Bảo đảm an toàn cho học sinh: Linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế

Bảo đảm an toàn cho học sinh: Linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế

Giãn cách tại trường thành phố: Được chừng nào tốt chừng đó

Thiếu phòng học và GV nên không thể thực hiện giãn cách số HS/lớp theo hướng dẫn của Bộ Y tế, ngành GD-ĐT Đà Nẵng hướng dẫn các trường học, tùy theo tình hình thực tế để sắp xếp lại bàn ghế trong lớp học, thực hiện triệt để các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang trong lớp học, rửa tay diệt khuẩn trước khi vào lớp, vệ sinh phòng học sau khi kết thúc buổi học…

Dù Sở GD&ĐT Đà Nẵng có hướng dẫn phụ huynh không được vào trường khi đưa, đón con, nhưng một số trường có số lượng HS/khối lớp quá đông vẫn phải để phụ huynh vào trường đón trẻ, tránh kẹt xe. Cô Nhã Trúc – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu) cho biết: “Để phụ huynh vào trường đón con chỉ mất khoảng 3 - 5 phút, nhưng nếu để HS tự ra cổng tìm cha mẹ còn mất nhiều thời gian hơn khi mỗi khối đã có trên 500 HS”.

Các trường học có số lượng HS/buổi học quá đông như Trường THPT Phan Châu Trinh, nhà trường tổ chức 3 cổng đón HS để đo thân nhiệt. Thầy Nguyễn Quang Hưng – Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết: “Nhà trường thực hiện triệt để việc HS phải rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường. Tại 3 cổng đón HS, chúng tôi đặt 3 máy rửa tay sát khuẩn tự động để tránh việc chạm vào thiết bị gây nguy cơ lây nhiễm. Nhà trường có 2 máy quét khẩu trang tại 2 cổng đón tiếp để giảm khối lượng công việc cho bộ phận đo thân nhiệt. Nếu đi qua cổng trường, HS và GV không đeo khẩu trang sẽ bị thiết bị này phát hiện và nhắc nhở”. Trường THPT Phan Châu Trinh cũng trang bị cho các lớp học dụng cụ vệ sinh bàn ghế, tay nắm cửa… để HS tự vệ sinh sau mỗi buổi học. Bình rửa tay diệt khuẩn cũng được đặt tại các lớp học.

Bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng trao đổi: Các trường gần như không thể bảo đảm giãn cách trong lớp học theo yêu cầu của Bộ Y tế. “Tùy theo điều kiện của từng phòng học, các trường có thể kê lại bàn ghế để thực hiện giãn cách được chừng nào tốt chừng đó. HS được khuyến cáo đeo khẩu trang trong lúc đến trường để phòng, chống dịch bệnh”, bà Thuận thông tin.

Ông Võ Trung Minh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Sơn Trà cho biết: Việc chia đôi lớp học để tổ chức dạy - học là không thể khả thi trong điều kiện các trường THCS, THPT chỉ đủ phòng học để bố trí học 1 buổi/ngày. Kể cả tiểu học cũng không thể bố trí 20 HS/lớp học vì không đủ GV để sắp xếp.

Việc giãn cách càng khó khi các trường tổ chức bán trú. Bà Trần Thị Thúy Hà - Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu cho biết: “Ngày 13 và 14/5, các trường tiểu học sẽ tổ chức cho phụ huynh đăng ký nhu cầu bán trú. Trong điều kiện như hiện nay, nếu số lượng HS đăng ký bán trú không quá 60% - 70%, nhiều trường sẽ không tổ chức bán trú.

Còn theo ông Võ Trung Minh, việc tiếp quản thực phẩm sẽ phải tổ chức ở bên ngoài khu vực trường. Giờ ăn trưa, thay vì tổ chức cho toàn bộ HS ăn trưa tại sảnh như trước đây, các trường sẽ phải giãn bớt số lượng HS bằng cách HS của một số lớp sẽ ăn trưa ngay tại lớp học để tránh tập trung đông người tại sảnh ăn. Giờ nghỉ trưa, để HS không nằm ngủ trưa quá sát nhau, trong điều kiện thời tiết tại Đà Nẵng những ngày tới sẽ rất nóng, các trường có thể sử dụng các phòng chức năng, phòng bộ môn để cho HS ngủ trưa.

Trường vùng khó giữ nguyên lớp, kê thêm bàn

Cô Nguyễn Thị Hòa – Hiệu trưởng Trường THCS Lùng Vai (Mường Khương – Lào Cai) cho biết: Với 264 HS/8 lớp học vẫn giữ nguyên theo lớp bởi lớp nhiều nhất là 37 HS, lớp ít nhất 30 HS còn phòng học có diện tích 54m2. Nhà trường chỉ kê thêm một số bàn học để bảo đảm khoảng cách HS. Trong lớp học đông nhất chỉ có 2 - 3 bàn là 2 HS ngồi chung. Giờ ra chơi, nhà trường yêu cầu GV quản lý HS ngồi tại lớp để tránh tập trung đám đông.

Đặc biệt, Trường THCS Lùng Vai còn thực hiện giãn cách cả khi kết thúc giờ học. Giờ về của các khối 6, 7, 8 , 9 sẽ kết thúc lần lượt và chênh nhau từ 5 - 10 phút. Các lớp trong 1 khối cũng thực hiện ra về lần lượt. Không còn tình trạng các khối và lớp về cùng một thời điểm và tập trung đông ở sân trường, nơi gửi xe…

Tại Trường PTDTBT THCS xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên – Hà Giang), cô Đinh Thị Bích - Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng chia sẻ: Số HS của trường không cao (156 em), lớp ít nhất 21 lớp, nhiều nhất 24 HS/lớp nên mỗi lớp chỉ cần kê tăng cường 2 - 3 bàn học để HS ngồi giãn cách. Các bữa trưa của 73 HS bán trú được ăn theo 2 ca. Trước bữa ăn, HS xếp hàng lần lượt rửa tay và ngồi cách nhau. Hơn 500 khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn cũng được nhà trường kêu gọi hỗ trợ sớm từ các tổ chức xã hội để khi HS trở lại trường lập tức có để sử dụng.

Ngày học đầu tiên, một số lớp của Trường Tiểu học Núi Thành (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), phụ huynh và GV đã trang bị cho HS mũ ngăn giọt bắn. Cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Việc HS đội mũ ngăn giọt bắn chỉ diễn ra vào đầu buổi học, như là một đạo cụ cho bài hát rửa tay “Ghen Cô Vy” để khởi động cho học kỳ mới sau một thời gian dài HS nghỉ học. Nhà trường không khuyến khích và cũng không có chủ trương bắt buộc HS phải đeo mũ ngăn giọt bắn. Các em chỉ phải sử dụng khẩu trang khi đến trường. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vì sao Nga đang chiếm ưu thế ở Ukraine?

Vì sao Nga đang chiếm ưu thế ở Ukraine?

GD&TĐ - Những thành công mà quân đội Nga giành được là nhờ ba yếu tố, xuất phát từ cả những điểm mạnh của Nga và những yếu tố liên quan đến hạn chế của Ukraine.
Minh họa/INT

Nghĩa cử đẹp

GD&TĐ - Từ một nghĩa cử tự phát, đến nay, việc vận chuyển nước sinh hoạt miễn phí cho người dân vùng hạn mặn đã thành phong trào ở các tỉnh phía Nam.