Một số trường đã liên hệ hợp đồng với các đơn vị liên quan tiến hành cắt tỉa cành, nhánh. Ngoài ra, vấn đề làm sao vừa giữ được mảng xanh cho trường học, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh được nhiều trường quan tâm.
Theo lãnh đạo các trường, mỗi nhà trường luôn đề cao việc vừa nỗ lực tạo mảng xanh trong trường học vừa nâng cao trách nhiệm đề phòng, bảo đảm an toàn cho học sinh.
Định kỳ 2 lần/năm, trước thời điểm năm học mới vào mùa mưa đều có hợp đồng với các đơn vị có chuyên môn để cắt tỉa cành, nhánh… và kiểm tra sâu bệnh của cây. Tuy nhiên, các trường không có chuyên môn về đánh giá cây như thế nào là mất an toàn, bộ rễ bị hư… nên khó kiểm soát mức độ an toàn với những cây lớn, cổ thụ.
Vì vậy, cuộc tổng rà soát của phía cơ quan có chuyên môn là rất cần thiết ở thời điểm này và cần tổ chức định kỳ ở những thời điểm tiếp theo.
Tại Trường THPT Marie Curie (quận 3) có hàng chục cây xanh cổ thụ, đường kính lớn, cao hàng chục mét. Theo lãnh đạo nhà trường, mỗi năm nhà trường ký hợp đồng với Công ty Công viên cây xanh TP đến mé nhánh, tỉa cành. Trường còn có một nhân viên chuyên phụ trách việc chăm sóc các cây cảnh, tỉa những cành thấp, quan sát từng cây để nếu có gì đột xuất thì báo cáo có hướng xử lý.
Tuy nhiên, do không có chuyên môn về cây nên chỉ nhìn bằng mắt thường, rất khó để phát hiện các vấn đề như sâu, hư hỏng.
Vì vậy, lãnh đạo trường cho rằng, nếu có một bộ phận phối hợp chuyên môn, kiểm tra định kỳ theo quý chẳng hạn, cũng là điều rất cần thiết để đảm bảo giữ mảng xanh trong trường, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, nhân viên của trường.
Thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Quận Thủ Đức) cho hay nhà trường vừa cắt tỉa cành, nhánh của hệ thống cây xanh tuần trước. Đây là việc làm định kỳ hằng năm, trường thuê công ty cây xanh kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ cắt tỉa cây cao, tán rộng, không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, để nắm rõ về sâu bệnh, rễ bị hư hỏng... là rất khó.
Vì vậy, theo các trường, việc tổng khảo sát, đánh giá thực trạng cây xanh trong nhà trường để có phương án xử lý rủi ro, bảo đảm an toàn cho học sinh các trường học là rất cần thiết.
Đồng thời, các cơ quan chuyên môn có những khuyến cáo phù hợp, hướng dẫn cụ thể với cây nên ưu tiên trồng, những cây nào có nguy cơ mất an toàn đối với những trường bê tông hoá cao. Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan có chuyên môn trong quá trình chăm sóc cây.
Trao đổi về vấn đề này, PGS TS Đinh Quang Diệp, giảng viên khoa Môi trường Tài nguyên, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM cho rằng, các cơ quan chuyên môn cần có một cuộc cuộc tra, khảo sát toàn diện, đánh giá kĩ càng về cách xử lý các cây xanh lớn, lâu năm trong khuôn viên các trường. Việc đốn hạ cây phải có giám định kĩ, chứ không thể vì sự cố do cây phượng bật gốc mà… đổ thừa cho nó.
Theo PGS TS Đinh Quang Diệp, cây phượng vẫn có thể trồng được ở các trường, nhưng vấn đề chính là trồng như thế nào để phù hợp. Trước khi trồng phải có sự khảo sát khuôn viên trường, lịch sử của cây (là cây mua từ vườn ươm hay cây đã cao lớn), bồn phải rộng, phù hợp, không được xâm hại bộ rễ, làm ảnh hưởng đến bộ rễ. Và công tác chăm sóc, cắt tỉa cây định kỳ… và có sự hỗ trợ của cơ quan có chuyên môn.
Nói về việc trong trường học nên trồng các loại cây nào, PGS TS Đinh Quang Diệp cho rằng, trồng cây gì cần khảo sát, phụ thuộc vào khuôn viên trường, có bị bê tông hoá nhiều không, mật độ xây dựng, khuôn viên… Và cần có đơn vị chuyên môn tư vấn kĩ, dựa vào những tiêu chí của cây đô thị để đưa ra khuyến cáo.
Một trong những tiêu chí cây trồng trong trường là có hệ rễ khỏe, tán rộng, không có bộ phận độc như trái, gai, ảnh hưởng con người…
Liên quan đến sự việc xảy ra tại Trường THCS Bạch Đằng, công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM thông tin, việc nhận diện, đánh giá những dấu hiệu nguy hiểm của cây xanh, theo đơn vị này, là rất khó.
Vì cây trong đô thị nhìn thấy bình thường, lá vẫn xanh nhưng bên trong nhiều khi đã mục rỗng, có thể bật gốc do nhiều nguyên nhân như quá trình đô thị hóa ảnh hưởng, thời tiết biến đổi khí hậu, ngập úng do triều cường, mưa giông, lốc xoáy, gió giật mạnh…
Vì thế, Công ty Công viên cây xanh TP khuyến cáo các đơn vị, cơ quan có trồng cây xanh nên liên hệ các đơn vị chuyên ngành có chuyên môn để tư vấn nên chọn chủng loại cây phù hợp để trồng; có sự kiểm tra, đánh giá, xử lý định kỳ nhằm phát hiện kịp thời những cây nguy hiểm.
Không nên ký hợp đồng với những đơn vị không có chuyên môn, không kinh nghiệm để thực hiện chăm sóc cây, đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh.
Riêng đối với các dự án có trồng cây xanh, nên tham khảo ý kiến chuyên gia, nhà khoa học… để lựa chọn trồng cây cho phù hợp và đảm bảo an toàn.