Hiểm họa từ 'thần dược' ôn thi

GD&TĐ - Bác sĩ khuyến cáo học sinh, sinh viên lạm dụng loại thuốc được quảng cáo như “thần dược” ôn thi khi không có chỉ định của bác sĩ...

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng thăm khám cho bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng thăm khám cho bệnh nhân.

Hiện nay trên các trang mạng, một số loại thuốc được quảng cáo như “thần dược” ôn thi với các công dụng giữ sự tỉnh táo, tăng cường khả năng học tập và khả năng làm việc. Thế nhưng, bác sĩ khuyến cáo, học sinh, sinh viên lạm dụng các loại thuốc này khi không có chỉ định của bác sĩ sẽ rất nguy hiểm.

Hậu quả khôn lường

“Modafinil chắc chắn sẽ cho bạn trải nghiệm nhiều điều hoàn toàn bất ngờ. Chỉ cần một viên, bạn chắc chắn sẽ nhận được nguồn năng lượng mạnh mẽ kéo dài đến 10 - 12 giờ: Tốc độ xử lý và phản xạ nhanh gấp nhiều lần, nhớ lâu hơn và tốt hơn, giúp bạn luôn muốn làm việc, luôn luôn tỉnh táo, tăng khả năng sáng tạo, trí tưởng tượng và trí nhớ, học bất cứ thứ gì cũng dễ dàng hơn… Hãy thử 1 lần và cuộc đời bạn sẽ thay đổi!!!”, một trang Facebook chuyên bán loại thuốc modafinil quảng cáo.

Một trang mạng khác chuyên về các loại thuốc bổ não cũng mách nước về bí quyết “cắt cơn” buồn ngủ cho sĩ tử vào mùa thi: “Khi cảm thấy buồn ngủ và không còn đủ tỉnh táo để bước vào việc học, bạn hãy uống một cốc nước lạnh để đẩy lùi cơn buồn ngủ và mệt mỏi, sau đó dậy đi lại vài vòng, làm vài động tác thể dục đơn giản, nó cũng có thể giúp bạn xua đi cơn buồn ngủ rất hữu hiệu.

Nếu thử cách này rồi mà vẫn không cải thiện được tình hình thì có vẻ cái thói quen này của bạn được hình thành khá lâu rồi đấy nhỉ, hãy thử dùng 1 viên modafinil nhé, đó là viên thuốc chống buồn ngủ, tập trung cao độ hiệu quả nhất mà mình từng thấy…”.

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng (Trường Đại học Y Dược TPHCM), hai loại thuốc modafinil hay ritalin đều là những thuốc tác động kích thích chất dẫn truyền thần kinh dopamine ở não bộ. Đây là một chất kích thích rất mạnh và là chất gây nghiện. Nếu tự ý sử dụng đều có nguy cơ gây ngộ độc, gây nghiện và có thể dẫn tới sự hủy hoại bản thân.

Bác sĩ Hoàng cũng khuyến cáo, không nên tự ý mua thuốc này sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về tâm thần kinh hoặc bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ chuyên khoa giấc ngủ.

“Thuốc ritalin chỉ được bán khi có toa của bác sĩ vì đây là các thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương cần có sự kiểm soát, theo dõi và điều chỉnh liều bởi các bác sĩ điều trị có chuyên môn. Còn thuốc modafinil chưa được bán chính thức trên thị trường Việt Nam và đây cũng là thuốc cần có sự kiểm soát, theo dõi bởi bác sĩ có chuyên môn, bên cạnh đó modafinil còn gây nghiện và gây hội chứng cai nghiện khi ngưng thuốc”, bác sĩ Hoàng cho hay.

Còn theo chia sẻ của bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Kim Hải, Viện Nghiên cứu và Tư vấn dinh dưỡng (TPHCM), không nên tự ý mua thuốc này sử dụng khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa về tâm thần kinh hoặc chuyên khoa về giấc ngủ. Đặc biệt, nhóm lứa tuổi thanh thiếu niên cũng không nên dùng thuốc này, nếu không có các bệnh lý liên quan tới chỉ định của thuốc. Bởi thuốc modafinil hay ritalin có thể tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây hậu quả về lâu dài, cũng như một số tác dụng phụ nguy hiểm.

Cần có chế độ hợp lý

Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hoàng, khi việc học hành trở nên quá tải, các em sẽ có biểu hiện stress như: Khó ngủ và khó thức dậy vào buổi sáng, luôn than mệt mỏi, đau nhức một vài nơi trên cơ thể, hay quên một vài chi tiết vụn vặt. Ngoài ra một số em còn có biểu hiện chán ăn, lười hoạt động, hay lo lắng và dễ cáu gắt, hay hồi hộp, tim đập nhanh; có cháu nhức đầu hoặc đau nửa đầu, mắt nhìn mờ, thậm chí hoa mắt, choáng váng… Các triệu chứng này là biểu hiện của quá tải học hành nếu các em không có bệnh lý khác kèm theo.

Nguyên nhân là các em ngủ không đủ thời gian (ít hơn 7 tiếng/ngày). Thời gian ngủ mỗi ngày của các em cần ít nhất 7 tiếng đến 9 tiếng. Việc ngủ không đủ thời gian sẽ khiến học sinh không thể hồi phục sức khỏe, ảnh hưởng tới ban ngày. Các em sẽ mệt mỏi, khó thức giấc vào buổi sáng, không tỉnh táo ban ngày, buồn ngủ ban ngày, kém tập trung, hay quên bài, ghi nhớ kém.

Việc thiếu ngủ cũng sẽ gây rối loạn tâm lý như cáu gắt, bực bội, chán ăn… rối loạn hành vi như gây hấn, dễ nóng tính và đánh nhau hoặc buồn bã, ủ rũ…

Ngoài ra, áp lực học tập và bài vở quá nhiều sẽ khiến học sinh bị căng thẳng, lo lắng quá nhiều. Việc này khiến các em khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc vì suy nghĩ lo lắng làm giấc ngủ sẽ ngắn lại (do buổi sáng luôn phải dậy đúng giờ để đi học) sẽ gây thiếu ngủ. Các căng thẳng lo lắng đó sẽ khiến các em hồi hộp, đánh trống ngực, tim nhanh, nhức đầu, ăn uống kém, hoa mắt, choáng váng… vì thế trẻ sẽ ăn uống kém hơn đặc biệt là buổi sáng, dễ bị buồn nôn, nôn ói buổi sáng và đau dạ dày nhiều hơn. Những trẻ dành thời gian quá nhiều cho các trò giải trí như chơi game, ngồi vi tính, hoặc xem tivi quá nhiều cũng sẽ có các biểu hiện tương tự.

Bác sĩ Hoàng cũng cho biết, khi trẻ có các biểu hiện trên thì đa số các phụ huynh sẽ nghĩ rằng con em mình đang không muốn học nên cố tạo ra những biểu hiện đó để trốn tránh việc học. Phụ huynh có thể la rầy các em nhiều hơn, ép học nhiều hơn, kiểm soát nhiều hơn. Bên cạnh đó có một số phụ huynh quá lo lắng sẽ đưa con đi khám bệnh vì nghi trẻ bị bệnh. Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường phụ huynh cần bình tĩnh cùng với trẻ tìm hướng giải quyết hợp lý.

“Phụ huynh cần nói chuyện với con, nếu việc học quá nhiều thì khuyên trẻ sắp xếp lại việc học cho ngăn nắp để không bị quá tải, hãy giải quyết từng việc học một cách khoa học như lên thời gian biểu cho việc học tập, ngủ, nghỉ ngơi hợp lý.

Trẻ nên ngủ ít nhất 7 tới 9 tiếng mỗi ngày. Nên đi ngủ sớm trước 10 giờ tối, ngủ sớm sẽ giúp tăng chất lượng giấc ngủ và tốt cho trí nhớ cũng như sự phát triển của não bộ. Phụ huynh cần cùng với con cái trao đổi nhiều hơn để tìm ra mục tiêu học tập hợp lý, đừng tạo mục tiêu quá sức của trẻ.

Nếu trẻ cần hỗ trợ thuốc cho các rối loạn tâm thần kinh thì sẽ cần có toa của bác sĩ tâm thần kinh và phải tuân thủ điều trị hợp lý”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.

“Mọi người không nên sử dụng các chất kích thích như thuốc kích thích thần kinh, thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện (heroin, ma túy…) để tăng khả năng thức tỉnh vì lợi rất ít, mà tác hại thì rất nhiều. Đối với học sinh, sinh viên nên ngủ đủ thời gian, chế độ ăn uống, mọi người cần ăn đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện thể thao hàng ngày, sắp xếp lịch học phù hợp với bản thân để giảm căng thẳng, đồng thời chọn lựa mục tiêu vừa sức bản thân để không quá áp lực khi học hành”, bác sĩ Hải nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ