn 34.000 người, theo cơ quan y tế tại Gaza.

Mỹ đã cảnh báo Israel về những hệ lụy nếu họ tấn công Rafah mà không có kế hoạch đảm bảo an toàn cho dân thường. Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết Washington vẫn chưa nhận được kế hoạch nào như vậy và vẫn thuyết phục Tel Aviv không mở chiến dịch.

Nếu quân đội Israel vẫn tấn công Rafah bất chấp sự phản đối từ Washington, Israel có thể đối mặt với các biện pháp kiềm chế cứng rắn từ Mỹ, trong đó có nguy cơ Tel Aviv bị cắt nguồn viện trợ quân sự quan trọng trị giá hàng tỷ USD.

Mối quan hệ của Israel với Ai Cập, vốn đã căng thẳng, cũng có nguy cơ bị tổn hại thêm. Bởi Rafah là nơi có Hành lang Philadelphi, vùng đệm dài khoảng 14 km ngăn cách Gaza với Ai Cập.

Israel cho biết nơi đây có một mạng lưới đường hầm rộng lớn cho phép Hamas vận chuyển vũ khí và hàng hóa bất hợp pháp khác vào Dải Gaza suốt nhiều năm qua. Giao tranh ở Rafah, với quân đội Ai Cập đồn trú gần đó, sẽ rất khó lường.

Thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel với Saudi Arabia mà Mỹ đang thúc đẩy như một phần của thỏa thuận toàn diện nhằm chấm dứt xung đột và tái thiết Gaza cũng có thể bị gạt khỏi bàn đàm phán nếu chiến dịch tấn công Rafah bắt đầu.

Bất kỳ kế hoạch nào được tiến hành ở Rafah đều cần Israel phối hợp chặt chẽ với Mỹ và Ai Cập, những bên dường như không chấp thuận Tel Aviv sử dụng biện pháp quân sự.

Tel Aviv đang lo ngại Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có thể ban hành lệnh bắt các quan chức cấp cao nước này, trong đó có Thủ tướng Netanyahu, liên quan chiến sự Gaza.

Một chiến dịch tại Rafah với nguy cơ khiến hàng nghìn người Palestine thiệt mạng sẽ khiến viễn cảnh trên trở thành hiện thực một cách dễ dàng hơn.

Thách thức quân sự

Cuộc tấn công Rafah cũng sẽ rất phức tạp về mặt quân sự. Rafah từ lâu đã là một thách thức với quân đội Israel, bởi muốn kiểm soát thành phố, họ phải chiến đấu giữa đô thị đông đúc, nơi Hamas có mạng lưới đường hầm rộng lớn bám sâu vào cơ sở hạ tầng dân sự.

Hiện nay, 4 tiểu đoàn Hamas vẫn bám trụ ở Rafah, cùng với hàng nghìn tay súng khác chạy đến đây từ miền bắc và miền trung Gaza sau khi quân đội Israel tiến vào dải đất. Họ đang ẩn náu trong một thành phố với hơn một triệu dân thường Palestine.

Chuyên gia Aaron David Miller tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, trụ sở tại Washington cho biết: "Rafah là mô hình thu nhỏ của mọi thách thức, rủi ro và biến cố có thể xảy ra với Israel xuyên suốt cuộc xung đột.

Israel cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về những gì có thể được và mất trong mỗi hành động quân sự tại đây".

Về chiến thuật, chiến dịch tại Rafah sẽ phải khác với hai cuộc tấn công của Israel ở Gaza City và Khan Younis, hai thành phố chính khác tại Dải Gaza.

Ở Gaza City, Israel phụ thuộc rất nhiều vào chiến dịch không kích nhằm tiêu diệt các tiểu đoàn Hamas trong thành phố. Cách làm này giúp bảo vệ mạng sống cho binh lính Israel, nhưng phải trả giá bằng thương vong lớn với dân thường.

Israel tuyên bố muốn tấn công có chọn lọc hơn khi tiến vào Khan Younis ở phía nam Dải Gaza, song họ vẫn khiến phần lớn thành phố bị phá hủy.

Vì vậy, chiến dịch tấn công Rafah sẽ là hoạt động quân sự mà Israel phải tính toán chi tiết nhất, do hiện diện của quá nhiều dân thường, áp lực quốc tế gay gắt và nguy cơ các con tin thiệt mạng.

"Đó không thể là một chiến dịch suôn sẻ, gọn gàng. Cho dù IDF có áp dụng biện pháp phòng ngừa nào đi chăng nữa, dân thường vẫn sẽ bị tổn hại với số lượng không nhỏ", Ehud Yaari, thành viên tại Viện Chính sách Cận Đông, trụ sở tại Washington, nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ