Hít 'bóng cười' - giá đắt sau cuộc vui ngắn

GD&TĐ - Sự nguy hại của bóng cười vô cùng khó lường, nhất là đối với những người trẻ lạm dụng khí cười này trong những cuộc vui.

Cái giá của những cuộc vui ngắn là các bạn trẻ có thể bị liệt suốt đời. Ảnh: Lâm Ngọc
Cái giá của những cuộc vui ngắn là các bạn trẻ có thể bị liệt suốt đời. Ảnh: Lâm Ngọc

Hậu quả khôn lường

Bóng cười là một quả bóng bay được bơm một loại khí có công thức hóa học là N2O (Nitơ Oxít). Loại khí này khi hít vào vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng sảng khoái cho người sử dụng.

Làm nghề livestream, L.T.V (nữ, 25 tuổi, ngụ TPHCM) liên tục sử dụng bóng cười trong nhiều năm. Cách nhập viện 2 tuần, V. có biểu hiện tê, yếu tứ chi, không thể đi lại và phải sử dụng xe lăn.

Khai thác bệnh sử, V. cho biết ngày livestream bán hàng, đêm cùng bạn bè đến các bar, club chơi bóng như một thói quen. “Công việc của em cũng không vất vả, làm cũng nhiều tiền nên tối đến không đi chơi bóng nghe nhạc là em thấy thiếu, buồn lắm”, V chia sẻ.

Bác sĩ CKII Kiều Mạnh Hà - Chủ nhiệm Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 7A (TPHCM) cho biết, trên thế giới khí cười được phép sử dụng trong y tế với liều lượng nhất định, theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, khí cười N2O là nhóm chất gây nghiện, thuộc nhóm gây ảo giác có xu hướng tăng liều, người dùng có thể bị phụ thuộc, nghiện, tương tự heroin.

“Nhiều người lúc đầu chỉ sử dụng bóng cười cho vui, nghĩ rằng vô hại vì hết cười lại bình thường. Nhưng xu hướng sẽ tăng liều dần, gây nguy cơ ngộ độc. Trong trường hợp cười do hít bóng cười, việc cười quá mức, liên tục cũng có thể gây ngạt do thiếu oxy. Nếu trên cơ địa có bệnh đường hô hấp thì rất nguy hiểm, có thể bị ngạt, suy hô hấp”, BS Hà nói.

Cũng sử dụng bóng cười để giải trí, bệnh nhân N.H.H (nam, 22 tuổi, ngụ Vĩnh Long) nhập viện do liên tục sử dụng 10 quả bóng cười chứa khí N2O liên tục trong 2 ngày.

Theo người nhà bệnh nhân, sau khi hít bóng cười, H. bắt đầu xuất hiện cảm giác kim châm, đi lại khó khăn, các biểu hiện tăng dần kèm theo rối loạn chức năng cơ vòng. Các biểu hiện này tăng dần nhưng H không chịu đi khám mà tự mua thuốc uống.

Sau 15 ngày, bệnh tiến triển nặng hơn, H mới đến đến bệnh viện thăm khám. H cho biết, thường xuyên sử dụng bóng cười, 1 tuần 2 - 3 lần trong 7 năm nay, mỗi lần sử dụng 5 - 7 quả.

Đối với trường hợp bệnh nhân H, bác sĩ Hà cho rằng, bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu ngộ độc khí cười, nhưng vì tâm lý lo sợ, chủ quan, không đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám mà tự ý mua thuốc điều trị ở nhà sẽ làm tăng các triệu chứng, tổn thương nặng khi nhập viện, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. Hiện, bệnh nhân H tổn thương tủy cổ (đoạn dài từ C1 đến C6), liệt không đi lại được.

Bác sĩ Hà cho biết thêm, khí N2O không tan trong máu, lượng oxy thấp, có quả bóng không có oxy nên khi sử dụng sẽ làm thiếu chất này lên não. Ban đầu có thể phấn khích, sau đó sẽ rơi vào hôn mê nếu người dùng có tiền sử các bệnh tim mạch, hen suyễn, dễ kích ứng thần kinh. Nhiều người không hiểu rõ cơ chế gây tác hại của bóng cười nên vô tư sử dụng để giải trí là điều rất nguy hiểm.

Bác sĩ chuyên khoa II Kiều Mạnh Hà – Chủ nhiệm Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 7A thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lâm Ngọc

Bác sĩ chuyên khoa II Kiều Mạnh Hà – Chủ nhiệm Khoa Thần kinh, Bệnh viện Quân y 7A thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Lâm Ngọc

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát

Như đã thấy, việc sử dụng N2O kéo dài hoặc lạm dụng với mục đích giải trí không được kiểm soát có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, tim mạch, ức chế não, thậm chí gây tử vong.

Bên cạnh đó, hít khí bóng cười cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, làm giảm tầm nhìn và thính giác dẫn đến kích thích, hưng cảm thời gian ngắn, sau đó an thần, nặng có thể mất ý thức, loạn nhịp tim, tụt huyết áp… Hít khí cười trong thời gian ngắn với liều lượng lớn có thể khiến người sử dụng bị co giật, run rẩy.

“Tất cả các chất hóa học đều có thể gây nghiện và nếu sử dụng sai mục đích, với thời gian dài đều gây tác hại đặc biệt là các tổn thương vĩnh viễn trên não bộ. N2O được sử dụng trong y học từ hơn 150 năm trước để gây mê toàn thân. Tuy nhiên, do tác dụng yếu nên hiện nay trong y học chất này ít được sử dụng đơn độc mà thường được sử dụng phối hợp với các thuốc gây mê khác”, bác sĩ Hà nhấn mạnh.

Thời gian qua, Bộ Y tế nhận được thông tin tại một số địa phương xuất hiện tình trạng mua bán, sử dụng “bóng cười” có chứa khí N2O, nhất là tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke, khu vui chơi giải trí…

Để tăng cường công tác quản lý đối với khí N2O, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở nhập khẩu, kinh doanh, sang chiết sản phẩm khí này, bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý hóa chất cũng như quản lý phụ gia thực phẩm.

Doanh nghiệp phải khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí N2O làm phụ gia thực phẩm; việc thanh tra, kiểm tra các quy định về an toàn thực phẩm nói chung ưu tiên kiểm tra việc khai báo kiểm tra Nhà nước về thực phẩm nhập khẩu trước khi thông quan.

Kiểm tra việc tuân thủ các quy định tại Thông tư số 25/2019/TT- BYT ngày 30/8/2019 của Bộ Y tế quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế (bảo đảm truy xuất được người bán và người mua), xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O phải được ưu tiên hàng đầu.

Bộ Y tế cũng đề nghị tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O.

Ban hành các quy định theo thẩm quyền để ngăn ngừa và xử lý việc lạm dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O, nhất là tại các điểm vui chơi, giải trí như các quán bar, vũ trường, quán karaoke, rạp chiếu phim, công sở, trường học…

Khí N2O không nằm trong danh mục chất ma túy và tiền chất theo quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất; việc sử dụng bóng cười không bị coi là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, khí N2O thuộc danh mục hàng hóa hóa chất bị hạn chế sản xuất, kinh doanh, được quy định Phụ lục 2 Nghị định 82/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 9/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất). Khí N2O thựcchất là thuốc gây mê,vàđược sử dụng chủ yếu trong y tế để gây tê, giảm đau trong hoặc dùng để đóng gói, bảo quản thực phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.