Hiểm họa từ hít bóng cười: Coi thường 'thần chết'

GD&TĐ - Những năm gần đây, sử dụng bóng cười được coi là một trong những hình thức giải trí phổ biến với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Những năm gần đây, sử dụng bóng cười được coi là một trong những hình thức giải trí phổ biến với nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều về hiểm họa khi sử dụng bóng cười, song, không ít người vẫn “vô tư” và bất chấp.

Phụ thuộc… bóng cười

Chị Thạch Thủy Tiên (28 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, mỗi lần tiệc tùng cùng bạn bè, thứ không thể thiếu là bóng cười. Thậm chí, chị Tiên đã “sắm” một bình khí N2O loại 5kg tại nhà và có thói quen hít bóng cười. Chị Tiên cho biết, đã có thói quen này từ lâu và cảm thấy không hề ảnh hưởng gì đến sức khỏe cũng như đời sống cá nhân.

“Công việc căng thẳng nên trước đây, chiều tối nào mình cũng phải kiếm bạn để đi cà phê, đi chơi... rồi sau đó dần “tăng đô” lên các loại bar, pub. Biết đến bóng cười cũng từ đây, do hít thử thấy thích nên hay mua.

Thỉnh thoảng, mình vẫn mua sẵn 1 bình về hít trước khi ngủ. Mình cũng không thấy hại gì mà lại có cảm giác rất thích thú, khiến đầu óc thư giãn và dễ ngủ hơn”, Thủy Tiên cho biết.

Là “thú chơi” của một bộ phận người trẻ, bóng cười được bán tràn lan trên thị trường với nhiều mức giá. Một số trang cá nhân, hội nhóm trên mạng xã hội rao bán bóng cười, shisha công khai.

Giá 1 quả bóng cười được bán dao động từ 70 nghìn đến hơn 100 nghìn, thậm chí là 200 nghìn đồng. Thậm chí, nhiều trang web cũng như tài khoản mạng còn bán bình khí N2O để người dùng có thể sử dụng bóng cười dễ dàng hơn.

Nhiều lời quảng cáo hoa mỹ được vẽ ra để bán hàng như: “Khi chơi bóng cười cùng bạn bè, cảm xúc sẽ được thăng hoa hơn. Người chơi không chỉ cảm thấy lâng lâng mà còn cảm thấy yêu đời”… Song, thực chất, bóng cười là quả bóng bay được bơm khí N2O. Chất khí này khiến người hít có cảm giác phấn khích, ảo giác gây cười, có vị ngọt, không màu.

Bóng cười và sự nguy hại của bóng cười đối với sức khỏe con người không phải là vấn đề mới. Song, những hệ lụy của bóng cười thì vô cùng khó lường, nhất là đối với những bạn trẻ lạm dụng bóng cười trong những cuộc vui.

hiem hoa tu hit bong cuoi coi thuong than chet.png
Hàng loạt trang web, tài khoản mạng quảng cáo bán bóng cười công khai.

Có thể gây tử vong

Tháng 5 vừa qua, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã lên kế hoạch kiểm tra quán bar 1900 (phố Hàng Buồm) và phát hiện nơi đây trực tiếp bán bóng cười cho khách với giá từ 120 - 150 nghìn đồng/quả.

Để phục vụ khách hàng thuận tiện hơn, quán bar này không ngần ngại để bình khí cười loại lớn (khoảng 10kg) ngay tại quầy lễ tân. Khi khách vào bar có nhu cầu, các lễ tân lập tức bơm bóng cho khách. Quá trình kiểm tra, Công an quận Hoàn Kiếm đã phát hiện, thu giữ 1 bình khí cười và hơn 100 vỏ bóng cao su chưa qua sử dụng, với nhiều “dân chơi” vẫn đang vô tư hít bóng cười.

Ngày 15/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thông tin, Khoa Nội thần kinh – Cơ xương khớp đã tiếp nhận người bệnh nữ 16 tuổi ở Vĩnh Phúc trong tình trạng yếu 2 chi trên, liệt hai chi dưới, không đi lại được sau khi sử dụng 15 quả bóng cười. Người bệnh được chẩn đoán tổn thương thần kinh ngoại vi giai đoạn bán cấp do lạm dụng bóng cười.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp nguy hiểm do lạm dụng bóng cười. Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cũng điều trị cho một nữ bệnh nhân (19 tuổi) bị ngộ độc khí N2O. Trước đó, bệnh nhân đã sử dụng bóng cười trong 4 tháng liên tục.

Trung bình mỗi ngày bệnh nhân hít 5 bình bóng cười, tương đương khoảng 100 quả bóng cười. Kết quả xét nghiệm cho thấy, định lượng homocystein tăng cao, vitamin B12 giảm mạnh. Nữ bệnh nhân bị tổn thương thần kinh tủy sống cổ do ngộ độc khí N2O.

Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận, điều trị cho nam bệnh nhân ở Hải Phòng bị ngộ độc khí N2O sau thời gian dài hít bóng cười. Khoảng 2 tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân có sử dụng số lượng lớn bóng cười, thậm chí có ngày hít tới 5 - 10 bình khí N2O/ngày, tương đương với 100 - 200 quả bóng cười.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bóng cười bản chất là bóng bay được bơm đầy khí N2O. Khí này được sử dụng trong y khoa làm thuốc gây mê, có tác dụng giảm đau, an thần. Khi hít N2O, con người sẽ có tình trạng kích thích, phấn khích, ảo giác gây cười. Vì vậy, người ta lạm dụng nó cho mục đích giải trí.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng N2O kéo dài, hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, huyết áp, ức chế não, thậm chí gây tử vong do ngộ độc cấp.

N2O cũng gây tổn thương não, dây thần kinh khiến bệnh nhân rối loạn cảm giác, bị tê bì, liệt tất cả các cơ. Đó là lý do mà nhiều bệnh nhân vào viện trong tình trạng hạn chế hoặc không đi lại được, ảnh hưởng chức năng sống. Ngoài ra, N2O còn ảnh hưởng đến tâm thần, gây rối loạn tâm thần do tổn thương não. Với máu, khí này còn gây thiếu máu do ức chế tủy xương gây suy tủy xương. Với cơ quan sinh dục, N2O làm giảm khả năng sinh dục nam và nữ.

Tại một số nước, N2O được đánh giá là chất có hoạt chất tâm thần phải kiểm soát và đưa vào danh mục chất cùng nhóm với nhóm ma túy, không cho sử dụng tự do dạng giải trí.

Trước đó, Bộ Y tế đã có Công văn số 6357/BYT-KCB gửi các đơn vị có liên quan, Sở Y tế các tỉnh, thành phố để yêu cầu tăng cường quản lý việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng sản phẩm khí nitơ oxyd (N2O), bảo đảm truy xuất được người bán, người mua và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lạm dụng, sử dụng khí N2O sai mục đích.

Văn bản nêu rõ, khí nitơ oxyd (tên hóa học là Dinitrogen monoxyd) có công thức hóa học là N2O, là hóa chất được sử dụng trong công nghiệp; sản xuất, chế biến thực phẩm và đang được nghiên cứu sử dụng để an thần, giảm đau trong nha khoa.

Tuy nhiên hiện nay, Bộ Y tế ghi nhận có tình trạng lạm dụng khí N2O tại một số điểm vui chơi, giải trí gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người dân, đặc biệt là giới trẻ do thần kinh bị kích thích, hưng phấn và gây cười; sử dụng liều cao có thể dẫn đến ảo giác, gây những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.