Thế nhưng, vì công cuộc mưu sinh nhiều người đã phải trả giá bằng xương máu, hàng chục người chịu cảnh thương tật suốt đời, thậm chí có người phải đổi bằng tính mạng…
Cơm dương gian, việc âm phủ
Anh Trần Công Hòa kể về những lần đi lặn biển
Chúng tôi ghé thăm làng chài Xuân Hòa (xã Thạch Bằng, Lộc Hà, Hà Tĩnh). Nghe hỏi thăm về những người thợ lặn biển của làng, chúng tôi được bà con giới thiệu về anh Trần Công Hòa (Sinh năm 1975) được coi là “kình ngư” có tiếng ở vùng này.
Anh Hòa không nhớ mình biết lặn, biết bơi từ khi nào, chỉ nhớ năm 20 tuổi anh bắt đầu theo anh em tập lặn và được chủ tàu cho lặn thử. Thời gian đầu chỉ lặn sâu 10m, rồi 20m, sâu nhất là 50m.
Dù có hơn 20 năm từng trải dưới đáy đại dương nhưng khi nói về nghề lặn biển anh vẫn lộ rõ sự lo lắng: “Nghề thợ lặn cũng có “đồng ra đồng vào” nhưng rất nguy hiểm, nó được mệnh danh là nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” mà.
Không ít người vùng này đã bỏ mạng với nghề, đa số vừa tập lặn chưa có kinh nghiệm là dính liền, có nhiều người lặn lâu năm vẫn bị sức ép của dòng hải lưu dẫn đến nghễnh ngãng tai, liệt một chân…”.
Nghề lặn mang lại thu nhập cao nhưng công việc rất vất vả, muốn có thu nhập cao họ phải lặn lâu dưới làn nước sâu tới 40 - 50 mét, nhiều người do phải chịu lực ép của áp suất nước liên tục đã bị bại liệt hai chân.
Mỗi lần lặn xuống biển khi ngoi lên mặt nước đều bị ù tai, lâu ngày trở thành điếc đặc không nghe thấy gì nữa. Những người thợ lặn giỏi, ham nghề khi trở về với đời thường đều mang trên mình những tấm thân đầy bệnh tật, thậm chí có người không có cơ hội trở về với gia đình, vợ con nữa.
Thấy công việc vất vả và nguy hiểm nên nhiều thợ lặn khi có tiền đã phải chủ động chuyển nghề. Họ quay sang sắm thuyền và thuê thợ lặn riêng.
Công việc của người thợ lặn bắt đầu từ tờ mờ sáng đến tận chiều tối. Hằng ngày, bằng kinh nghiệm của mình, họ nhìn nước, hướng gió, cứ thấy nước trong sóng lặng là ra khơi. Mỗi tàu có khoảng 10 thợ lặn, trên tàu có máy bơm khí ô xy và ống dẫn khí cho thợ lặn ngậm vào miệng.
Trước khi nhảy xuống biển, mỗi thợ lặn phải đeo vào thắt lưng một chuỗi chì từ 15 đến 20 kg để đủ sức dìm người xuống đáy, tay cầm một cái cào bằng sắt, trên cổ được tròng cái túi đựng sò trông giống như một cái vợt, khi đựng đầy có trọng lượng trên dưới 50 kg.
Hải sản thu được sau mỗi chuyến ngụp lặn dưới đáy biển chủ yếu là sò, chang chang, hàu… Đây là những mặt hàng có giá trị xuất khẩu với giá cao luôn được các đầu nậu thu mua ngay khi tàu vừa cập bến. Thu nhập của thợ lặn được tính theo sản phẩm.
Theo đó, mỗi chuyến đi biển về thông thường chủ tàu được hưởng 40%, thợ lặn 60%, có nơi lại chia theo tỷ lệ 50/50. Một ngày người thợ lặn chăm chỉ cũng kiếm được trên dưới 1 triệu đồng, những hôm gặp luồng có ngày được vài ba triệu đồng.
Chuẩn bị đồ nghề đi biển
Dẫu vậy, xóm nhỏ Xuân Hòa không biết bao nhiêu lần phải chứng kiến những tai nạn thương tâm từ nghề lặn biển. Câu chuyện đau lòng về người thợ lặn Trần Viết Thuật vừa xảy ra cách đây chưa lâu khiến nhiều người tiếc nuối.
Thuật là con thứ trong một gia đình có hai anh em. Sinh ra và lớn lên ở làng chài Xuân Hòa, chứng kiến sự vất vả của bố mẹ nên Thuật đã cố gắng học hành với hy vọng thoát khỏi cái nghèo đeo bám.
Ngày thi đỗ vào Trường Đại học Mỏ - Địa chất không chỉ gia đình mà cả làng đều vui mừng cho em. Thế nhưng, do hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ đều lâm bệnh nặng, Thuật theo học được 2 năm đành gác lại ước mơ trở thành chàng kỹ sư và trở về quê theo dân làng đi lặn biển kiếm tiền lo cho gia đình.
Trong lúc đi lặn tại khu vực cửa biển Lạch Kèn (thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh), Thuật gặp sự cố khiến vòi ôxy bị ngập dẫn đến bị ngạt thở và tử vong!
Không muốn con theo
Thợ lặn trở về sau chuyến đi biển
Mấy người dân trong làng bảo, chỉ cần đi dọc con đường này, thấy người nào dáng đi khập khiễng, chân bước cà nhắc thì đích thị là thợ lặn biển.
Quả thực, đi được một quãng, chúng tôi vô tình gặp ông Trần Hữu Sơn (Sinh năm 1966) đang khập khễnh đi ngược đường, hỏi thăm mới biết ông cũng là “kình ngư” lâu năm ở làng này, đôi chân đi lại tập tễnh hiện nay chính là di chứng của vụ tai nạn khi ông lặn ở vùng biển tỉnh Bình Thuận.
“Dù tiền công khá cao nhưng làm nghề này cũng cơ cực lại dễ “rước” bệnh vào thân, thậm chí bỏ mạng trên biển như chơi. Biết thế nhưng vẫn phải lao vào vì bát cơm manh áo, thôi thì “trời kêu ai người nấy dạ”, không làm biết lấy gì bỏ miệng.
Cứ mỗi lần nhảy ùm xuống biển người thợ lặn phải xác định trước là chấp nhận đánh đổi sức khỏe và đánh cược tính mạng mình với hà bá. Sau bao nhiêu năm ngụp lặn dưới đáy biển, giờ hễ trái gió trở trời là chân tay tê tái, xương khớp nhức mỏi” - Ông tâm sự.
Vén ống quần chỉ vào đôi chân khập khiễng, ông cho hay: “Giờ còn đi lại được thế này là may lắm rồi đấy chứ trước đây, đôi chân này không thể co duỗi gì được, đi khám thì bác sĩ yêu cầu mổ nhưng gia đình lại không có tiền”.
Cũng như ông Sơn, nhà anh Trần Công Quế có 3 cậu con trai nhưng không cháu nào theo nghề lặn của bố. Anh Quế cũng từng vào Nam ra Bắc làm nghề lặn biển, hành trang anh mang về nhà là đôi chân tê cứng và đôi tai bị điếc đặc.
Anh chia sẻ: “Với người thợ lặn, mỗi chuyến ra khơi là một lần đối mặt với miệng hà bá, sống chết lúc nào không hay. Tôi cũng may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần nhưng giờ tai bị ù đặc, phải nói thật lớn mới nghe được, đôi chân cũng phải chạy chữa khắp nơi mới không bị liệt hẳn”.
Ở xóm kình ngư, tai nạn xảy ra không thiếu mà họ vẫn không thể bỏ nghề, lặn miết cho đến khi tuổi già, sức yếu hoặc bệnh tật không thể đi được nữa mới thôi.
Thế nhưng khi được hỏi các kình ngư có truyền nghề cho con cái không thì hầu hết đều lắc đầu: “Nghề lặn biển đầy may rủi, khi đi trai tráng nhưng khi về hoặc thành tật hoặc bỏ mạng. Nhà nào cực chẳng đã mới phải cho con theo nghề này còn lại họ đều cố cho con cái học hành tử tế để kiếm việc khác làm”.
Ông Trần Văn Hiếu - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bằng - cho biết: Trước đây làng chài Xuân Hòa chủ yếu vào Bình Thuận lặn thuê cho các chủ ghe.
Sau này, nhiều người về quê sắm thuyền rồi thuê thợ lặn riêng. Nhiều gia đình đổi đời nhờ nghề nguy hiểm này, biển cho họ nhiều nhưng cũng lấy đi của họ không ít.
“Sinh nghề, tử nghiệp” nên hầu như năm nào cũng có người ra đi mãi mãi, hoặc phải mang bệnh tật suốt đời. Vì thế, họ đều không ai muốn con cái mình nối nghiệp bố cả.
Làng chài Xuân Hòa bây giờ chẳng khác gì phố thị, những ngôi nhà cao tầng khang trang, bề thế, đường làng ngõ hẻm đều được bê tông hóa. Sự ấm no đã thấy rõ, thế nhưng đằng sau công việc mà họ đang làm đều phải đánh đổi không ít công sức, mồ hôi và cả xương máu.
“Đến nay, Xuân Hòa đã có trên 50 chiếc thuyền từ 16-350 CV, hầu hết họ đều thuê thợ lặn từ Cẩm Xuyên, Kỳ Anh hoặc ở các tỉnh khác vào. Mỗi ngày họ kiếm được 500 ngàn đến 1 triệu đồng, ngày may mắn có khi kiếm được vài ba triệu đồng, thời điểm xảy ra sự cố môi trường biển đến nay thu nhập từ biển giảm hẳn” - Ông Hiếu cho biết thêm.