Hiểm họa từ cổng trường

GD&TĐ - Vụ tai nạn thương tâm khiến 3 em nhỏ thiệt mạng ở phân hiệu Bản Phung, Trường Tiểu học Khánh Yên Thượng (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) đã khiến bầu không khí háo hức, vui tươi của ngày đầu tiên đi học trên cả nước trùng xuống và gióng lên lời cảnh báo rất đáng lưu tâm về an toàn trường học.

Hiện trường vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: IT
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: IT

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ngay trong ngày 7/9 đã gửi lời chia buồn, đồng thời đề nghị ngành Giáo dục Lào Cai thăm hỏi và hỗ trợ gia đình các em. Về phần mình, nhà trường, ngành GD địa phương và các cơ quan chức năng đã thực thi bổn phận, làm tất cả những gì có thể ngõ hầu chia sẻ phần nào nỗi đau mất mát với gia đình HS gặp nạn.

Theo nhà trường, điểm trường này được xây dựng năm 2016 với 4 phòng học (một nửa dành cho mầm non, một nửa cho tiểu học). Tai nạn xảy ra vào  buổi trưa, khi HS mầm non đã được cho nghỉ, còn HS tiểu học vẫn học. Mặc dù nguyên nhân chính thức dẫn đến tai nạn vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, xác minh, nhưng nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh vấn đề an toàn của trẻ khi đến trường, đặc biệt ở những trường vùng khó, miền núi - nơi thường xuyên chịu mưa lũ, sạt lở đất…

Thiết kế cổng trường như thế nào để đảm bảo an toàn cho HS? Câu hỏi này tạm bỏ ngỏ, bởi thực tế thiết kế trường học lâu nay vẫn yêu cầu theo quy chuẩn, nhưng vì hoàn cảnh kinh tế, đặc thù vùng miền khi triển khai lại phải xây dựng theo điều kiện ở từng địa phương, địa bàn… thậm chí theo cả gu thẩm mĩ của người có trách nhiệm.

Ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) - cho biết, Bộ GD&ĐT đã có công văn, chỉ đạo về việc cải tạo và bảo trì cơ sở vật chất trường học bảo đảm an toàn cho HS và nhiều văn bản, hướng dẫn khác liên quan đến công tác này.

Để cổng trường an toàn là trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhà trường. Ảnh minh họa
Để cổng trường an toàn là trách nhiệm của các cấp chính quyền và nhà trường. Ảnh minh họa

Trong vài năm gần đây, trường học ở một số địa phương xảy ra tình trạng sập lan can, đổ tường rào, bong trần, tốc mái… nhất là sau những trận mưa lũ, trường học vùng khó lại càng thêm nguy cơ mất an toàn với HS và GV. Một nguyên nhân được Cục Cơ sở Vật chất nêu ra là do nhiều công trình xây dựng đã quá lâu, đáng chú ý là công tác bảo trì, bảo dưỡng theo quy định đối với những công trình trường học chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. 

Hằng năm, Bộ GD&ĐT đều yêu cầu các địa phương rà soát cơ sở vật chất trường, lớp học. Nhưng còn nhiều địa phương chưa thực hiện tốt yêu cầu, trong khi công trình trường học xây mới ở nhiều nơi chưa được đảm bảo chất lượng.

Qua sự việc tại Lào Cai, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương triển khai nghiêm túc các quy định, hướng dẫn về bảo đảm an toàn cơ sở vật chất trường học; tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại chất lượng xây dựng các trường học; kiểm tra việc cải tạo các công trình trường học đã xuống cấp. Đặc biệt, kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.

Tính mạng con người là vô giá, phụ huynh HS mất con cũng như dư luận xã hội rất mong tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn ở Bản Phung. Từ mất mát này, hy vọng các nhà trường, địa phương… sẽ quan tâm hơn đến cánh cổng trường học, để chính HS không phải chứng kiến và lãnh chịu những nỗi đau tương tự. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ